Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản ngày càng sâu rộng

Ngọc Thoại| 19/10/2020 06:28

Chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản và phu nhân đến Việt Nam kéo dài ba ngày, theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân, cho thấy vị thế đặc biệt của Việt Nam trong các mối quan hệ hợp tác kinh tế - quốc phòng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng.

Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản ngày càng sâu rộng

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và phu nhân Mariko đến Hà Nội tối 18/10/2020.

Chuyến thăm dự kiến kết thúc vào ngày 20/10/2020 trước khi ông Suga đi Indonesia, “là lần thứ hai liên tiếp, một thủ tướng mới nhậm chức của Nhật Bản chọn Việt Nam là điểm đến thăm đầu tiên”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng chiều ngày 15/10/2020 cho hay.

Năm 2013, nguyên Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo cũng chọn Việt Nam là điểm công du đầu tiên sau khi nhậm chức. “Đây là minh chứng rõ ràng cho sự phát triển tốt đẹp, mạnh mẽ và thực chất trên nhiều lĩnh vực của quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước”, bà Hằng cho biết.

Thủ tướng Abe từng nỗ lực đưa Việt Nam trở thành đối tác qung trọng trong chính sách đối ngoại khu vực của Nhật Bản, khi ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Nhật Bản - Việt Nam năm 2006 và từng bước nâng cấp thành liên minh chiến lược lớn hơn.

Honda-6168-1602943129.jpg

Nhật Bản là nước cung cấp viện trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư thứ hai và đối tác thương mại thứ tư của Việt Nam

Ông Suga dự kiến sẽ hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với mục tiêu tiếp tục tăng cường quan hệ với Việt Nam và trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực và trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, đồng thời chào xã giao các lãnh đạo cấp cao khác của Việt Nam.

Quan hệ kinh tế sâu rộng

Người phát ngôn Việt Nam cho biết chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng hai nước đang phát triển tốt đẹp. Nhật Bản tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nước cung cấp viện trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư thứ hai và đối tác thương mại thứ tư của Việt Nam.

Từ năm 2014-2018, Nhật Bản đã viện trợ cho Việt Nam khoảng 280 triệu USD để phát triển cơ sở hạ tầng, quản lý nguồn nhân lực và xây dựng các nguyên tắc để quản lý doanh nghiệp trong nước và môi trường. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Nhật Bản trong 9 tháng đầu năm 2020 đạt 28,6 tỷ USD, trong đó Nhật Bản xuất khẩu 14,6 tỷ USD, nhập khẩu 14,1 tỷ USD.

Nhật Bản có 4.595 dự án FDI đang hoạt động tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 59,87 tỷ USD, đứng thứ hai trong số 136 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn FDI ở Việt Nam. Năm 2019, lượng khách du lịch Nhật Bản vào Việt Nam đạt 951.962 người, đứng thứ ba, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

nha-may-8782-1602943130.jpg

Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Nhật Bản trong 9 tháng đầu năm 2020 đạt 28,6 tỷ USD

Tăng cường hợp tác quốc phòng

Theo báo Nikkei Asian Review, trong chuyến thăm này, Thủ tướng Suga có kế hoạch ký một thỏa thuận cho phép nước này xuất khẩu thiết bị và công nghệ quốc phòng sang Việt Nam, một phần trong nỗ lực tăng cường khả năng phòng thủ của các quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong nỗ lực thúc đẩy an ninh hàng hải của khu vực.

Nhật Bản đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí vào năm 2014 theo “ba nguyên tắc về chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng”, trong đó nêu rõ Nhật Bản không được chuyển giao vũ khí cho một bên tham gia xung đột. Trên thực tế, điều này có nghĩa là Nhật Bản về cơ bản sẽ không xuất khẩu thiết bị quốc phòng cho các nước trừ khi họ thừa nhận những nguyên tắc này trong một thỏa thuận chính thức giữa hai phía. Cho đến nay, Nhật Bản đã ký các thỏa thuận như vậy với 9 quốc gia, bao gồm Mỹ, Anh, Philippines và Malaysia.

Các chi tiết cụ thể về xuất khẩu của Nhật Bản sẽ phụ thuộc vào những gì Việt Nam muốn, Nikkei Asian Review cho biết. Nhật Bản đã quảng bá máy bay tuần tra P-1 và máy bay vận tải C-2 ra nước ngoài, đồng thời ký thỏa thuận với Philippines vào tháng 8 để xuất khẩu hệ thống radar cảnh báo và kiểm soát do Mitsubishi Electric phát triển. Chính phủ Nhật Bản hồi tháng 8 thông báo thỏa thuận đóng 6 tàu tuần tra cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam, trị giá 348 triệu USD.

Kể từ khi dỡ bỏ lệnh cấm vào năm 2014, hợp đồng xuất khẩu thành phẩm duy nhất của Nhật Bản là hợp đồng cung cấp radar cho Philippines. Chính phủ Nhật Bản cũng đang đàm phán với Indonesia và Thái Lan để ký một thỏa thuận liên quan đến việc chuyển giao thiết bị quốc phòng, với hy vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu của Đông Nam Á.

Xuất khẩu vũ khí là một cách để Nhật Bản tăng cường liên lạc quốc phòng với các nước. Nhật Bản đã tặng cho Philippines 5 máy bay TC-90 dùng để huấn luyện phi công, cũng như các bộ phận trực thăng đa năng. TC-90 cũng đã đưa các tàu tuần tra của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đến Malaysia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản ngày càng sâu rộng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO