Nợ công đang dịch chuyển theo hướng tích cực
Bộ Tài chính vừa công bố báo cáo cho thấy, tính đến cuối năm 2023, nợ công của Việt Nam khoảng 3,8 triệu tỷ đồng, chiếm 37% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trần Quốc hội đề ra là 60%. Trong cơ cấu nợ công, nợ của Chính phủ chiếm khoảng 34% GDP, cũng thấp hơn nhiều so với mức trần 50%. Cơ cấu nợ đang dịch chuyển theo hướng tích cực. Dư nợ trong nước tăng và nợ nước ngoài giảm dần.
Vậy tỷ lệ nợ công của Việt Nam hiện tại phản ánh điều gì? Có tác động thế nào đến kinh tế - xã hội? Để trả lời những câu hỏi này, Doanh Nhân Sài Gòn đã trao đổi với ông James Phan - chuyên gia kinh tế, pháp luật và thuế Công ty Luật Frasers.
* Thưa ông, ông đánh giá thế nào về tình hình tài chính của Việt Nam trong năm 2023?
- Nợ công đến cuối năm 2023 thấp hơn nhiều so với mức trần 60% Quốc hội đề ra. Đây là điểm sáng điều hành tài khóa năm qua của Chính phủ và ngành tài chính.
Năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến sự hồi phục và tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh đó, theo tôi, Chính phủ và Bộ Tài chính đã quản lý, điều hành chính sách tài khóa khá hiệu quả. Với mức nợ công thấp so với trần như hiện nay, Việt Nam sẽ có điều kiện vay vốn cho những công trình xây dựng lớn. Đó sẽ là động lực phát triển kinh tế.
Để đạt được kết quả như trên, trong năm 2023, tôi thấy Bộ Tài chính đã chủ động thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, từ đó góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về tài chính, giúp công tác quản lý ngân sách nhà nước minh bạch, chặt chẽ và hiệu quả. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã kịp thời trình Chính phủ, Quốc hội ban hành đồng bộ nhiều giải pháp miễn, giảm, giãn các khoản thuế, phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Đây là dấu ấn quan trọng, thể hiện vai trò tích cực và hiệu quả của chính sách tài khóa trong việc ổn định nền kinh tế. Quan trong nữa là Bộ Tài chính đã kịp thời chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống dữ liệu lớn để quản lý thu, quản trị rủi ro, chống gian lận trong sử dụng hóa đơn, hoàn thuế giá trị gia tăng, bảo đảm thu đúng, thu đủ, kịp thời các khoản thu cho ngân sách nhà nước.
* Theo ông, khả năng trả nợ của Việt Nam trong thời gian tới sẽ như thế nào?
- Về bản chất, nợ công là khoản vay để trang trải thâm hụt ngân sách nhà nước. Các khoản vay sẽ phải trả gốc và lãi khi đến hạn. Nhà nước phải thu thuế để bù đắp các khoản vay. Vì vậy, vay nợ thực chất là cách đánh thuế dần dần, được hầu hết chính phủ các nước sử dụng chi ngân sách. Tỷ lệ nợ công/GDP phản ánh phần nào mức độ an toàn hay rủi ro của nợ công và còn phụ thuộc vào tình trạng nền kinh tế. Nền kinh tế Việt Nam dù còn nhiều khó khăn nhưng đang phục hồi tích cực, ước tính tăng trưởng trên dưới 5% năm 2023, cộng với thặng dư thương mại trên dưới 20 tỷ USD.
Xét đến nợ công, không chỉ quan tâm tới tổng nợ, nợ hằng năm phải trả mà còn là rủi ro, khả năng trả nợ và cơ cấu nợ. Mức an toàn còn được thể hiện việc nợ công có vượt ngưỡng tại thời điểm hay giai đoạn nào đó hay không. Để đánh giá tính bền vững của nợ công, tiêu chí nợ công/GDP được coi là phổ biến nhất cho cách nhìn tổng quát.
* Hiện nay nợ công của Việt Nam chủ yếu sử dụng cho mục đích gì, thưa ông?
- Tuy có nhiều cách tiếp cận về nợ công, nhưng về cơ bản, nợ công là khoản nợ ràng buộc trách nhiệm trả của nhà nước, được thể hiện trực tiếp và gián tiếp. Tôi muốn nhấn mạnh, nợ công phải được quản lý theo quy trình chặt chẽ với sự tham gia của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm đảm bảo khả năng trả nợ của đơn vị sử dụng vốn vay, cao hơn nữa là đảm bảo cán cân thanh toán và an ninh tài chính quốc gia, cũng như đạt được mục tiêu của quá trình sử dụng vốn.
Nhìn chung, mục đích cao nhất trong huy động và sử dụng nợ công của Việt Nam là phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích cộng đồng (gọi chung là đầu tư công). Những mục đích khác là cung cấp dịch vụ công, chống biến đổi khí hậu và trả nợ cũ.
* Theo ông, nợ nước ngoài giảm dần có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh kinh tế hiện nay?
- Theo báo cáo, cơ cấu nợ chuyển biến tích cực theo hướng dư nợ trong nước tăng lên, nợ nước ngoài đang giảm dần. Điều này sẽ hạ rủi ro vỡ nợ, tăng uy tín của Chính phủ trên trường quốc tế và thu hút thêm đầu tư. Nợ công nước ngoài cũng phụ thuộc vào tỷ giá ngoại tệ. Dư nợ có thể tăng hoặc giảm tùy thuộc vào giá trị loại tiền tệ mắc nợ. Ví dụ nhiều quốc gia vay nợ bằng đồng USD, khi USD tăng giá so với nội tệ, nghĩa là khoản nợ đang phình to. Đó là điều ma một số quốc gia đang phát triển rất lo ngại.
* Vậy cần giải pháp nào để kiểm soát nợ công?
- Theo tôi, ổn định nền kinh tế, kiểm soát lạm phát vẫn là ưu tiên hàng đầu cùng với theo dõi, dự báo đúng tình hình kinh tế trong và ngoài nước; điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, hiệu quả; hoàn thiện hệ thống thu ngân sách theo hướng tạo thuận lợi cho người nộp thuế, bảo đảm tính đồng bộ của pháp luật và phù hợp thông lệ quốc tế.
Chính phủ cũng cần hoàn thiện sớm khuôn khổ pháp lý về nợ công, ngân sách, đồng thời rà soát sự khác biệt giữa quy định của nhà tài trợ với quy định về thuế, thủ tục mua sắm, đền bù giải phóng mặt bằng theo những điều ước quốc tế về vay vốn nước ngoài. Chính phủ cần tiếp tục cơ cấu lại nợ công phù hợp với điều kiện thị trường, phát hành trái phiếu kỳ hạn dài, thanh toán, chi trả đầy đủ, đúng hạn các khoản nợ đến hạn theo cam kết, qua đó góp phần củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia.
Cuối cùng, theo tôi, vấn đề đặt ra cho năm 2024 là phải sử dụng chính sách tài khóa hợp lý để vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa đảm bảo kiểm soát lạm phát và củng cố an toàn tài chính quốc gia.
* Cảm ơn ông!