Một DN không quảng cáo nhiều như Sài Gòn Food thì những bài viết của phóng viên là cách quảng bá thương hiệu tốt nhất cho Công ty. Quảng bá thương hiệu có nhiều cách chứ không chỉ là sản phẩm, dịch vụ mà mọi hoạt động của DN. Nhưng để báo viết về DN thì DN phải hoạt động tốt.
Một trong những thành công của Việt Nam trong việc chống dịch Covid-19 thời gian qua là nhờ vào truyền thông. Những chủ trương, chính sách của Nhà nước về phòng chống dịch được truyền thông một cách nhất quán. Thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Việt Nam, chúng tôi theo dõi sát sao thông tin trên báo chí để đưa ra kế hoạch kinh doanh kịp thời. Và cũng chính nhờ những bài báo ghi nhận nỗ lực vừa chống dịch vừa sản xuất của Sài Gòn Food đã tiếp thêm cho chúng tôi sức mạnh để tăng cường sản xuất phục vụ người tiêu dùng. Điều này đã tạo động lực không chỉ cho Sài Gòn Food mà còn cho cộng đồng DN đang cố gắng để vượt qua đại dịch.
Với tôi, Doanh Nhân Sài Gòn là một “sân chơi” hấp dẫn hơn đối với doanh nhân nếu duy trì chuyên mục “Doanh nhân viết”. Với chuyên mục này, tờ báo sẽ có thêm góc nhìn đa chiều, thực tế từ những người trong cuộc, giúp doanh nhân học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
Tại Doanh Nhân Sài Gòn, tôi còn tham gia chương trình Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can trong vai trò đại diện của nhà tài trợ. Và tôi được tín nhiệm làm giám khảo cho chương trình nhiều năm liền. Theo tôi, đây là chương trình rất bổ ích cho sinh viên để thể hiện tài năng, đào tạo nên lớp doanh nhân kế thừa.
Mới đây nhất, chương trình thiện nguyện “Để gió không cuốn đi” của Doanh Nhân Sài Gòn rất kịp thời trong đại dịch Covid-19, đã tạo cơ hội cho những DN như Sài Gòn Food chung tay đóng góp cho cộng đồng. Trong tương lai, nếu Doanh Nhân Sài Gòn phát động những chương trình phù hợp, chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành.
Thông qua thông tin trên các cơ quan thông tấn, báo chí, Chính phủ và các cơ quan nhà nước lắng nghe ý kiến DN, từ việc phản biện đến thực hiện chủ trương, chính sách để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Trước những khó khăn chung hiện nay, một trong những vấn đề quan trọng là cần thắt chặt hơn nữa quan hệ, đồng hành giữa báo chí và DN, mỗi cơ quan báo chí cần thông tin trung thực, khách quan nhằm thực hiện tốt vai trò cầu nối ba bên Nhà nước - DN - cộng đồng, góp phần tạo nên môi trường kinh doanh lành mạnh và phát triển bền vững.
Trên cơ sở đó, Saigon Co.op hết sức ủng hộ việc tạo nên những diễn đàn chia sẻ thông tin giữa báo chí và DN trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở. DN chủ động cung cấp thông tin cho báo chí tốt hơn, thường xuyên hơn, báo chí cũng chủ động tạo nên những bài viết giá trị, góp phần quan trọng trong việc tạo nên những thương hiệu, sản phẩm Việt.
Là một nhà bán lẻ kiên định với sứ mệnh để hàng Việt trở thành lựa chọn hàng đầu trong hệ thống bán lẻ, mới đây Saigon Co.op phối hợp cùng Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức thành công chương trình truyền thông “Doanh nhân với người tiêu dùng”. Qua chương trình, chúng tôi hy vọng gắn kết gần gũi hơn hình ảnh DN, doanh nhân với người tiêu dùng trong cả nước. Qua chương trình này, chúng tôi đã thu thập được nhiều ý kiến có trách nhiệm, những hiến kế của người tiêu dùng, từ đó sẽ có thêm những giải pháp kinh doanh hiệu quả, phục vụ tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Các cơ quan báo chí là đối tác không thể thiếu đối với DN trong công tác truyền thông. Thông qua các cơ quan báo chí, DN có thể truyền tải thông tin về sản phẩm, dịch vụ đến người tiêu dùng một cách đầy đủ nhất.
Không chỉ vậy, các cơ quan báo chí có vai trò quan trọng trong việc truyền tải và phản ánh thông tin từ người tiêu dùng, giúp DN hiểu được ý kiến, nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó khắc phục, cải thiện và phát triển thêm những sản phẩm, dịch vụ phù hợp nhu cầu thị trường. Như vậy có thể nói, vai trò của báo chí đối với DN là vô cùng quan trọng.
Báo chí chính là cầu nối quan trọng giữa người đọc với DN và các cấp chính quyền. Những người làm báo không đơn thuần chỉ là những người truyền tải thông tin, mà phải làm sao để những thông tin do mình truyền tải tạo nên sự thay đổi cho một hoặc một nhóm đối tượng nào đó. Người đọc sẽ được hưởng lợi khi những tin, bài của các cơ quan truyền thông đánh giá và phân tích đúng diễn biến vụ việc hay chất lượng của một sản phẩm, dịch vụ.
Báo chí ngày nay đã phát triển hơn trước rất nhiều, nhưng để nói là phản ánh được hết nguyện vọng và nhu cầu của DN thì chưa hẳn.
Vấn đề của DN là chọn đúng kênh phù hợp để quảng bá sản phẩm và dịch vụ, vấn đề của báo chí là nắm bắt thông tin chính xác mỗi khi cần đưa tin, viết bài về DN. Đôi khi đã có sự “nhiễu” từ hai bên, có thể là DN chọn báo không đúng chuyên môn mình cần, cũng có thể là do báo tiếp nhận thông tin chưa đầy đủ hoặc chưa chính xác từ DN.
Theo tôi, để DN và báo chí thật sự hiểu nhau và cùng phát triển lành mạnh, mỗi nhà báo khi hợp tác với DN hãy gác ý định đây là “mối làm ăn”, mà hãy nghĩ rằng mình đang kết bạn với DN để có thêm nguồn tin mới và đề tài hấp dẫn.
Tôi nghĩ rằng, các cơ quan báo chí cần có nhiều hơn những nhà báo chắc tay và am hiểu về lĩnh vực kinh doanh của DN. Nếu được như vậy thì tôi tin sẽ không có bất kỳ DN nào từ chối cung cấp thông tin cho họ.
Giới doanh nhân chúng tôi không trông chờ sự đánh bóng tên tuổi từ báo chí. Chúng tôi sẽ rất hào hứng khi đọc báo hay xem truyền hình có những chương trình, chuyên trang, chuyên mục về kinh tế, chẳng hạn như giới thiệu cách làm ăn mới, mô hình mới, những doanh nhân giỏi... Tôi nghĩ cũng giống như mối quan hệ giữa những người bạn thân vậy, người làm báo và doanh nhân nên sẵn sàng chia sẻ một cách trung thực những gì mình nghĩ, mình làm.
Tôi thấy trong thời gian vừa qua, báo chí hỗ trợ rất tốt cho DN. Trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, báo chí liên tục đưa nhiều tin, bài về kinh nghiệm vượt khó của doanh nghiệp như cách marketing mới, chuyển đổi kênh bán hàng... Tôi đã học được rất nhiều và áp dụng những kinh nghiệm ấy cho DN của mình.
Trong quá trình hoạt động, tôi thấy báo chí đã thể hiện tốt vai trò gắn kết DN với người tiêu dùng. Ví dụ như các đợt giải cứu nông sản, phát khẩu trang miễn phí... đều được báo chí ghi nhận và truyền tải. Những mong mỏi của DN cũng được các cơ quan báo chí gửi đến chính quyền. Vừa qua, nguyện vọng được hỗ trợ về thuế phí của DN đã được cơ quan chức năng lắng nghe và giải quyết kịp thời, giúp DN giảm nhẹ gánh nặng chi phí để yên tâm tìm cách vượt qua khủng hoảng.
Khi dịch Covid-19 được khống chế và mọi sinh hoạt trở lại bình thường, kinh tế trong nước lập tức phát triển. Điều này có sự đóng góp không nhỏ của báo chí.
Nếu yêu cầu báo chí phản ánh hết nguyện vọng của DN là điều rất khó. Bởi vì mỗi DN có rất nhiều nguyện vọng, còn mỗi cơ quan báo chí lại có tiêu chí hoạt động và đối tượng độc giả riêng. Để tâm tư của doanh nhân được báo chí phản ánh đúng và nhiều hơn, tôi nghĩ rằng phải chủ động chắt lọc ý kiến và cung cấp cho báo chí. Dịch Covid-19 vừa qua là hồi chuông cảnh tỉnh DN phải chủ động hơn trong việc chuẩn bị thông tin cho báo chí cũng như chuyển tải thông tin đến người tiêu dùng.
Để có sự hợp tác chặt chẽ giữa báo chí và DN, tôi nghĩ cả hai bên phải tăng cường tương tác lẫn nhau. DN luôn muốn nhờ báo chí truyền tải thông điệp đến người tiêu dùng và xã hội một cách hiệu quả và nhanh nhất. Các cơ quan báo chí cũng cần mang đến cho độc giả những thông tin có giá trị. Theo tôi, báo chí cần đưa tin theo tiêu chí đúng, đủ và công tâm. Có như vậy thì báo chí mới giữ được niềm tin của độc giả và DN, qua đó báo chí cũng được hưởng lợi.
Trong chương trình ATM gạo, lúc đầu tôi chỉ tính làm theo khả năng nhưng nhờ có báo chí nên có nhiều người hỗ trợ, nhờ thế mà giúp đỡ được nhiều bà con nghèo bị tác động từ đại dịch Covid-19. Nếu không có báo chí thì không thể có được hiệu ứng đó.
Vai trò của báo chí rất quan trọng đối với doanh nhân, DN. Do đó, nếu DN có gì sai, báo chí nên tạo điều kiện để DN sửa chữa, để có cơ hội làm lại, đừng làm họ mất lửa, mất niềm tin. Báo chí hỗ trợ DN trong sản xuất, kinh doanh, trong tiếp thị sản phẩm, dịch vụ cũng là cách phục vụ người tiêu dùng, nhưng theo tôi, nên “ưu ái” nhiều hơn DN Việt Nam, nhất là DN vừa và nhỏ. Chúng tôi rất mong báo chí chính thống tìm cách ngăn ngừa tin xấu, tin giả, nhất là trên Facebook.
Mỗi DN đều có nhu cầu quảng bá thương hiệu, sản phẩm thông qua báo chí. Nhờ báo chí mà DN tiếp cận được thông tin thị trường tốt hơn.
Hơn nữa, nhờ vào thông tin cập nhật của báo chí, DN kịp thời góp sức vào hoạt động cộng đồng, hỗ trợ và giúp đỡ người nghèo hay góp phần giải quyết hậu quả của thiên tai, dịch bệnh. Cụ thể, với SCC, nhờ thông tin cập nhật từ báo chí, vừa qua đã hỗ trợ 300 triệu đồng mua bồn chứa nước và nước ngọt cho nhân dân xã Khánh Lâm - một vùng hạn mặn thuộc huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.
Để cổ vũ sản xuất, kinh doanh, DN luôn cần đến báo chí và ngược lại, các đề tài kinh tế, doanh nhân, DN sẽ mang lại sự phong phú, hấp dẫn cho nội dung của tờ báo. Báo chí như một kênh giám sát hoạt động của DN. Điều quan trọng hơn cả là sự chân thành, cởi mở, chủ động của cả báo chí và DN trong việc hợp tác, phải luôn giữ mối quan hệ bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.
Tôi mong muốn báo chí có những điều chỉnh trong việc khai thác các đề tài từ DN, doanh nhân. Người làm báo cần nâng cao kiến thức, hiểu biết về kinh tế thị trường, về pháp luật... để chính xác khi đưa tin, viết bài, nhất là những vấn đề nhạy cảm liên quan đến lợi ích của từng DN và lợi ích quốc gia.
Là một doanh nhân, tôi rất muốn báo chí là người bạn đồng hành. Tôi hy vọng các cơ quan báo chí - truyền thông, nhất là khối báo chí kinh tế có nhiều chương trình, chuyên đề, chuyên mục sát với thực tiễn kinh doanh và có thêm nhiều nhà báo có “tâm”, có “tầm nhìn xa trông rộng”, phân tích sâu sắc những vấn đề về kinh tế thị trường, hội nhập và DN...
Báo chí thời gian qua phản ánh khá chính xác cả về mặt tích cực, cả về những khó khăn của DN. Đợt dịch Covid-19 vừa rồi, báo chí kịp thời đưa tin về sự khó khăn của DN giáo dục nên các cơ quan nhà nước đã có những điều chỉnh chính sách và hỗ trợ kịp thời. Nhìn chung, thông tin trên báo chí đã phản ánh cơ bản được nguyện vọng và nhu cầu của DN.
Có điều, tôi muốn góp ý là các nhà báo cần có những phân tích sâu sắc hơn thay vì chỉ phản ánh bề ngoài của sự việc. Có nhiều sự việc nhà báo chưa đi sâu tìm hiểu bản chất của nó. Ví dụ về chuyện tranh chấp giữa phụ huynh và nhà trường về việc thu học phí online. Khá nhiều tờ báo giật tít về việc phụ huynh “kêu cứu” hay kiện nhà trường và trích dẫn sai phát biểu của cơ quan quản lý về việc “phụ huynh và nhà trường thỏa thuận học phí học online”. Điều này chỉ “đổ thêm dầu vào lửa”. Vì học phí online là một thỏa thuận dân sự. Mà nếu là thỏa thuận dân sự thì cứ đúng quan hệ dân sự mà xử lý, cần gì phải “kêu cứu” đến mức chính quyền phải tổ chức thanh tra. Nhà báo khi đưa tin không hiểu sâu sắc về những vấn đề này nên có thể làm lệch lạc thông tin.
Các cơ quan báo chí cần yêu cầu phóng viên tìm hiểu cặn kẽ, tránh đưa những kết luận hoặc giật tít giật gân mà không phản ánh thực sự bản chất sự việc. Người đọc thường chỉ nhớ tít bài báo mà quên đi bản chất sự việc. Do đó, việc giật tít không chính xác rất dễ làm người đọc bị dẫn dắt sai.
Đồng thời, khá nhiều nhà báo chưa hiểu sâu về ngành mà mình đưa tin, viết bài, chỉ quan tâm đến phản ánh hiện tượng. Điều này dễ gây hiểu nhầm đối với DN. Ví dụ, nhiều nhà báo phản ánh DN giáo dục có vẻ như thu được siêu lợi nhuận, trong khi đó sự thật không đúng như vậy. Làm thế chả khác gì tạo thông điệp sai về ngành giáo dục tư nhân và những người đầu tư vào giáo dục.