Lao động là trụ cột giúp doanh nghiệp phát triển |
Chiến lược... “giữ người”
Là một trong số ít những công ty duy trì kinh doanh ổn định, vượt qua khó khăn nhờ chiến lược “đặt con người lên trên lợi nhuận”, ông Binu Jacob - Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam chia sẻ: “Tôi đến Việt Nam vào giữa tháng 3 khi quy định giãn cách xã hội bắt đầu. Và cũng như các doanh nghiệp khác, Nestlé Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Để ứng phó với khủng hoảng, chiến lược đầu tiên được chúng tôi hoạch định trên lĩnh vực ưu tiên 5+1, trọng tâm là an toàn nhân viên, tối ưu hóa nguồn cung; các kênh phân phối; linh hoạt trong tương tác với người dùng; chung tay hỗ trợ Chính phủ và cộng đồng; quản lý khả năng tài chính. Mỗi nhóm lĩnh vực ưu tiên đó đều có một người giỏi nhất phụ trách”.
Để chiến lược đó có hiệu quả, phải có con người và chúng tôi đã gửi thông điệp đến nhân viên rằng, công ty sẽ không sa thải bất cứ ai hoặc giảm thu nhập và phúc lợi. Kể cả những nhân viên trước đó không đạt doanh số nhưng công ty vẫn trả các khoản phúc lợi dựa trên năng lực của họ, chứ không dựa trên thành tích doanh số. “Nhiệm vụ của chúng tôi là làm cho nhân viên yên tâm và hiểu rằng, chúng tôi luôn quan tâm và dành những điều đúng đắn nhất cho họ”, ông Binu Jacob nói.
Trong chiến lược “giữ người”, ngoài chính sách lương, phúc lợi cho nhân viên, Nestlé Việt Nam còn quan tâm đến cả hệ sinh thái lớn hơn gồm các nhà phân phối. Công ty cũng quyên góp, hỗ trợ sản phẩm miễn phí và tiền mặt cho người dân và các khách hàng nhỏ. “Bởi chúng tôi cho rằng: Một doanh nghiệp chỉ có thể đạt được mục tiêu kinh doanh tối ưu khi tất cả đối tác song hành với họ cùng có lợi”.
Cắt giảm nhân sự chỉ là giải pháp "cực chẳng đã" mà cộng đồng doanh nghiệp Việt phải thực hiện trong thời gian xảy ra dịch bệnh |
Là đơn vị kinh doanh nội thất gỗ sồi xuất khẩu, bà Tâm Như Hạnh - CEO Công ty Lâm Hoàng Phát cũng cho biết đơn vị này không thoát khỏi khó khăn khi đại dịch nổ ra. Hàng loạt đơn hàng bị ngưng trệ. Ví dụ, trước đây công ty xuất khẩu 20 container/tháng thì khi có dịch bị giảm phân nửa.
“Để đảm bảo công nhân không phải nghỉ việc, lại có đơn hàng xuất khẩu và duy trì hoạt động, cách làm của tôi là thương lượng đối tác nước ngoài làm hàng dự trữ, nhưng mình phải chấp nhận chịu thiệt là giảm tỷ lệ tiền đặt cọc hoặc không lấy trước tiền cọc. Cách làm này đã mang lại hiệu quả rất cao. Cụ thể, sau tháng đầu bị khủng hoảng vì đơn hàng giảm và ngừng thì sang tháng tiếp theo, các đơn hàng được khôi phục lại. Và đến thời điểm này đã quá tải, phải tuyển dụng thêm nhân viên, thậm chí từ chối ba đơn hàng vì vượt quá khả năng sản xuất”, bà Hạnh cho biết.
Cũng theo bà Hạnh, khó khăn cũng là cơ hội để doanh nghiệp “sàng lọc” lại đội ngũ nhân viên, đánh giá sự trung thành, gắn bó, đồng cam cộng khổ của họ. “Kết quả đã có một vài người được sàng lọc để hiện tại công ty có một đội ngũ nhân lực đủ mạnh, đủ quyết tâm và gắn bó để cùng công ty vượt qua khó khăn và mang lại kết quả khả quan trên”, bà Hạnh tiết lộ.
Kinh doanh trong lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất và gần như bị ảnh hưởng “toàn tập”, việc cho nhân viên nghỉ là điều khó tránh, ông Lại Minh Duy - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc TST tourist cũng khẳng định: “Vẫn có một số nhân sự tạm nghỉ không lương nhưng công ty duy trì chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế và làm các thủ tục trợ cấp giúp phần nào chăm lo đời sống cho họ. Số còn lại trên 60% nhân viên thường trực vẫn duy trì công tác chuyên môn”.
