Chuyện làm ăn

Rủi ro giá tiêu tăng cao?

Lữ Ý Nhi 11/06/2024 09:51

Năm 2024, nhiều mặt hàng nông sản tăng giá cao, từ cà phê, tiêu, gạo và hạt điều… đều tăng chóng mặt. Ngày 3/6 giá tiêu ở mức cao (140-142 triệu đồng/tấn), người nông dân vui nhưng thị trường lại không đủ tiêu để bán và nhiều thách thức.

bai-1.jpg
Nhà máy sản xuất tiêu của Phúc Sinh Group

Tiêu tăng giá, vì sao?

Liên tục từ đầu năm 2024 đến nay, giá tiêu tại Việt Nam đã trải qua nhiều biến động tăng theo từng tháng. Cụ thể, tháng 1/2024, giá hồ tiêu khoảng 3.900 USD/tấn và tiêu trắng ở mức 5.700 USD/tấn. Tháng 2 và 3/2024, giá tiêu tiếp tục tăng, đặc biệt tại Đắk Lắk và Đắk Nông, đạt mức 99.500 đồng/kg. Tháng 4/2024, giá hồ tiêu tăng lên 4.342 USD/tấn. Tháng 5/2024, giá tiêu vẫn ở mức gần 100.000 đồng/kg. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, giá tiêu tăng bình quân 39,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Lý giải việc giá tiêu tăng cao, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch Phúc Sinh Group cho biết: “Năm 2023, sản lượng tiêu của Brazil sụt giảm do nhiệt độ của Brazil thay đổi từ 35-38 độ C lên đến 55-60 độ C, hạn hán và nóng bức đã làm một loạt vườn tiêu rộng lớn của Brazil chết khô.

05062024vthuy8.jpg

Những cánh đồng tiêu cháy đen đã đẩy giá tiêu Brazil từ 3.200 USD/tấn (giá FOB) lên đến 4.700 USD/tấn FOB chỉ trong vòng 3 tháng và tiếp tục ở mức cao. Lúc đó khách quốc tế chạy qua Việt Nam mua tiêu mạnh làm giá tiêu Việt Nam tăng liên hồi. Lúc này, ước mơ giá tiêu quay về mốc 100 triệu/tấn năm 2023 là giấc mơ đẹp, và người dân thấy giá tiêu tăng lên thì giữ lại.

Cùng lúc này, Trung Quốc là khách mua lớn, thấy giá biến động và nhìn thấy nguồn cung khan hiếm, họ bắt đầu đẩy giá tiêu lên vô cùng cao. Ai cũng đợi mùa thu hoạch tiêu đến thì giá giảm nhưng giá tiêu không giảm và các nhà mua hàng đợi, đợi mãi mà giá không giảm nên phải tiếp tục mua vào.

Một nghịch lý là khi giá xuống thấp, người trồng lại làm cầm chừng và bỏ bê dẫn đến sản lượng thấp. Năm 2023, sản lượng tiêu cả nước đạt khoảng 170.000 tấn và năm 2024 giảm còn khoảng 160.000 tấn, tức là giảm 300.000 tấn so với năm 2015. Trong khi nhu cầu thế giới chỉ sản xuất ra khoảng 455.000 tấn tiêu nhưng nhu cầu cần khoảng 550.000 tấn, khiến cho các nhà sản xuất, trồng tiêu lại có giấc mơ của năm 2015.

Rủi ro giữ hàng?

Giá tăng nên từ đầu năm 2024, nhiều nông dân giữ lại tiêu thay vì bán ra, chờ đợi giá cao hơn. Điều này dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn cung, gây áp lực lên giá cả thị trường. Các nhà xuất khẩu gặp khó khăn trong việc thu mua, làm giảm lượng tiêu xuất khẩu. Trong 4 tháng đầu năm 2024, lượng xuất khẩu giảm 18,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Việc khan hiếm tiêu do nông dân giữ hàng chờ giá cao đang gây ra nhiều khó khăn cho thị trường, từ việc thực hiện các hợp đồng xuất khẩu đến việc duy trì sự ổn định của chuỗi cung ứng, đồng thời dẫn đến nghịch lý là giá tiêu trong nước và quốc tế càng bị đẩy giá lên cao.

Tại sự kiện do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương và Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) tổ chức vào tháng 6/2024, bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch VPSA nhấn mạnh: “Việc giữ tiêu chờ giá cao của nông dân đã dẫn đến khan hiếm nguồn cung, làm tăng giá tiêu mạnh mẽ trên thị trường. Tuy nhiên, sự thiếu hụt này không chỉ gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu mà còn ảnh hưởng đến tính bền vững của ngành hồ tiêu”.

Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cũng cho biết: “Việc khan hiếm tiêu do nông dân giữ hàng chờ giá cao không bền vững và có thể dẫn đến những hệ quả tiêu cực trong dài hạn. Ông Hải khuyến cáo nông dân và doanh nghiệp cần hợp tác để đảm bảo nguồn cung ổn định và duy trì thị phần trên thị trường quốc tế”.

Chứng kiến nhiều đợt tăng giá tiêu và hệ lụy, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch Phúc Sinh Group cảnh báo: “Từ năm 2020, giá tiêu tại Việt Nam bắt đầu tăng mạnh đến đỉnh điểm là năm 2015. Lúc đó, hạt tiêu trở thành ngành tỷ USD và khi giá chạm mốc 230 triệu VND/tấn (năm 2015), lúc đó những người tham gia chuỗi trong ngành tiêu cảm thấy vô cùng phấn khích, từ nông dân đến các kho bãi, nhà cung cấp và nhà xuất khẩu, ai ai cũng nói về điều kỳ diệu của hạt tiêu. Thậm chí, đi đến đâu người ta cũng ví von hạt tiêu là “vàng đen”. Lúc đó, người người trồng tiêu, nhà nhà trồng tiêu. Rất nhiều nông hộ lúc đó còn trữ 3 tấn, 5 tấn tiêu trong nhà, họ kỳ vọng giá tăng lên 250 triệu đồng/tấn mới bán.

Tuy nhiên thực tế luôn khắc nghiệt và giá tiêu giảm nhanh sau đó. Sau giai đoạn tăng giá từ 2010 đến 2012, nông dân Brazil cũng nhập cuộc trồng tiêu và sản lượng từ chỗ 35.000 tấn, họ tăng tốc lên 100.000 tấn năm 2021 và bắt đầu cạnh tranh dữ dội với Việt Nam cả về số lượng và giá.

Từ đó, dẫn đến giá tiêu không lên giá 250 triệu đồng/tấn mà đi xuống 200 triệu đồng rồi 180 triệu đồng/tấn và đến năm 2019 thì xuống còn 36 triệu đồng/tấn. Tức là giá tiêu đã giảm tới 85% trong 3,5 năm khiến bao nhiêu nông dân đau thương và tan hoang. Nhiều người vay tiền mua nương rẫy, mua giống tiêu về trồng đều lâm cảnh thất bại và phá sản.

Dự báo giá tiêu từ nay đến cuối năm, các chuyên gia cảnh báo, nhu cầu tiêu thụ toàn cầu có thể giảm, ảnh hưởng từ xung đột địa chính trị và suy thoái kinh tế. Điều này đặt ra bài toán khó cho nông dân và các nhà xuất khẩu trong việc cân bằng giữa giữ tiêu chờ giá cao và đảm bảo nguồn cung ổn định cho thị trường.

Như vậy, quyết định giữ tiêu của nông dân, mặc dù mang lại hy vọng về lợi nhuận cao, cũng đặt ra nhiều thách thức, rủi ro cho thị trường hồ tiêu Việt Nam và cho chính người nông dân trong thời gian tới. Những bài học về giá tiêu cao và việc “găm hàng” giữ giá vẫn là bài học xem như lời cảnh báo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Rủi ro giá tiêu tăng cao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO