Bén nghề
Phạm Hoàng Long học cao đẳng quản trị kinh doanh, đi làm thêm ở một trung tâm thể dục thể thao với vị trí lễ tân.
"Lúc đó, thấy mấy anh chị bán gói tập thể thao vài chục triệu đồng thấy ham quá, tôi bắt đầu 'nghe lóm' để học cách sale, thậm chí mảnh giấy họ giao dịch xong bỏ đi, tôi cũng nhặt để xem họ viết gì", Long nhớ lại buổi đầu tập tành kinh doanh.
Tốt nghiệp cao đẳng, Long vào làm nhân viên sale cho một công ty của Singapore tại TP.HCM chuyên về lĩnh vực tư vấn, cung cấp thiết bị gym.
Long kể: "Công việc rất khó vì công nghệ EMS áp dụng cho phòng gym lúc đó rất mới nên các nhà đầu tư chưa ai biết. Hai năm đầu, tôi không bán được gì nhưng mỗi ngày vẫn kiên trì 'lao ra đường'. Cuối cùng, cánh cửa cũng mở ra khi tôi bán được sản phẩm đầu tiên cho một phòng tập ở quận 7, TP.HCM. Công việc vào guồng đã giúp tôi cung cấp cả trăm sản phẩm cho các phòng gym, từ khách sạn, chung cư đến trung tâm thương mại".
Thấy cơ hội rộng mở, Long vừa làm vừa học đại học. Năm 24 tuổi, Long được cất nhắc lên vị trí giám đốc chi nhánh của công ty mấy năm anh gắn bó.
Phá sản là mẹ thành công
Năm 2017, khi sắp có "công chúa nhỏ", Long nghĩ, không có con đường nào khác là phải tự mình vươn lên. Sau mấy năm làm thuê, anh chọn lĩnh vực kinh doanh phòng tập gym để khởi nghiệp. Do chưa nhiều kinh nghiệm và không tìm hiểu kỹ thị trường nên Long thất bại.
Tháng 6/2018, Long quyết định làm lại với việc mua lại một phòng gym. Lại vay mượn tiền và cố làm, lại phá sản lần hai.
Long kể: "Sáng hôm đó, tôi đón xe cho vợ con về quê. Một mình ở lại làm việc với luật sư và khách hàng để giải quyết nợ nần. Sau hai tháng, mọi việc bắt đầu ổn thỏa nhưng tôi không cho phép ngủ dài trong thất bại, đã tới đáy rồi chỉ có con đường leo lên. Tôi tự nhủ, cứ tìm chỗ mình ngã ở đâu thì đứng lên ngay chỗ đó".
Thời điểm đó, nhiều phòng gym nhỏ lẻ phá sản vì cạnh tranh không lại với các công ty nước ngoài và doanh nghiệp mạnh trong nước. Tuy nhiên, thị trường ngành tập gym vẫn hấp dẫn. Kết quả khảo sát cho thấy tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường này tại Việt Nam là 20%/năm tính đến năm 2020 và đạt giá trị hơn 113 triệu USD.
Để không thất bại như hai lần trước, Long phải có cách kinh doanh mới. Trong đó, quan trọng nhất là công nghệ phải mới. Tìm hiểu thị trường, Long thấy xu hướng và hành vi người tập gym Việt Nam đang thay đổi.
Nếu cách đây 5-7 năm, người tập gym ưa chuộng loại hình Big Box Gym và bỏ ra nhiều giờ để tập luyện, thì nay lại quan tâm nhiều hơn đến hiệu quả và tính tiện ích. Thấy công nghệ EMS mới nhất của Đức phù hợp xu hướng và nhu cầu ấy, như thời gian linh hoạt, không phải đến phòng tập mỗi ngày mà vẫn giảm mỡ và săn chắc, Long mạnh dạn chọn công nghệ này để kêu gọi đầu tư.
Theo thuyết trình của Long, công nghệ EMS tập luyện với xung điện (rất an toàn, có chứng nhận FDA), phù hợp với những người không có nhiều thời gian vì chỉ cần tập hai buổi mỗi tuần, mỗi buổi 25 phút với máy tập EMS có khả năng đốt cháy 1.200 calories. 100% người tập công nhận có sự thay đổi cơ thể đáng kể sau một tháng. Tuy nhiên, rất ít nhà đầu tư muốn dùng công nghệ này vì ngại thị trường chưa nhiều người sử dụng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Có một nhà đầu tư mà Long thuyết phục được, đó là ông Hưng Hoàng, bởi ông bị công nghệ EMS hấp dẫn và thấy cách kinh doanh của Long là phù hợp với xu hướng thị trường nên đã đồng ý cùng Long thành lập Công ty 25 FIT. Chỉ trong 5 tháng, với mô hình kinh doanh đơn giản, chỉ cần mặt bằng từ 60-90m2 là đủ để máy móc cho người tập gym, quản lý cũng gọn nhẹ, 25 FIT đã mở hai câu lạc bộ, hai chi nhánh tập gym, doanh thu mỗi tháng đạt hơn 700 triệu đồng.
Với Long, kiến thức kinh doanh không bao giờ là đủ. Nhìn lại hai lần thất bại, Long ngẫm ra là do mình không có kinh nghiệm và kiến thức sâu trong lĩnh vực, nên tiếp tục tham gia nhiều khóa học và mỗi tuần đọc một cuốn sách. Thiếu kiến thức ở đâu Long tìm người học, tìm sách học tới đó.
Đã được thử nghiệm thành công tại chi nhánh Trương Định và chi nhánh Huỳnh Thúc Kháng, Long nghĩ đến nhượng quyền sẽ mang lại hiệu quả kinh doanh cao cho nhiều nhà đầu tư. Thế là Long gặp bà Nguyễn Phi Vân - Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia đề nghị tham gia cổ đông để nhân rộng mô hình, và được nhận lời.
Nhận định về thị trường gym, Long nói: "Thị trường đang có nhiều 'ông lớn' trong và ngoài nước gia nhập, sắp tới các chuỗi nhượng quyền toàn cầu như Anytime Fitness sẽ mở rộng tại Việt Nam nên chúng tôi đón đầu đi trước".
Theo đánh giá của bà Phi Vân, mô hình franchise tiếp tục là xu hướng đối với các thương hiệu lớn. 20/60 thương hiệu của Tech Fitness (doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh dụng cụ thể dục thể thao, thể hình và thiết bị chăm sóc sức khỏe) vào top 500, đặc biệt Bodystreet - chuỗi nhượng quyền lớn nhất về công nghệ EMS của Đức vừa thắng giải Best Fitness Franchise 2019 được bình chọn bởi Tạp chí Global Franchise Magazine càng khuyến khích việc nhượng quyền kinh doanh trong lĩnh vực gym.
"Hiện công nghệ EMS đang phát triển rất mạnh tại các nước châuu, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia. 25 FIT sẽ mở thêm 10 chi nhánh trong năm 2020 theo hình thức nhượng quyền", Long cho biết.