Ngành rau quả Việt Nam đang đứng trước sức ép cạnh tranh ngày càng lớn |
Nhiều dự báo cho thấy nhập khẩu rau quả sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Nhiều ý kiến cho rằng rau quả Việt Nam đang đứng trước cơ hội mở rộng thị trường rất lớn, tuy nhiên nguy cơ bị thu hẹp thị trường nội địa cũng không phải là nhỏ.
Cạnh tranh là động lực phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Từ năm 2013 đến nay, tốc độ tăng trưởng trung bình của xuất khẩu rau quả từ Việt Nam là 25%/năm. Riêng 10 tháng đầu năm 2017, giá trị xuất khẩu các loại rau quả đạt 2,48 tỷ USD, tăng hơn 47% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, với giá trị thị trường nhập khẩu rau quả toàn thế giới vượt mức 200 tỷ USD/năm kể từ năm 2011, giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam hiện mới chiếm chưa đến 1% thị phần, có thể nói là chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Bên cạnh đó, nhập khẩu hàng rau quả của cả nước cũng liên tục tăng mạnh, trung bình 26%/năm trong 5 năm qua.
Theo ý kiến của ông Nguyễn Hữu Đạt - Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, việc tăng mức nhập khẩu các loại rau quả từ các nước sẽ tạo động lực buộc nhà sản xuất, các doanh nghiệp Việt Nam phải cải thiện quy trình sản xuất, tuân thủ tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm chặt chẽ hơn để đủ khả năng cạnh tranh với sản phẩm từ nước ngoài. Đây cũng là thực tế đang diễn ra tại nhiều địa phương có thế mạnh về trồng trọt chế biến rau quả.
Sau quá trình khảo sát kéo dài hàng năm tại Đà Lạt – Lâm Đồng, JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) nhận định rau quả Đà Lạt – Lâm Đồng thiếu nền tảng tạo ra sự khác biệt và tăng giá trị gia tăng: Chưa hình thành sản xuất tập trung quy mô lớn, hoạt động sau thu hoạch (phân loại, đóng gói và bảo quản lạnh) còn chưa phát triển. Đây không chỉ là nút thắt cho thị trường xuất khẩu mà ngay tại thị trường nội địa, rau Đà Lạt cũng mất dần thị phần vào các loại rau củ từ Trung Quốc. Do bị hạn chế ở công nghệ sau thu hoạch và xây dựng thương hiệu nên dù chất lượng sản phẩm không khác nhau nhiều, song giá trị sản sinh từ 1ha đất của Đà Lạt chỉ bằng một phần tám so với Malaysia.
JICA cũng nhận định rằng hầu hết các nông hộ ở Lâm Đồng không có khâu phân loại và đóng gói; nông sản làm ra thường bán xả cùng một giá cho thương lái. Đối với các hợp tác xã (HTX) và công ty, khâu sau thu hoạch còn rất đơn giản, thô sơ và chưa hiệu quả. Hơn thế, không thể nhận biết được thương hiệu của các HTX và doanh nghiệp này do không có bao bì đóng gói và nhãn hiệu.
Trước khi hợp tác với JICA, Công ty TNHH SX-TM Nông sản Phong Thúy – doanh nghiệp có trang trại trồng rau lớn bậc nhất ở Lâm Đồng đã áp dụng phương thức sản xuất hiện đại nhưng khâu sau thu hoạch còn nhiều bất cập. Để được cung ứng nông sản cho siêu thị cao cấp, công ty này phải thực hiện thêm công đoạn phân loại và đóng gói bao bì sản phẩm. Tuy nhiên, tất cả các công đoạn từ tuyển chọn nông sản đến đóng bao bì và dán nhãn mác đều được thực hiện thủ công nên tốn rất nhiều công lao động. Chi phí cho khâu này của Phong Thúy chiếm tới 12 – 15% tổng chi phí, trong khi tại các quốc gia như Nhật Bản và Malaysia chỉ vào khoảng 2 – 5%.
Nhận thấy khâu sau thu hoạch có vai trò rất quan trọng, giúp tăng chất lượng và giảm thiểu hao hụt đáng kể, JICA đã tài trợ hệ thống máy phân loại nông sản cho Công ty Phong Thúy với công suất thiết kế thực tế đạt 2,5 tấn mỗi giờ. Theo ông Nguyễn Hồng Phong - Giám đốc Công ty Phong Thúy, từ khi có máy phân loại, năng suất phân loại cà chua của công ty tăng từ 120 tấn/tháng lên 200 tấn (tăng 66%), trong khi đó công lao động giảm tới 75%. Máy có khả năng phân loại sản phẩm cà chua theo các tiêu chí về kích thước, màu sắc, đáp ứng yêu cầu đặt hàng từ các siêu thị và chợ đầu mối trong nước. Thấy hệ thống máy này hoạt động hiệu quả nên công ty đã liên kết các hộ trồng rau đầu tư thêm 20 máy rửa và đánh bóng cho các cơ sở trên địa bàn huyện Đức Trọng.
Cần thêm sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính quyền
Từ những mô hình thí điểm thành công như trên, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch nhân rộng, tiến tới hình thành 6 trung tâm sau thu hoạch giai đoạn 2017 - 2020 với kinh phí thực hiện 309 tỷ đồng, công suất chế biến từ 50.000 - 120.000 tấn sản phẩm mỗi năm tại mỗi trung tâm. Mục tiêu đưa tỷ lệ sản phẩm rau, củ, quả được qua sơ chế, chế biến, bảo quản và phân loại đúng quy trình kỹ thuật đạt từ 25 – 30%, giảm tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 10%, giảm tỷ lệ nông sản xuất bán thô.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt cho rằng, trước mắt sẽ hợp tác đầu tư mạnh công nghệ sau thu hoạch tại khu công nghiệp, nông nghiệp chuyên xuất khẩu cho Nhật Bản vì sản lượng một số loại nông sản như cà chua, cà rốt, khoai tây của Đà Lạt có xu hướng dư thừa.
Làm sao thu hút nhà đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ cũng là mối quan tâm lớn của chính quyền tỉnh Tây Ninh. UBND tỉnh Tây Ninh cho biết sẽ dành 1.800ha đất thu hồi từ các nông trường để đầu tư hạ tầng, cũng như có kế hoạch đào tạo công nhân nông nghiệp có tay nghề nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Cuộc hội thảo Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp quốc tế do tỉnh này tổ chức hồi đầu năm 2017 đã gặt hái hiệu quả khi thu hút được dự án nhà máy chế biến rau quả trị giá 1.500 tỷ đồng, dự kiến đưa vào hoạt động trong cuối năm 2018.
4 tháng sau khi diễn ra hội thảo, nhà máy chế biến rau quả Tanifood do Công ty cổ phần Lavifood đầu tư đã được khởi công tại xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh trên diện tích 15ha. Khi đi vào hoạt động, dự kiến mỗi ngày nhà máy sẽ tiêu thụ 500 tấn nguyên liệu như xoài, chanh dây, dứa, thanh long…
Theo lãnh đạo Công ty Lavifood, tất cả nguyên liệu được trồng và tham gia chuỗi giá trị ở Tây Ninh nói chung và huyện Dương Minh Châu nói riêng sẽ được nhà máy bao tiêu toàn bộ.
Ông Phạm Văn Tân - Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, hiện tại thu nhập từ nông nghiệp của nông dân trên địa bàn tỉnh ở mức 85,5 triệu đồng/ha/năm. Tây Ninh đặt mục tiêu sau 5 năm triển khai mô hình kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển chuỗi giá trị thì thu nhập trung bình của nông dân tăng từ 1.500 USD/năm lên 5.000 USD/năm.