Nước nào “đội sổ” về xếp hạng tín nhiệm quốc gia?

12/12/2013 02:23

11 quốc gia có định hạng tín nhiệm thấp nhất thế giới theo đánh giá của tổ chức Standard & Poor’s, trang The Richest giới thiệu...

Nước nào “đội sổ” về xếp hạng tín nhiệm quốc gia?

11 quốc gia có định hạng tín nhiệm thấp nhất thế giới theo đánh giá của tổ chức Standard & Poor’s, trang The Richest giới thiệu...

11. Ghana

Dân số: 23,5 triệu người
Điểm tín nhiệm: B

Được xem là một trong những nền kinh tế nhiều triển vọng nhất ở châu Phi, nhưng do quản lý kinh tế yếu kém và thâm hụt ngân sách cao, Ghana vẫn phải nhận điểm số tín nhiệm thấp. Ghana sở hữu ngành khai thác vàng và dầu lửa quy mô lớn, nhưng chi tiêu Chính phủ của nước này lại quá lớn so với nguồn thu.

10. Honduras

Dân số: 7,9 triệu người
Điểm tín nhiệm: B

Honduras mới bị đánh tụt hạng tín nhiệm xuống mức “B” vào tháng 8/2013. Tuy nhiên, so với nhiều nước khác trong danh sách này, Honduras được đánh giá tích cực hơn đôi chút.

Triển vọng tín nhiệm của Honduras hiện được Standard & Poor’s xếp ở ngưỡng “ổn định”. Những nhân tố khiến nước này nhận điểm tín nhiệm thấp là ngân sách eo hẹp và gánh nặng nợ nần gia tăng.

9. Belize

Dân số: 324.060 người
Điểm tín nhiệm: B-

Belize là quốc gia nhỏ nhất trong bảng xếp hạng này. Đánh giá tín nhiệm “B-“ của Belize xuất phát từ việc quốc gia này đã nhiều lần mất khả năng thanh toán các khoản nợ quốc gia. Nợ công của Belize hiện tương đương khoảng 70% GDP, trong khi các nguồn thu của Chính phủ rất eo hẹp.

8. Jamaica

Dân số 2,7 triệu người
Điểm tín nhiệm: B-

Là một quốc gia sở hữu ngành du lịch phát triển mạnh nhưng Jamaica cũng có hàng loạt vấn đề kinh tế như Chính phủ chi tiêu qua tay, thâm hụt ngân sách lên tới 140% GDP. Với GDP chỉ ở ngưỡng 24,8 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng chậm chạp 1,5%, và tỷ lệ thất nghiệp gần 13%, Jamaica là một “thiên đường” đối với khách du lịch thay vì các nhà đầu tư.

7. Lebanon

Dân số: 4,4 triệu người
Điểm tín nhiệm: B-

Điểm tín nhiệm mà Standard & Poor’s dành cho Lebanon hiện nay là “B-“, đi kèm triển vọng “tiêu cực”. Cơ sở cho đánh giá này là nhiều vấn đề tồn tại khiến nền kinh tế Lebanon khó trở thành một nền kinh tế mạnh, như các vấn đề về thể chế, tự do kinh doanh, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ… Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Lebanon trong 30 năm qua khá nhanh chóng nhờ các lĩnh vực ngân hàng và sản phẩm kim loại.

6. Belarus

Dân số: 9,4 triệu người
Điểm tín nhiệm: B-

Định hạng tín nhiệm “B-“ với triển vọng “ổn định” hiện nay của Belarus đã là một sự cải thiện so với định hạng “C” hồi tháng 5/2012. Thanh khoản cải thiện và những nỗ lực bình ổn nền kinh tế thành công của Belarus đã được Standard & Poor’s đánh giá tích cực. Tuy nhiên, chi tiêu chính phủ “quá tay” và môi trường kinh doanh còn nhiều bó buộc vẫn là những vấn đề Belarus cần khắc phục.

5. Hy Lạp

Dân số: 11,2 triệu người
Điểm tín nhiệm: B-

Nợ công và thâm hụt ngân sách khổng lồ là nguyên nhân chính đằng sau xếp hạng tín nhiệm èo uột của Hy Lạp, quốc gia “tâm bão” của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu. Năm 2009, châu Âu đã buộc phải cứu Hy Lạp thoát bờ vực phá sản cấp quốc gia bằng cách “bơm” cho nước này 327 tỷ USD.

Sau nhiều nỗ lực, tình hình ở Hy Lạp đang dần ổn định trở lại, và Chính phủ nước này dự kiến có thể tiếp tục vay vốn từ thị trường trái phiếu quốc tế từ năm 2014.

4. Ukraine

Dân số: 45,5 triệu người
Điểm tín nhiệm: B-

Điểm tín nhiệm “B-“ đi kèm triển vọng “tiêu cực” của Ukraine là kết quả của khoản nợ mà Ukraine nợ Nga giữa lúc mối quan hệ giữa hai nước này không thực sự êm đẹp. Bên cạnh đó, khai khoáng kim loại là lĩnh vực duy nhất mang tính trụ cột cho nền kinh tế nước này. Chưa kể, tình trạng tham nhũng, môi trường kinh doanh yếu kém, và thiếu vốn cũng là những nhân tố khiến Ukraine kém hấp dẫn trong mắt giới đầu tư.

3. Ai Cập

Dân số: 80,7 triệu người
Điểm tín nhiệm: B-

Bất ổn chính trị là nguyên nhân hàng đầu khiến Ai Cập có điểm số tín nhiệm thấp. Để vực dậy nền kinh tế, Ai Cập đã mạnh tay hạ lãi suất và mở rộng cửa cho hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, những rào cản phi thuế quan vẫn còn rất lớn. Mặc dù vậy, chi tiêu chính phủ của Ai Cập không gây quan ngại.

Theo dự báo, sức hấp dẫn của Ai Cập đối với các nhà đầu tư quốc tế có thể gia tăng nếu bất ổn chính trị ở nước này kết thúc.

2. Pakistan

Dân số: 179,2 triệu người
Điểm tín nhiệm: B-

Nền kinh tế Pakistan có GDP khá lớn, ở mức 488 tỷ USD, và quốc gia này cũng sở hữu nhiều ngành công nghiệp ăn nên làm ra như ôtô, xi măng, công nghệ thông tin, dệt may… Tuy nhiên, những yếu tố như bất ổn chính trị, tiến bộ xã hội chưa cao, và chậm mở cửa thị trường là những nguyên nhân khiến nước này không được đánh giá tín nhiệm ở mức cao.

1. Argentina

Dân số: 41 triệu người
Điểm tín nhiệm: CCC+

Là quốc gia lớn thứ nhì ở Nam Mỹ, nhưng Argentina lại là nước có điểm tín nhiệm thấp nhất trong khu vực cũng như trên thế giới. Nguyên nhân là do, Argentina đến nay vẫn chưa thể thanh toán cho các chủ nợ các khoản nợ đã được tái cơ cấu sau vụ vỡ nợ của nước này vào năm 2002.

Bất ổn kinh tế ở Argentina được cho là xuất phát từ việc Chính phủ chi tiêu quá đà, can thiệp bất hợp lý vào thị trường, và những vấn đề về thể chế. Có quy mô khá lớn, nhưng nền kinh tế Argentina bị đánh giá là dễ bị tổn thương.

>S&P giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam
>Brazil xếp thứ 13 trên bảng xếp hạng tính cạnh tranh
>
Việt Nam xếp hạng 169/185 về “bảo vệ nhà đầu tư”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nước nào “đội sổ” về xếp hạng tín nhiệm quốc gia?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO