Bên cạnh Philippines và Singapore, Việt Nam là một trong ba địa điểm đầu tư đang hấp dẫn các CEO đến từ 21 quốc gia thành viên của APEC.
Hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) vừa công bố khảo sát CEO APEC năm 2015 nhân dịp khai mạc Hội nghị thượng đỉnh các CEO APEC tại Manila (Philippines) ngày 16/11.
Cuộc khảo sát được thực hiện bởi PwC từ ngày 23/6 đến 21/8/2015, với sự tham gia của 800 CEO và những doanh nghiệp hàng đầu đến từ 52 quốc gia, hoạt động tại 21 quốc gia thành viên của APEC, cho thấy niềm tin kinh doanh của các CEO tại châu Á - Thái Bình Dương đã xuống mức thấp nhất kể từ năm 2012.
Trong đó, bất ổn trên thị trường tài chính vào mùa hè năm nay đã ảnh hưởng xấu đến niềm tin của các CEO.
Chỉ có 28% các lãnh đạo doanh nghiệp cho biết họ “rất tin tưởng” vào khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp trong 12 tháng tới, giảm so với tỷ lệ 46% trong khảo sát năm ngoái.
Bên cạnh đó, an ninh mạng, hiểm họa thiên tai và căng thẳng địa chính trị trong khu vực được đánh giá là những mối đe dọa lớn nhất đối với đầu tư và tăng trưởng.
Dù vậy, đa số các CEO (53%) vẫn có dự định đầu tư nhiều hơn trong vòng 12 tháng tới, và phần lớn các khoản đầu tư (68%) sẽ rót vào khu vực APEC.
Ngoài ra, điểm đến đầu tư trong khu vực APEC đang ngày càng đa dạng. Trung Quốc, Mỹ và Indonesia tiếp tục là các điểm thu hút đầu tư chính.
Đặc biệt, hơn một nửa các CEO tham gia khảo sát cho biết Philippines, Việt Nam và Singapore đang là điểm đầu tư hấp dẫn họ và họ dự định sẽ đầu tư thêm vào các nền kinh tế này trong năm tới.
“Sau một năm FDI cao kỷ lục ở các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á, các CEO trong khu vực APEC đã trở nên rất nhạy cảm với các tín hiệu trong thị trường tài chính và khả năng các biến động ảnh hưởng tới tăng trưởng doanh thu. Tuy vậy, các CEO này vẫn có ý định mở rộng đầu tư đến các địa điểm mới trong APEC. Điều này cho thấy họ đã có kinh nghiệm đối phó với các tình trạng bất ổn ngắn hạn và tận dụng được các cơ hội làm ăn trong khu vực", ông Dennis M. Nally - Chủ tịch PricewaterhouseCoopers International Ltd. nhận định.
Các CEO tham gia khảo sát cũng cho rằng nếu tăng tốc độ truy cập internet và đẩy mạnh nền kinh tế kỹ thuật số hơn là đầu tư vào các dự án thương mại quy mô khu vực hay cơ sở hạ tầng mới tại những vùng kém phát triển thì đến năm 2020 đổi mới hoạt động thông qua công nghệ sẽ phổ biến trên toàn châu Á - Thái Bình Dương.
Cụ thể, 66% cho rằng đến năm 2020, những tiến bộ trong robot học, internet kết nối vạn vật hay công nghệ in ấn 3D sẽ thay đổi hoàn toàn ngành công nghiệp sản xuất.
Có 63% các CEO dự kiến sẽ có một đợt chi tiêu mới trong doanh nghiệp của họ nhằm đổi mới hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, các CEO trong khu vực APEC rất lạc quan về thương mại tự do. Đối với nhiều người, Cộng đồng kinh tế ASEAN chính là yếu tố chính thay đổi cuộc chơi trong khu vực, và họ cũng kỳ vọng vào khả năng tăng trưởng xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế khu vực nhờ Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tuy nhiên, theo ông Nally, “thương mại tự do không hoàn toàn đồng nghĩa với tăng trưởng. Một số lượng lớn các CEO cho rằng thương mại tự do sẽ gây tổn hại lớn tới các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đối với những người sống bên lề của nền kinh tế, điều quan trọng là họ được tham gia và hưởng lợi từ tăng trưởng và thương mại tự do trong khu vực APEC, cũng như được tiếp cận giáo dục chất lượng cao tại tất cả các cấp và hệ thống giao thông tốt hơn".
>Một APEC, ba áp lực
>APEC và G20: Tránh cuộc chiến thương mại
>Việt Nam - Hoa Kỳ và những bước tiến trong hội nhập APEC