Gần đây, một số doanh nghiệp (DN) lớn đã bắt đầu đầu tư vào nông nghiệp. Cụm từ "khởi nghiệp nông nghiệp" cũng được nhắc đến nhiều hơn. Song, để lĩnh vực vốn được đánh giá là nhiều tiềm năng này đem lại giá trị kinh tế cao, các dự án khởi nghiệp của giới trẻ tạo ra hiệu quả thì vẫn cần thời gian và sự hợp tác từ nhiều phía.
Liên quan đến chủ đề kinh tế nông nghiệp, khởi nghiệp nông nghiệp, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp: ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Vinamit; ông Võ Minh Khải - Tổng giám đốc Công ty CP Thương mại và Sản xuất Viễn Phú; và đại diện quỹ đầu tư tài chính - ông Nguyễn Mạnh Dũng - Trưởng đại diện, Giám đốc Quỹ đầu tư CyberAgent Ventures (Nhật Bản) tại Việt Nam và Thái Lan đã trao đổi với Doanh Nhân Sài Gòn.
* Cả nước hiện chỉ có khoảng 1% DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với số vốn gần 3% tổng số vốn đầu tư của cộng đồng DN vào sản xuất, kinh doanh. Theo ông, tại sao nông nghiệp chưa phải là lĩnh vực thu hút DN?
- Ông Nguyễn Lâm Viên: Xuất phát từ nhu cầu thực phẩm sạch của người tiêu dùng trong nước cũng như xu hướng thế giới, những năm gần đây, nhiều nhà đầu tư bắt đầu quan tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, so với các lĩnh vực kinh doanh khác thì nông nghiệp vẫn chưa có sự đột phá lớn và cũng mới chỉ nổi lên tên tuổi của một vài DN và một số ít bạn trẻ khởi nghiệp, chiếm chưa đến 1%.
Vì sao một đất nước nông nghiệp như Việt Nam lại có quá ít DN tham gia? Nguyên nhân đầu tiên là hiệu quả đầu tư. Nếu tính lợi nhuận thì đây là lĩnh vực có mức sinh lời rất lớn nhưng ngược lại, thời gian thu hồi vốn lại chậm, ít nhất phải từ 5 - 10 năm nếu làm bài bản. Hơn nữa tỷ lệ rủi ro cũng cao, thấp nhất là 50% và khả năng mất kiểm soát cũng như mất cân đối của DN là rất lớn. Chưa kể rủi ro về chính sách quản lý vĩ mô, rồi dịch bệnh, thiên tai, có khi mất trắng cả sự nghiệp.
Bên cạnh đó, nông nghiệp là lĩnh vực đòi hỏi nguồn lực quản trị cũng như nguồn nhân lực để đạt mục tiêu, hiệu quả trên cánh đồng là rất cao. Ngoài ra còn một khó khăn không nhỏ khác, đó là quản trị nguồn nhân lực là nông dân khó hơn gấp nhiều lần trí thức.
Thực tế nhiều bạn trẻ có ý tưởng, đầu tư chuyên tâm và tổ chức kinh doanh khá bài bản nhưng thất bại. Lý do là không có đủ nguồn nhân lực nên vừa là nhà đầu tư và cũng là người thi công với nhiều "cái không": không hiểu cây trồng, không hiểu đất đai, thổ nhưỡng, không kinh nghiệm... Trong khi đó, nông dân Việt Nam vẫn còn giữ quan điểm họ chỉ là người làm công và tại sao phải đi làm giàu cho ông chủ. Từ đó, dẫn đến ý thức tự giác, tuân thủ quy trình của chăn nuôi, trồng trọt của họ cũng không cao.
- Ông Võ Minh Khải: Đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thể kể đến như việc phải phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, hay biến đổi khí hậu, dù được xem là nguyên nhân khách quan nhưng sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với người làm nông nghiệp.
Hơn nữa hiện nay, đầu tư nông nghiệp cần phải theo chiều sâu, tức phải có nguồn vốn, có cơ sở hạ tầng, có kiến thức, kinh nghiệm về kỹ thuật trong nông nghiệp. Song, vấn đề đáng nói là hầu như phần vốn đầu tư của các DN đa phần là vốn vay. Với một bên là nguồn vốn ít ỏi, một bên vừa phải chịu lãi suất ngân hàng cao so với các nước, điều này đã đẩy giá thành sản phẩm lên cao.
Dù sản phẩm có tốt, nhưng giá cao và không cạnh tranh được với các mặt hàng nông nghiệp ngoại nhập với giá mềm hơn, thì làm sao nhà đầu tư có đủ lực để có thể duy trì hoạt động? Do đó, dù được đánh giá là lĩnh vực tiềm năng nhưng nông nghiệp vẫn chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư.
* TP.HCM gần đây đẩy mạnh các chương trình khuyến khích giới trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm hướng tới mục tiêu 1.500 DN nông nghiệp vào năm 2020, trong khi thực tế khởi nghiệp của giới trẻ đa phần hướng đến việc mở cửa hàng F&B (thực phẩm và đồ uống). Ông đánh giá thế nào về mục tiêu này?
- Ông Nguyễn Lâm Viên: Chuỗi cửa hàng F&B là cầu nối tiêu thụ sản phẩm giữa người làm nông nghiệp và tiêu dùng. Chuỗi F&B tốt hay không là nhờ vào chính sách của Chính phủ đối với các DN chế biến. Bởi, các DN chế biến sản phẩm được hỗ trợ thì mới có nhiều sản phẩm cung ứng cho chuỗi cửa hàng F&B.
Tuy nhiên, bất cập hiện nay là người bán hàng cũng như nhà sản xuất mua nguyên liệu từ nông dân thì phải đóng thuế VAT thay cho nông dân. Vậy nên, muốn khuyến khích DN F&B hay DN đầu tư vào nông nghiệp, trong đó có nông nghiệp chế biến sản phẩm - chuỗi mắt xích tạo ra giá trị cao nhất cho nông nghiệp thì trước hết, Nhà nước cần có chính sách miễn thuế VAT cho người chế biến và bán hàng thì mới kích thích nông nghiệp phát triển.
Riêng chủ trương khuyến khích các bạn trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, theo tôi, cần phải có chính sách hỗ trợ công khai, minh bạch cũng như một định nghĩa đúng đắn, rõ ràng về nông nghiệp áp dụng công nghệ cao. Hiện nay, Chính phủ đang ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhưng lại định nghĩa sai về công nghệ cao. Nông nghiệp có 2 nông pháp rất rõ, một là nông pháp hóa học, hai là hữu cơ. Hữu cơ gốc phải từ vi khuẩn, phát triển từ vi sinh vật lấy từ đất, từ môi trường, ánh sáng mặt trời, đó mới thực sự là công nghệ cao.
Do định nghĩa chưa đúng nên các DN đang đầu tư theo hướng nông nghiệp hữu cơ (organic), áp dụng công nghệ sinh học vào nông trại không được hưởng chế độ ưu đãi như các DN trong khu nông nghiệp công nghệ cao. Cụ thể, các DN đầu tư nông nghiệp theo hướng organic không được xem là doanh nông áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp nên không được vào khu nông nghiệp công nghệ cao, không được hưởng ưu đãi 0% thuế VAT và lợi tức một cách công bằng.
>>5 tiêu chí công nhận vùng nông nghiệp công nghệ cao
* Indonesia - một quốc gia có tỷ lệ dân số sử dụng smartphone thấp hơn Việt Nam, nhưng hiện tại, thông qua mạng di động, họ đã có những công ty khởi nghiệp thành công nhờ vào việc tạo ra ứng dụng kết nối trực tiếp giữa nông dân với các cửa hàng thực phẩm, với hệ thống phân phối lớn, có thể kể đến như Tanihub, Limakilo, I-Grow... Khởi nghiệp nông nghiệp ở Việt Nam có thể đi theo hướng này không, thưa ông?
- Ông Nguyễn Lâm Viên: Trong lĩnh vực nông nghiệp, việc ứng dụng phần mềm kết nối vào thời điểm này vẫn chưa hiệu quả. Bởi các bạn trẻ không đủ vốn, niềm tin để có những phần mềm kinh doanh theo mô hình này, còn các nhà đầu tư lớn thì chưa quan tâm vì cho rằng chưa cần thiết.Vấn đề hiện tại của nông nghiệp Việt Nam là đầu tư vào chuỗi cung ứng và sản phẩm, khi nào khả năng cung ứng đủ mạnh và có nhiều sản phẩm tốt thì khả năng kết nối sẽ dễ thành công hơn.
- Ông Nguyễn Mạnh Dũng: Việt Nam hiện cũng có các ứng dụng như dự báo thời tiết chạy trên nền tảng smartphone. Đã có người triển khai và bán cho nhà nông sản phẩm này. Ứng dụng IoT (internet vạn vật) để có thể đo độ ẩm, lượng mưa... Hiện đã có một số nông trại như Cầu Đất Farm đang sử dụng các ứng dụng này vào trồng trọt.
Song, tất cả chỉ dừng lại ở mức độ hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp. Trong khi để có được những doanh nghiệp khởi nghiệp giá trị như Tanihub, Limakilo, I-Grow thì cần thời gian, chi phí đầu tư và sự hợp tác từ nhiều phía.
* Để có những công ty như Tanihub hay Limakilo, được nhiều quỹ đầu tư tài chính rót tiền, hệ sinh thái khởi nghiệp cho lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam, theo ông thì cần những điều kiện gì?
- Ông Nguyễn Lâm Viên: Nhà nước cần cụ thể hóa các chủ trương, chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp. Muốn vậy, phải có môi trường học hỏi, cọ xát và trải nghiệm, tạo cho các DN trẻ cơ hội tiếp cận thị trường, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho DN khởi nghiệp, xây dựng khung pháp lý với nhiều ưu đãi cho khởi nghiệp để họ mạnh dạn đầu tư.
- Ông Nguyễn Mạnh Dũng: Ở góc độ của một quỹ đầu tư mạo hiểm, chúng tôi quan tâm đến các dự án, DN trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng chủ yếu tập trung vào những đề án phát triển các ứng dụng chạy trên nền tảng internet nhằm kết nối giữa nhà bán lẻ, đơn vị thu mua hoa màu với nông dân, hay các sàn giao dịch (thương mại điện tử) nông sản..., chứ không tham gia đầu tư trực tiếp vào việc sản xuất của các nông trại.
Tại Việt Nam, tôi chưa thấy các dự án hay những công ty như Tanihub, I-Grow hoặc Limakilo vì để làm được như thế, đòi hỏi người thực hiện phải đào tạo, hướng dẫn nông dân cách tiếp cận, cách bán hàng mới nên chi phí triển khai cũng là một vấn đề. Hơn nữa, như ở Indonesia, nhà nông, đơn vị bán lẻ, người tiêu dùng đều đã quen với thương mại điện tử, niềm tin giữa các bên đã được thiết lập nên việc triển khai các ứng dụng kết nối cũng dễ dàng hơn.
Hiện tại, dù chưa có khoản đầu tư vào nông nghiệp nhưng ở Nhật, chúng tôi có tham gia đầu tư vào lĩnh vực ngư nghiệp, cụ thể là ứng dụng kết nối giữa ngư dân với các bên có nhu cầu thu mua. Khi thuyền cá của ngư dân về đến cảng thì chúng tôi nhận được các thông báo về sản lượng chủng loại để việc giao dịch diễn ra thuận lợi, nhanh chóng.
Đối với người Nhật, uy tín, niềm tin trong kinh doanh là vô cùng quan trọng nên những giao dịch thông qua các kênh kết nối diễn ra dễ dàng. Theo tôi, việc tạo ra các ứng dụng kết nối giữa nhà nông (sản xuất) - nhà bán lẻ (phân phối) - người tiêu dùng không khó ở vấn đề xây dựng mô hình, hay công nghệ mà trước tiên phải là việc tạo dựng niềm tin, thói quen của người tiêu dùng và uy tín của bên cung cấp hàng hóa. Điều này cũng cần có thời gian.
* Trong toàn bộ chuỗi cung ứng của ngành nông nghiệp từ nuôi trồng, chế biến, phân phối, theo ông đâu là công đoạn mà doanh nghiệp khởi nghiệp có nhiều cơ hội để tham gia?
- Ông Nguyễn Lâm Viên: Theo xu hướng tiêu dùng thì thực phẩm organic sẽ là cơ hội cho doanh nông Việt Nam bước vào thế giới và đây cũng là cơ hội cho DN khởi nghiệp vốn thích cái mới, sáng tạo bước vào kênh nông nghiệp. Lúc đó thị trường chế biến sẽ mở ra, các DN trẻ tha hồ sáng tạo.
- Ông Võ Minh Khải: Lĩnh vực nào cũng vậy, phân phối luôn là giai đoạn ít rủi ro nhất. Không bỏ vốn đầu tư, chỉ là người làm trung gian, bán được hàng thì hưởng lợi nhuận. Nhưng bi kịch của vấn đề nông nghiệp Việt Nam cũng nằm ở đây, bởi do không chủ động được chất lượng nguồn hàng. Với lĩnh vực nông nghiệp, nếu tập trung vào phân phối, nông dân một khi bị ảnh hưởng xấu sẽ không có nguồn hàng để giao dịch.
Song nếu đầu tư ngay từ giai đoạn đầu, tức đầu tư nuôi trồng, chế biến lại cần thời gian, cần vốn mạnh, cần kỹ thuật như tôi đã nói ban đầu. Đây vẫn là nút thắt từ trước tới nay mà nền nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa thể gỡ được. Do đó, việc chọn tham gia vào công đoạn nào trong toàn bộ chuỗi cung ứng của ngành nông nghiệp phải tùy thuộc vào khả năng và mục tiêu muốn hướng đến.