Cộng đồng doanh nghiệp Việt vẫn can trường vượt khó khăn, tìm mọi cách để giữ và nuôi sống lao động |
Chiến lược linh hoạt
Theo nhận định của công ty tuyển dụng nhân sự Navigos Group, việc các công ty cắt giảm nhân sự khi chưa quá khó khăn là một chiến lược chưa hẳn đã... khôn ngoan. Bởi hệ lụy lớn nhất của giảm nhân sự là chi phí tuyển dụng lại rất lớn, ngoài ra doanh nghiệp còn phải đối mặt tình trạng hụt lao động khi khủng hoảng phục hồi, chưa kể mất nhân lực có tay nghề.
Nhận ra và thấu hiểu hệ lụy đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn (Bình Phước), doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh thực phẩm khẳng định, xuyên suốt thời gian dịch bệnh, tập đoàn này không sa thải hay cắt giảm nhân viên, ngược lại đưa ra KPI để nhân viên làm việc linh hoạt và nỗ lực hơn.
Bà Phạm Phương Thảo - Giám đốc Công ty Organica cũng chọn cách chấp nhận hy sinh lợi nhuận, thay vì cắt lương hay cho nhân viên nghỉ việc thì bà lại nghĩ cách để... nuôi quân. Trước hết là thành lập một group chat để động viên tinh thần nhân viên, tạo động lực để nhân viên yên tâm đi làm, nấu cơm cho nhân viên ăn và trợ giá thực phẩm organic, đặc biệt tăng tiền thưởng và tăng lương cho nhân viên tích cực.
“Sau đợt 1 dịch Covid-19, chúng tôi đã tăng tiền thưởng cho nhân viên lên 30%”, bà nói. Tuy nhiên, để duy trì quỹ lương đảm bảo phúc lợi cho nhân viên, Organica phải tính đến chiến lược kinh doanh linh hoạt và phù hợp tình hình mới. “Và chúng tôi đã mở rộng thêm nhiều sản phẩm mới tiện dụng hơn trong mùa dịch như đầu tư nhà xưởng, mua thêm trang thiết bị, tuyển dụng đầu bếp để nấu các món ăn sẵn, đóng hộp như bún chả giò, salad, miến, phở xào...”, CEO Organica nhấn mạnh.
Vina T&T đang có hơn 300 công nhân viên chính thức, trong suốt mùa dịch không ai bị nghỉ việc, đây là một nỗ lực phi thường của lãnh đạo doanh nghiệp |
Cùng chiến lược linh hoạt để giữ người, Công ty Việt Thắng Jeans đã áp dụng chính sách cho nhân viên làm việc luân phiên, đồng thời chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ.
Ông Trần Văn Long - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu Tư Ecom Net kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Truyền thông Du lịch Việt cũng cho biết, khi hoạt động du lịch gần như đóng băng 100%, công ty đang từ hơn 1.000 nhân sự du lịch lữ hành, nhà hàng - khách sạn… đã phải giảm xuống còn vài chục người. Vì vậy, công ty đã nhanh chóng chuyển sang sản xuất khẩu trang y tế.
“Lúc bắt đầu, chúng tôi không tính làm lớn nhưng đến nay công ty có các nhà máy sản xuất khẩu trang y tế ở quận 12, huyện Củ Chi, Hóc Môn (TP.HCM) và tỉnh Long An. Tại miền Bắc, chúng tôi cũng có 2 nhà máy. Đến nay đã có hơn 362 đơn vị, bệnh viện tại Mỹ dùng khẩu trang do công ty sản xuất, nhiều hợp đồng kéo dài 3-5 năm, tạo công ăn việc làm cho hơn 800 nhân sự, nhiều người vốn là hướng dẫn viên du lịch, phục vụ nhà hàng - khách sạn…”, ông Long chia sẻ.
Tại Vina T&T Group, ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch HĐQT cũng cho biết, công ty không cắt giảm lương hay nhân sự. Thời điểm phải giãn cách, công ty cho 50% nhân viên làm việc tại nhà và 50% làm việc tại công ty nhưng vẫn trả lương đây đủ, thậm chí tăng lương. Song song đó, khi các đối tác cần khẩu trang, dụng cụ y tế, Vina T&T Group linh hoạt tìm nguồn hàng và vận chuyển để tăng doanh thu.
“Ngoài ra, ngay trong dịch, chúng tôi đã... dám mở chuỗi cà phê, cửa hàng trái cây, vì đây là cơ hội để thương lượng giá thuê mặt bằng tốt với thời gian dài và tuyển dụng nhân sự mới (tăng hơn 10%) để phục vụ cho việc mở rộng nhà máy sản xuất tại Bến Tre và chuỗi cà phê”, ông Tùng chia sẻ.
“Cắt giảm nhân sự chỉ là giải pháp cuối cùng cực chẳng đã trong số rất nhiều giải pháp mà cộng đồng doanh nghiệp Việt đã làm trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19”, ông Võ Trí Thành - Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Trung ương. |