Những cơ hội mới trong quan hệ kinh tế Việt- Mỹ

Phan Thế Hải| 30/08/2021 06:57

Mối quan hệ Việt - Mỹ không chỉ ngày càng trở nên nồng ấm, có chiều sâu mà còn ngày càng mang tính chiến lược. Mỹ có sáng kiến ​​mới về chuỗi cung ứng Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để tham gia.

Những cơ hội mới trong quan hệ kinh tế Việt- Mỹ

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris ngày 25/8 tại Hà Nội. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Trong chuyến thăm Việt Nam 3 ngày với lịch dày đặc các hoạt động, chiều 26/8, trước khi rời Việt Nam, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã có cuộc gặp mặt báo chí tại khách sạn Marriott ở Hà Nội. Tại đây, bà Harris đã thông báo một số kết quả đạt được trong quá trình làm việc với các nhà lãnh đạo Việt Nam và vui vẻ trả lời các câu hỏi của báo chí. 

Bà cho biết, Chính phủ Biden nhận thức rõ rằng ưu tiên hàng đầu hiện nay của Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác là kiểm soát Covid-19 và phục hồi kinh tế. Do đó, các chủ đề này đã được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự.

Nói về mối quan hệ Mỹ- Việt, bà Harris nói: "Mối quan hệ chúng tôi đang có với Việt Nam là mối quan hệ thực sự được xây dựng trên nền tảng thấu hiểu, mong muốn chung của hai bên nhằm tăng cường an ninh, kinh tế của cả hai nước, cũng như tăng cường khả năng ứng phó với các thách thức trong tương lai".

Bà khẳng định các cuộc gặp đã thảo luận về những gì có thể cùng làm, không chỉ cho thời điểm này, trong vấn đề vaccine hay giúp đỡ nhau như đã nói, mà còn bàn về những gì có thể làm trong tương lai.

29-8-7-5274-1630254424.jpg

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu trong buổi họp báo chiều 26/8 tại Hà Nội. Ảnh: Vietnam Finance

Cùng với việc tặng Việt Nam thêm 1 triệu liều vacine, Hoa Kỳ còn cam kết chuyển giao nhiều công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực y tế và các lĩnh vực khác.

TS. Phạm Tất Thắng, cựu Giám đốc Trung tâm thông tin - Bộ Công thương cho biết: Trong giai đoạn 5 năm vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng 230%, trong khi xuất khẩu từ Mỹ vào Việt Nam cũng tăng trưởng tới hơn 175%.

Tốc độ xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh hơn tốc độ nhập khẩu hàng hóa Mỹ khiến cán cân thương mại giữa VN với Mỹ có xu hướng thâm hụt, bất lợi cho Mỹ nhưng người Mỹ đã hào phóng cho sự thâm hụt đó.

Theo số liệu của Bộ Công thương Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2021, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt 45,1 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam từ Mỹ đạt 7,8 tỷ USD, tăng 10,9%. Nhìn vào con số này có thể thấy xu hướng thâm hụt ngày càng gia tăng nhưng Mỹ chưa dùng đến biện pháp trừng phạt mà khuyến khích Việt Nam nhập khẩu hàng hóa Mỹ nhiều hơn để giảm bớt thâm hụt. 

29-8-2-7350-1630254424.jpg

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris chứng kiến lễ ký thỏa thuận thuê đất xây dựng trụ sở mới của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Mỹ. Riêng năm 2020 là năm đầu tiên tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt - Mỹ vượt qua mốc 90 tỷ USD (đạt 90,8 tỷ USD).

Năm 2021, mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều Việt- Mỹ là 100 tỷ USD. Hai nước còn hướng tới hoạt động thương mại bình đẳng và bền vững.

Với những biện pháp lập lại cán cân thương mại với cường quốc số 2 thế giới là Trung Quốc của Mỹ, Việt Nam đang được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo như cách nói của bà Harris, với mong muốn xây dựng mối quan hệ kinh tế bền vững có chiều sâu, tin cậy lẫn nhau, Mỹ sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp cận công nghệ mới, mở rộng thị trường và hội nhập tốt hơn với các nước khu vực và thế giới.

Nếu tăng trưởng kinh tế của Mỹ đạt 6,5% trong năm nay theo dự đoán của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), nhu cầu nhập khẩu của Mỹ sẽ duy trì ở mức cao. Điều này tạo cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp (DN) Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu vào nước này.

29-8-6-jpeg-4320-1630254425.jpg

2 triệu liều vaccine Moderna do Mỹ cung cấp thông qua COVAX đến Việt Nam vào ngày 10/7. Ảnh: UNICEF

Ông Phạm Quang Vinh - cựu thứ trưởng Ngoại giao cho rằng: Trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu của Mỹ, có hai thứ mà Việt Nam đang có cơ hội để nắm bắt đó là chuyển dịch công nghệ số và chíp điện tử. Việt Nam đủ năng lực để trở thành trung tâm sản xuất chip tầm cỡ thế giới nếu đón được các nhà đầu tư và công nghệ của Mỹ. Hàng không vũ trụ và quốc phòng là những lĩnh vực mà mối quan hệ đối tác toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam tạo ra những cơ hội hợp tác to lớn. Điều quan trọng là các DN Việt Nam có nắm bắt được cơ hội đó hay không.

Nirav Patel - Giám đốc Điều hành và đồng sáng lập của The Asia Group (TAG) cho rằng hai nước Việt - Mỹ sẽ tăng cường hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ cao, chẳng hạn trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng, vì Việt Nam là nhà sản xuất hàng đầu và có nhiều lợi thế trong lĩnh vực này. The Asia Group còn là nhà cố vấn chiến lược và thương mại chủ chốt cho thoả thuận chuyển giao công nghệ giữa Arcturus Therapeutics Holdings Inc. (Mỹ) và Vingroup để bắt đầu thử nghiệm và sản xuất vaccine Covid-19 của Arcturus tại Việt Nam.

Các doanh nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ của Việt Nam, những người đang tạo ra thế hệ ứng dụng hoặc sản phẩm fintech sẽ có cơ hội tiếp cận với các quỹ đầu tư mạo hiểm của Mỹ và các công ty khác. Không chỉ có cơ hội được tiếp sức về vốn, họ còn có cơ hội được tiếp cận với thị trường toàn cầu thông qua các công ty đầu tư ở Mỹ.

Việt Nam cần nhanh chóng giải quyết những khác biệt với Mỹ để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thương mại kỹ thuật số và thương mại điện tử, vốn có ý nghĩa sống còn đối với các nước trong thời kỳ giãn cách xã hội. Việt Nam có nền tảng tốt của các tiêu chuẩn cao, dựa trên các hiệp định thương mại tự do với châu Âu và những đàm phán trước đó với Mỹ về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Ông Phạm Quang Vinh nhận định: Chính phủ Biden đã thể hiện quyết tâm của mình trong việc tăng cường các mối quan hệ kinh tế và an ninh với các đối tác cả ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sau khi rút khỏi hiệp định thương mại TPP, Mỹ đã không thành công trong việc thiết lập các kết nối kinh tế mạnh mẽ với toàn khu vực và họ phải tìm cách khắc phục hạn chế này.

29-8-3-5053-1630254425.jpg

Nằm ngay công viên Cầu Giấy và đường Phạm Văn Bạch, đại sứ quán mới của Mỹ pha trộn hoạt động nhộn nhịp của thành phố và nét thanh bình của thiên nhiên. Ảnh: EYP Architecture & Enginerring

Việc Mỹ đầu tư “Khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ” tại Hà Nội với tổng số vốn đầu tư lên đến 1,2 tỷ đô la cũng nói lên quyết tâm của Mỹ trong việc xây dựng mối quan hệ lâu dài, toàn diện với Việt Nam và khu vực châu Á- Thái Binh dương.

Mối quan hệ Việt - Mỹ không chỉ ngày càng trở nên nồng ấm, có chiều sâu mà còn ngày càng mang tính chiến lược. Mỹ có sáng kiến ​​mới về chuỗi cung ứng Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để tham gia.

Vấn đề là Việt Nam sẽ chuẩn bị cho việc nắm bắt cơ hội đó thế nào. Cùng với sự nỗ lực của các doanh nhân, điều không kém phần quan trọng là môi trường pháp lý thông thoáng, ít rào cản để biến những cơ hội đó trở thành hiện thực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những cơ hội mới trong quan hệ kinh tế Việt- Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO