Cách đây mấy năm, tại một lớp quản trị kinh doanh đại học năm thứ ba, tôi ra đề tiểu luận môn học là “Hãy viết một dự án khởi nghiệp”. Tiểu luận là cách thực hiện một đề tài mở rộng và vận dụng môn học, làm theo nhóm, có thuyết trình trước lớp, tranh luận càng cởi mở càng tốt.
Trong số đề tài được các nhóm tự chọn lựa, có một đề tài mang cái tên gọn ghẽ: “Make up call”. Đề án này đặt ra mục tiêu xây dựng một doanh nghiệp trong lĩnh vực làm đẹp. Ý tưởng mới, sáng tạo của đề án ở chỗ không phải là một hay nhiều trung tâm trang điểm cố định, vì không thể cạnh tranh với các viện sắc đẹp, các cơ sở giải phẫu thẩm mỹ đang mở ra nhan nhản. Các tác giả dự định cải tạo những chiếc xe lớn thành những “trung tâm make up” di động hiện đại, có thể phục vụ tại chỗ những người có nhu cầu.
Sở dĩ tôi kể khá dông dài về đề án này vì diễn biến liên quan đến nó sau này. Trong nhóm tiểu luận có ba sinh viên nữ không có biểu hiện nổi trội trong lớp. Sau khi kết thúc thuyết trình, ba bạn gái này đề nghị nhóm cho phép họ dịch bản đề án sang tiếng Anh để tham dự một cuộc thi về nhà quản trị tương lai do một ngân hàng quốc tế lớn tổ chức.
Cuộc thi này quy tụ không chỉ mấy chục đội của các trường đại học ở Việt Nam, mà còn ở một số nước khác trong khu vực. Mỗi nước chọn ra ba đội đứng đầu, được thưởng bằng khen, tiền mặt, cùng một chuyến du lịch qua Hồng Kông. Ở đó, đội đoạt huy chương vàng sẽ tiếp tục thi đấu với đội đoạt huy chương vàng các nước khác, còn hai đội đoạt huy chương bạc và đồng thì kết hợp đi tham quan miễn phí với việc cổ vũ cho đội nhà.
Ba cô gái nhỏ nhắn của một lớp đại học năm thứ ba đã bảo vệ đề án khởi nghiệp bằng tiếng Anh trước một hội đồng quốc tế và đã vượt qua hết vòng này đến vòng khác. Cuối cùng, họ được xếp thứ ba toàn quốc, được đi Hồng Kông một chuyến và rơi vào tầm ngắm quản trị viên tập sự của một ngân hàng quốc tế lớn - nhà tổ chức cuộc thi.
Các cuộc thi như thế ngày càng mở ra nhiều và trong nhiều trường hợp, sinh viên mà tôi trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn, đã tự đăng ký tham gia và đạt thành tích khả quan.
Xin kể một ví dụ khác, tại một lớp đại học quản trị kinh doanh, một bạn gái và một bạn nam rủ thêm hai sinh viên trường khác thành lập một nhóm 4 người đăng ký tham gia một cuộc thi tập làm giám đốc marketing. Cuộc thi có hơn 50 đội tham gia, đến từ nhiều trường đại học lớn nhỏ trên cả nước. M - tên bạn gái và các thành viên trong nhóm đã “âm thầm” vượt qua vòng thi đầu tiên, là một trong 6 đội được chọn vào vòng hai, sau đó lọt vào ba đội chung kết và chỉ chịu dừng chân ở vị trí thứ ba.
Khi các em nhờ tôi xem và góp ý đoạn video clip tự giới thiệu, tôi khá ngạc nhiên bởi rất sáng tạo về ý tưởng, chặt chẽ trong cấu trúc và chuyên nghiệp trong sử dụng hình ảnh, âm thanh. Các em đã có cơ hội động não và trưởng thành hơn rất nhiều qua những cuộc chơi có ích như thế.
Một ưu điểm lớn của M, sau này tôi có ghi vào thư giới thiệu khi em tìm kiếm học bổng học thạc sĩ tại một trường đại học nước ngoài, chính là tự tìm ra cơ hội, không “há miệng chờ sung”. M là một mẫu nữ sinh viên rất năng động và hiện đại. Ngoài giờ học, em kiêm thêm nghề MC và đi hát ở một quán cà phê vào buổi tối. Em tự chủ, tự tin, nhưng lại rất nhu mì, nhỏ nhẹ, khéo léo trong giao tiếp. Vào kỳ thực tập năm cuối chương trình đại học, M được một công ty chuyên tổ chức sự kiện giao việc lập kế hoạch và triển khai một sự kiện PR lớn, kéo dài nhiều tháng, kinh phí tiền tỷ. Đối với M, mong ước trở thành một giám đốc marketing có vẻ như không xa vời.
Dĩ nhiên, những cuộc thi như trên chỉ là những cuộc chơi. Nhưng ít ra, qua đó tôi có thể nhận ra những tín hiệu khả quan trong sự chuyển biến của một số sinh viên thế hệ Z hôm nay.
Vào đầu thập niên 1980, một anh bạn học đại học của tôi kiếm thu nhập sau giờ học bằng cách đạp xe hàng chục kilômét mỗi ngày để bán từng chai dầu nóng. Anh bạn đó giờ đây là chủ tịch hội đồng quản trị một công ty xây dựng lớn. Tinh thần kinh doanh và ý chí vượt khó của anh thể hiện từ sớm, nhưng trong điều kiện những năm tháng bao cấp và đầy khó khăn lúc đó, cách thể hiện khác hẳn hiện nay.
Tuy nhiên, cần tỉnh táo để nhận ra rằng, một số trường hợp có thật mà tôi vừa kể chỉ là số ít và chưa phổ biến trong số những sinh viên và những người trẻ tuổi hiện nay. Nếu có thể phân loại trong định hướng trở thành những nhà quản trị tương lai, mặc dù mang nặng tính chủ quan, tôi tạm phân chia các bạn này thành nhóm “Hội nhập” (Integrates). Nhóm tiếp theo, tôi tạm gọi là nhóm “Cầu tiến” (Emulators).
Có những sinh viên đổi thay rất lớn khi giã từ trường phổ thông ở quê nhà, tiếp cận cuộc sống ở những đô thị lớn. Các bạn hối hả học, hối hả trải nghiệm, hối hả sống. Ban đầu, một số bạn thể hiện tính tự lập bằng cách đi làm thêm. Rồi các bạn đâm ra “mê” cái tiếng sột soạt khi đếm tiền trong những lần nhận thù lao nên quên cả việc học, cảm thấy càng lúc càng khó khăn trong việc học. Một số bạn xem chuyện học ở trường chỉ là mớ lý thuyết không mấy bổ ích. Có bạn quẹo sang ngã rẽ nghề nghiệp khác hẳn với ngành học, lận đận mãi vẫn không tốt nghiệp.
Những “nhà quản trị tương lai” này không nhiều, nhưng xu hướng có vẻ như đang tăng lên. Nhiều người trong số họ kiếm tìm một thần tượng bỏ học giữa chừng và kinh doanh thành công để làm gương, tự biện hộ cho việc bê trễ việc học. Nhưng các bạn nên hiểu rằng, giữa hàng trăm triệu người chỉ có một Warren Buffett hay Bill Gates và bạn không phải là họ.
Phần lớn sinh viên còn lại mà tôi biết thuộc nhóm thứ ba, tạm gọi là nhóm “An phận” (Belongers). Có bạn siêng năng, chăm chỉ, nỗ lực học tập, cố gắng thoát khỏi cách học thụ động và luôn tham gia hoạt động xã hội. Cũng có bạn quan niệm vào đại học, cao đẳng chính là giai đoạn “nghỉ dưỡng” sau quãng thời gian “cày” cật lực ở cấp phổ thông và sau một kỳ thi tuyển cam go. Dù rề rà thì cũng sẽ có ngày tốt nghiệp, có một tấm bằng, kiếm một việc làm nào đó, rồi tính các bước tiếp theo cho cuộc đời.
Tôi vừa cố “vẽ ra chân dung” những nhà quản trị tương lai mà tôi biết hoặc có dịp tiếp xúc. Không đầy đủ, nhưng ít ra có thể cho thấy vài lát cắt của lớp quản trị doanh nghiệp trong tương lai để hình dung.