Hoạt động

Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Mỹ: Doanh nghiệp cần vượt qua nhiều rào cản

Tâm An 21/10/2023 18:00

Việc nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam nhiều thời cơ, vận hội mới. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, các doanh nghiệp đòi hỏi phải vượt qua nhiều rào cản và thách thức.

Dấu ấn mới, thời cơ mới

Sáng 21/10/2023, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) đã tổ chức chương trình Cà phê Doanh nhân HUBA lần thứ 72 với chủ đề “Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Mỹ - Cơ hội nào cho doanh nghiệp?”.

Tại chương trình, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HUBA cho rằng, việc hai nước Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam nhiều thời cơ, vận hội mới.

hoa3(1).jpg
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HUBA chia sẻ tại chương trình

Hiện tại, Việt Nam có quan hệ hợp tác với hơn 200 quốc gia, có hơn 50 nước ký kết đối tác chiến lược và có 5 nước có ký kết thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Việc nâng cao quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các nước, doanh nghiệp cần phải nhận thức đúng từng cấp quan hệ, để từ đó tận dụng cơ hội, đồng thời cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả trong giai đoạn ngắn hạn và dài hạn.

“Việc xác lập quan hệ Việt Nam - Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả hai nước. Việc xác lập mối quan hệ mới này sẽ giúp thúc đẩy dòng vốn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam. Việt Nam sẽ tiếp cận được những tiến bộ về khoa học kỹ thuật tân tiến nhất của Mỹ. Doanh nghiệp Việt Nam đứng trước rất nhiều cơ hội mới, cũng như nhiều thách thức. Vì vậy, cần có sự sự chuẩn bị thật kỹ để có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai”, ông Nguyễn Ngọc Hòa nhấn mạnh.

Ông Trần Phước Anh - Giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM cho rằng, việc Việt Nam và Mỹ tuyên bố nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden là một dấu ấn quan trọng của lịch sử.

Thực tế cho thấy, những yếu tố quan trọng hàng đầu đối với sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Mỹ là việc tôn trọng đầy đủ những nguyên tắc cơ bản định hướng cho quan hệ hai nước, trong đó có tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế và thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng các lợi ích chính đáng của nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Phương châm đặc thù cho sự phát triển quan hệ Việt Nam - Mỹ là gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai. Việt Nam đánh giá cao và xem trọng khẳng định của Mỹ là ủng hộ Việt Nam mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng.

Các nội dung được thỏa thuận giữa lãnh đạo hai nước về tuyên bố chung trong việc nâng tầm quan hệ Việt Nam - Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững sẽ thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ về nhiều mặt, trong đó đặc biệt sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư và tăng trưởng kinh tế bao trùm theo hướng đổi mới sáng tạo tiếp tục là nền tảng trọng tâm, động lực cho quan hệ hai nước và việc hai bên nhất trí tạo đột phá trong hợp tác về khoa học, công nghệ.

Doanh nghiệp Việt Nam cần vượt qua nhiều rào cản, có sự chuẩn bị lâu dài

Ông Trần Phước Anh cũng cho rằng, khi nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên tầm chiến lược, cộng đồng doanh nghiệp Mỹ thấy nhiều tiềm năng đầu tư tại Việt Nam. Mỹ nhận thấy Việt Nam là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu, đồng thời dự báo vai trò này sẽ còn tăng lên trong tương lai.

ha1.jpg
Trần Phước Anh - Giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM phân tích những tác động của việc nâng cấp quan hệ lên tầm đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ

Tháng 3/2023 vừa qua, đoàn đại diện của hơn 50 tập đoàn lớn của Mỹ, bao gồm những cái tên nổi bật như SpaceX, Netflix và Boeing… đã đến Việt Nam để tìm kiếm thị trường đầu tư và kinh doanh, giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế Mỹ vào quốc gia khác. Động thái này được thúc đẩy do tiềm năng của Việt Nam - một quốc gia với số dân 100 triệu người cùng thị trường tiêu dùng tăng trưởng nhanh chóng do tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng. Điều này là một điểm quan trọng về khả năng thu hút các dự án FDI đến từ Mỹ và các quốc gia có mối quan hệ kinh tế chính trị tốt với Mỹ.

Hiện tại, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ liên tục tăng trưởng, tăng hơn 275 lần, từ mức khoảng 450 triệu USD (năm 1995) lên tới 124 tỷ USD (năm 2022). Mỹ nhiều năm liên tục là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với tỷ trọng chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Năm 2022, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ.

Tuy nhiên, với nguồn vốn dồi dào, chất lượng cao, kinh nghiệm quản trị tốt, công nghệ cao, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.

a3.jpg
Các doanh nghiệp đặt ra những câu hỏi tại chương trình

Để có thể “chinh phục” các doanh nghiệp Mỹ, theo ông Trần Phước Anh, doanh nghiệp Việt Nam cần vượt qua nhiều rào cản về thương mại, việc bảo hộ sản phẩm. Với những doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ cần xác định rõ chiến lược sản phẩm, đối tác, kênh phân phối; tìm hiểu kỹ các quy định, rào cản xuất khẩu, khả năng liên quan tới các vụ việc phòng vệ thương mại; đảm bảo nguyên vật liệu đầu vào có nguồn gốc rõ ràng, từng bước nghiên cứu, nâng cấp cơ sở sản xuất, nhà máy theo các tiêu chuẩn “sản xuất xanh”.

Tại chương trình, TS. Nguyễn Xuân Thành - Đại học Fulbright Việt Nam cũng trả lời thắc mắc của một số doanh nghiệp tại TP.HCM, như việc Mỹ chưa công nhận quy chế kinh tế thị trường Việt Nam, việc Việt - Mỹ nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện thì khách Mỹ khi sang Việt Nam có được lợi gì trong việc cấp visa, các ngân hàng thương mại cần lưu ý vấn đề gì khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Mỹ: Doanh nghiệp cần vượt qua nhiều rào cản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO