Trong nước

Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3: Mạn đàm “Kinh doanh màu hồng”

Tâm An - Ý Nhi 08/03/2024 15:14

Để có được “màu hồng” trong kinh doanh, nhiều doanh nhân nữ phải trải qua rất nhiều thử thách. Nhưng với tinh thần lạc quan, luôn tìm thấy niềm vui trong kinh doanh, các doanh nhân nữ đã tạo cho mình và nhân viên nguồn năng lượng tích cực, vượt qua khó khăn, chứng minh được bản lĩnh trên thương trường. Đây cũng là chủ đề Doanh Nhân Sài Gòn cùng các doanh nhân nữ mạn đàm nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.

Trong kinh doanh, nếu khái niệm “đại dương xanh” giúp doanh nhân vượt qua cạnh tranh, ít đối thủ hơn để tìm cho mình hướng đi mới thì tại buổi mạn đàm về “Kinh doanh màu hồng”, các nữ doanh nhân cũng ví những năm khó khăn vừa qua, chính sự lạc quan, niềm tin vào tương lai luôn nở hoa hồng - màu hồng của sự ngọt ngào và niềm tin, đã cho các doanh nhân có thêm năng lượng tích cực và vượt qua khó khăn, tạo nguồn năng lượng mới cho chính mình và nhân viên.

Kinh doanh luôn thấy “màu hồng”

Phụ nữ kinh doanh ai cũng quyết liệt nhưng đầy nữ tính. Người đứng đầu là người truyền lửa cho công ty nên phải xuất hiện với diện mạo chỉn chu, tươi tắn nhất. Môi trường làm việc vô cùng quan trọng để giúp nhân viên có động lực phát triển. Với nhân viên phải đề cao sự chỉn chu, sự tự tin bởi điều đó còn lan truyền đến sự tín nhiệm của khách hàng.

Lạc quan, đồng lòng giúp nữ doanh nhân tìm được “đại dương xanh”

“Đại dương xanh” là chiến lược mở rộng thị trường mà trong đó không có hoặc có ít đối thủ cạnh tranh. Doanh nghiệp (DN) áp dụng chiến lược này cần tìm ra và theo đuổi thị trường mới mà chưa có ai đi theo hoặc cạnh tranh không đáng kể. Bước vào kinh doanh với sự lạc quan được ví như màu hồng đã giúp nhiều nữ doanh nhân tìm được “đại dương xanh”.

CEO Thanh Ngọc, sáng lập hệ thống Vietcare Ngọc chia sẻ: “Mười năm trước, khi mới tham gia thị trường chăm sóc mẹ và bé sau sinh, tôi bị gia đình và người thân phản đối vì lĩnh vực này khi đó rất mới mẻ. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực, quyết tâm, tôi đã tạo dựng được thương hiệu cho Vietcare Ngọc, nên sau này được nhiều người đến xin nhượng quyền thương hiệu. Tôi hạnh phúc vì đã tìm được “đại dương xanh” nhờ sự sáng tạo và cách đi riêng”.

Thời điểm Covid-19, tổn thất lớn nhất với doanh nghiệp của tôi là về con người, nhiều chi nhánh đóng cửa nên nhiều nhân sự cũng rời đi, sau dịch xu hướng tiêu dùng của khách hàng cũng có nhiều thay đổi và thắt chặt chi tiêu hơn. Đó là một trong những thách thức mà Vietcare đối diện nhưng với tinh thần luôn tin về tương lai và nhìn công việc kinh doanh tràn “màu hồng” lạc quan, tôi xem đó cũng là cơ hội để nhìn thấy những lối đi mới.

Năm 2023, vượt qua những thách thức của thị trường, tôi quyết định mở thêm phòng khám Y học cổ truyền để giúp khách hàng tiếp cận với những phương pháp điều trị Đông y với phương châm “Thân - Tâm - Trí”, những người đến khám sẽ hiểu hơn về “trí bệnh” và từ đó thay đổi lối sống phù hợp để cải thiện bệnh.

“Là người tiên phong thì phải tạo ra thị trường” - bà Ngọc quan niệm. Khi mới phát triển từ khóa SEO, bà Ngọc cũng là người định hướng để khách hàng có nhu cầu chỉ việc lên trang mạng xã hội tìm kiếm là sẽ hiện ra các dịch vụ của Vietcare Ngọc. Bà Ngọc cho rằng, cần tìm hiểu kỹ nhu cầu thị trường, phải biết bản thân mình muốn gì thì mới có ý tưởng hay. “May mắn là tôi có hai thương hiệu được thị trường chấp nhận. Khi thị trường này bão hòa, tôi lại tìm thị trường mới, và luôn lạc quan khi nhìn thấy cơ hội kinh doanh vẫn luôn “màu hồng”, bà Ngọc nhấn mạnh.

Chia sẻ hành trình đi tìm “đại dương hồng” của mình, bà Kiều Chinh - CEO, sáng lập hệ thống Trường Red Sun - Blue Moon kể: “Muốn biến kinh doanh vốn nhiều khó và rủi ro trở thành màu hồng, tôi đã có những suy nghĩ tích cực, lấy khó khăn làm động lực để tiếp tục phát triển.

Trước khi trở thành người đứng đầu hệ thống trường như hiện nay, tôi đã trải qua một con đường gập ghềnh và nhiều cột mốc đáng nhớ. Để mở trường, tôi đã bán vàng cưới, dành từng chút vốn để dấn thân vào kinh doanh. Thời điểm kinh doanh gập ghềnh nhất là giai đoạn dịch Covid-19. Để “sống sót qua dịch”, tôi phải “vật lộn” với chi phí nhân sự, mặt bằng, quản lý..., ngày đêm dạy online miễn phí và đào tạo giáo viên dạy cùng để tạo ra thu nhập, quay video gửi bài để trẻ học. Khó khăn vậy nhưng với niềm tin vào công việc, tin rằng sức khỏe và sự thông minh, trẻ em Việt Nam sẽ tự tin tỏa sáng giữa đám đông, tin vào mục tiêu tôi theo đuổi là “vì triệu trẻ em Việt tài năng và hạnh phúc”, tôi đã thực hiện giấc mơ kinh doanh của mình bằng kết quả tươi sáng của màu hồng và giờ đây, màu hồng cũng đã thành hiện thực khi việc kinh doanh thành công.

Với bà Mai Thị Trúc Linh - Giám đốc Điều hành Công ty CP Mijunka, “đại dương xanh” chính là khi hiểu được vấn đề mà đa phần phụ nữ Việt Nam đều cần biết để chăm sóc bản thân, làm cho mình đẹp hơn, tự tin hơn. Bà Linh cho biết, khi chọn kinh doanh ngành mỹ phẩm, tôi cảm thấy rất vui vì thấy công việc của mình mang lại nhiều hạnh phúc, sự tự tin cho nhiều phụ nữ Việt.

“Dù ít gặp khó khăn nhưng kinh doanh không thể tránh thách thức, vì thế, nếu lạc quan và tạo cho mình niềm vui trong công việc, các doanh nhân nữ sẽ không cảm thấy áp lực”, chị Linh chia sẻ thêm.

Bà Nguyễn Thị Kiều Quyên - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ phần mềm SHAREWORK có quan điểm khác biệt về kinh doanh, đó là luôn coi đối thủ là đối tác. Để đưa công nghệ thông tin ra thế giới, bà Quyên cùng một số doanh nhân nữ trong ngành đã hỗ trợ lẫn nhau tiếp thị, nhờ thế các doanh nghiệp trong ngành đã được thị trường thế giới lựa chọn. Đó chính là thành công chung của ngành công nghệ thông tin trong việc mang thương hiệu Việt ra thế giới.

“Doanh nhân nước ngoài thường không nói chọn doanh nhân Việt Nam mà chọn công ty A, B, C của Việt Nam, nên mình phải làm gì để các công ty cùng đồng lòng để được thế giới chọn sản phẩm. Ngành công nghệ thông tin của Việt Nam phải đạt trình độ quốc tế. Một công ty có thể đơn độc, nhưng nhiều công ty hợp sức thì sẽ thành công. Đó là cách chúng tôi đã làm trong 10 năm qua”, bà Quyên khẳng định.

img_7985.jpg
các nữ doanh nhân chia sẻ tại tòa soạn Doanh Nhân Sài Gòn

Vượt áp lực

Giữ được “màu hồng” trong kinh doanh, nhiều doanh nhân nữ phải đương đầu với rất nhiều áp lực tưởng chừng không vượt qua.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Bình - Giám đốc Công ty CP Sản xuất sơn Hà Nội Valenta, sau đại dịch Covid-19, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn cộng thêm ảnh hưởng xấu của nền kinh tế thế giới, trong đó DN ngành xây dựng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Nhưng trong hoàn cảnh ấy, bà Bình luôn tỉnh táo, xác định phải đa dạng hóa sản phẩm mới trụ vững, do đó bà mở thêm mảng đồ uống bên cạnh mảng kinh doanh sơn đã ổn định. “Chúng tôi đã xuất khẩu đồ uống từ dừa tươi sang Canada, nhiều nước châu Âu, sắp tới là Hàn Quốc, Mỹ. Chúng tôi rất cẩn trọng trong khâu lựa chọn nguyên liệu và bao bì đạt chuẩn thế giới. Dù ban đầu khó khăn nhưng tôi tin tưởng vào mảng đồ uống mới này” - bà Bình trải lòng.

Bà Nguyễn Thị Bính - Giám đốc Công ty CP Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Nguyễn - Bính, kể, hai lần bị thất bại trong kinh doanh, nhưng bà không bỏ cuộc, mà ngược lại, khó khăn đã trau dồi bản lĩnh, sự tự tin. Bà Bình chia sẻ: “Tôi có hai bước ngoặt trong sự nghiệp. Tôi từng thất bại, từng bị thị trường tẩy chay. Tôi từng mất hơn 100 tấn gạo, sạt nghiệp, nợ ngân hàng 300 triệu đồng. Nhờ nỗ lực, đi đúng hướng, tôi đã trả hết nợ ngân hàng và phát triển kinh doanh trở lại. Tất nhiên, khi khách hàng không được cung cấp hàng hai tháng, họ đã quên mình, vì thế mình phải chào hàng lại, rồi khách hàng tin tưởng và trở thành khách hàng thân thiết”.

Vượt qua khó khăn của thị trường, bà Bính lại gặp áp lực khác khi kinh doanh bún tươi tiêu thụ trong ngày. Có những khi nhân viên rủ nhau nghỉ làm, bà Bính vẫn kiên nhẫn cùng chồng con lái xe giao hàng. Qua mỗi lần như vậy, bà càng mạnh mẽ và đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong việc tuyển dụng nhân sự, trong quản trị cũng như sản xuất để tạo ra nhiều sản phẩm cho thị trường.

Bà Kiều Quyên thì cho biết, là người làm thuê, trải qua nhiều công ty cho đến các tập đoàn lớn, bà đã nhận ra cần phải tạo dựng chỗ đứng cho mình, phải thực hiện ước mơ của mình. Hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin - lĩnh vực tưởng chỉ dành cho nam giới, bà Quyên ban đầu gặp không ít khó khăn, nhưng với tinh thần lạc quan, nhìn con đường kinh doanh phía trước sẽ có ngày “nở hoa hồng” , bà Quyên đã biến khó khăn lại trở thành động lực để thành công.

Giữ vẻ đẹp và tinh thần lạc quan

Nữ doanh nhân luôn xuất hiện với diện mạo xinh đẹp, duyên dáng, mềm mại và luôn duy trì sự lạc quan.

Bà Trúc Linh cho rằng, phụ nữ kinh doanh ai cũng quyết liệt nhưng đầy nữ tính. Người đứng đầu là người truyền lửa cho công ty nên phải xuất hiện với diện mạo chỉ chu, tươi tắn nhất. Môi trường làm việc là vô cùng quan trọng để giúp nhân viên có động lực phát triển. Với nhân viên, bà Linh đề cao sự chỉn chu, sự tự tin bởi điều đó còn lan truyền đến sự tín nhiệm của khách hàng.

Đặc biệt, bà Linh luôn khuyến khích nhân viên gia tăng thu nhập. Bà tạo dựng môi trường làm việc thân thiện, vui vẻ ở công ty, qua đó giúp nhân viên trở nên đẹp và tươi trẻ hơn.

Bà Nguyễn Thị Bính thì cho biết, từ năm 35 tuổi đã nghiên cứu về sắc đẹp, chọn cách sống đơn giản. Bên cạnh việc tự làm đẹp bằng các phương pháp truyền thống từ nghệ và tự mát xa, suy nghĩ tích cực, bà tin vào thuyết nhân quả để cuộc sống luôn bình an. “Tôi theo đạo Phật và nhận ra rằng, những người kinh doanh không tốt sẽ không thể tồn tại lâu trên thương trường, trước sau cũng bị khách hàng nhận ra và tẩy chay. Chỉ khi đặt cái tâm lên trước, kinh doanh có đức thì mới phát triển bền vững - bà Bính chia sẻ.

Bà Đinh Thị Mỹ Bình quan niệm, doanh nhân gia tăng sự kết nối với các hội nhóm, các tổ chức cũng là một cách để có thêm năng lượng tích cực. Đặc biệt, phải luôn giữ tinh thần cho đi, không chỉ là tiền bạc mà còn ở những giá trị khác. Phải sống một cuộc đời đáng sống.

Với bà Kiều Quyên, phụ nữ kinh doanh không chỉ có trách nhiệm với DN mà còn cân bằng trách nhiệm với gia đình. Rất may, được gia đình ủng hộ, vì thế bà Quyên chọn cách lan tỏa tinh thần tích cực đó đến nhân viên, đến đối tác. Bà Quyên khẳng định: “Càng chăm sóc bản thân càng tạo ra năng lượng để thành công và hạnh phúc. Khi tham gia các hội thảo, hội nghị trên thế giới, tôi thấy nhiều doanh nhân nữ rất thành công và trẻ đẹp. Đó chính là động lực để tôi cố gắng mỗi ngày”.

Kinh doanh “màu hồng” là suy nghĩ tích cực

Sau công việc bộn bề sẽ trở về nhà. Mái nhà là nơi nâng đỡ mỗi người. Với nữ doanh nhân, một trong những thách thức lớn là vấn đề điều chỉnh, cân bằng công việc công ty và gia đình. Việc phân bổ thời gian cho mỗi vai trò là không hề dễ…

Với CEO Kiều Chinh, Founder của Hệ thống Trường Mầm non Red Sun - Blue Moon tại Hà Nội, cách vượt qua những lúc gian nan là suy nghĩ tích cực và truyền sự tích cực ấy đến cấp dưới. Từ đó khó chỗ nào sẽ cùng đội ngũ gỡ chỗ đó, ngã chỗ nào sẽ cùng đội ngũ đứng dậy chỗ đó. Người quản lý phải tìm cách học hỏi, trau dồi kiến thức mới đáp ứng được yêu cầu công việc.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, bên cạnh việc cân đối thu chi thì tình yêu với con trẻ, sự gắn kết của quản lý các cơ sở và đội ngũ giáo viên sẽ giúp doanh nghiệp phát triển.

Với CEO, Founder của Vietcare - doanh nhân Thanh Ngọc thì kinh doanh trong lĩnh vực của bà gặp nhiều thử thách khi là mô hình mới, phải liên tục cập nhật kiến thức mới, bởi vấn đề kiêng cữ đã trở thành văn hóa của người Việt, để đổi mới cần thời gian, công sức. Tuy nhiên, đa phần nhân sự trong công ty đều là chị em đã trải qua sinh nở, nên họ đồng cảm, thấu hiểu và “đau” với nỗi đau của khách hàng. Nhưng điều quan trọng là mỗi nhân viên cần trở thành bạn của khách hàng, là “chuyên gia” để vừa hỗ trợ khách hàng về tâm lý, thể chất, giúp họ yên tâm và tin tưởng thương hiệu.

Sau công việc bộn bề sẽ trở về nhà. Mái nhà là nơi nâng đỡ mỗi người. Với doanh nhân Kiều Chinh, một trong những thách thức lớn với bà là vấn đề điều chỉnh, cân bằng công việc công ty và gia đình. Việc phân bổ thời gian cho mỗi vai trò là không dễ với nữ doanh nhân này. “Thời gian cho công việc công ty và gia đình của tôi là 50/50. Sáng đến, tôi dành 15 phút ghi những công việc cần phải xử lý trong ngày. Cứ cuối tuần gia đình sẽ họp và phân công công việc cho từng thành viên để ai cũng được chủ động. Ở trường, cứ đầu tháng họp chuyên môn, phân công nhiệm vụ cho nhân sự sau đó cứ thế việc ai nấy làm, khó đâu giải quyết đến đó”.

Với CEO Thanh Ngọc, sáng lập Vietcare, kinh doanh là hỗ trợ, nâng đỡ và trao quyền cho đồng đội, nên không mất nhiều thời gian và cân đối được vai trò kinh doanh lẫn gia đình. “Sinh ba em bé, mỗi giai đoạn mình lại ngẫm nghĩ và phát triển dịch vụ để phù hợp với nhu cầu, nên đều có tác dụng hỗ trợ nhau, cả công việc và gia đình đều không tách rời và không áp lực”, Ngọc chia sẻ.

Sau 15 năm bước vào ngành chăm sóc sức khỏe cho mẹ và bé, Thanh Ngọc vẫn luôn trăn trở làm sao để phụ nữ sau sinh được chăm sóc tốt nhất để giảm thiểu bệnh lý về sau và đảm bảo sức khỏe. Với bà, kinh doanh “màu hồng” là kiên định với sứ mệnh mà mình tìm ra, theo đuổi, là lựa chọn ngành nghề và tiên phong trong lĩnh vực mà mình theo đuổi để định vị thị trường, tạo ra “đại dương xanh” cho chính DN của mình.

Con đường kinh doanh có lúc gian nan, nhưng CEO Thanh Ngọc cho rằng, bằng niềm đam mê và thấy được giá trị của việc kinh doanh đem lại nhu cầu cho phụ nữ, nhất là thấu hiểu họ, tôi đã dẫn dắt hệ thống và cộng sự vực dậy sau những tổn thất do đại dịch Covid-19.

Bà tiếp, giai đoạn đó, tổn thất lớn nhất với DN, đặc biệt là về con người, một số chi nhánh đóng cửa nên nhiều nhân sự đã rời đi. Sau dịch, xu hướng tiêu dùng của khách hàng cũng có nhiều thay đổi và thắt chặt chi tiêu hơn. Đó là một trong những thách thức mà Vietcare đối diện và cũng là cơ hội để tôi nhìn thấy lối đi mới.

Với tinh thần lạc quan, luôn tiến về phía trước, năm 2023, vượt qua những thách thức của thị trường, Thanh Ngọc quyết định mở thêm phòng khám y học cổ truyền để giúp khách hàng tiếp cận với phương châm điều trị thân - tâm - trí.

Với CEO, Founder của Hệ thống trường mầm non Red Sun-Blue Moon tại Hà Nội, bà Kiều Chinh, thì “màu hồng” trong kinh doanh được xuất phát từ tình yêu thương với con trẻ và suy nghĩ tích cực, biến khó khăn làm động lực để tiếp tục phát triển.

Chia sẻ quan điểm về kinh doanh “màu hồng”, bà Kiều Chinh kể chuyện, đã phải bán nhẫn cưới, dành từng chút vốn để mở trường đến việc trải nghiệm đi làm trường công, nắm các quy trình, đến làm thuê tại các trường quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, rồi được cử đi học khóa học phương pháp giáo dục sớm STEM và giữ vai trò hiệu phó chuyên môn tại một trường quốc tế 11 năm. Bước ngoặt đến với CEO, Founder này khi nhận lời một người bạn mở trường riêng. Song song với công việc kinh doanh, Kiều Chinh chủ động nâng cao năng lực bằng việc học thêm toán tư duy và các lớp học chuyên môn khác. Thời điểm kinh doanh gập ghềnh nhất với bà là giai đoạn đại dịch, nói như doanh nhân nữ này là phải “sống sót qua dịch” bởi quá khó khăn về chi phí, nhân sự, mặt bằng…

“Mình dạy online miễn phí toán tư duy và hành trang cho trẻ, sau đó dạy online có phí và đạo tạo giáo viên dạy cùng để tạo ra thu nhập, quay video gửi bài để trẻ học” - Kiều Chinh cho hay. Theo CEO này, với sức khỏe và sự thông minh, trẻ em Việt Nam sẽ tự tin tỏa sáng giữa đám đông; với suy nghĩ và hành động sáng tạo, trẻ em Việt Nam sẽ trở nên khác biệt. Mục tiêu “Vì triệu trẻ em Việt tài năng và hạnh phúc” là triết lý giáo dục và kinh doanh mà Kiều Chinh theo đuổi trong gần 20 năm qua.

Quan niệm về kinh doanh “màu hồng”

Doanh nhân Kiều Chinh - CEO, Founder hệ thống Trường Red Sun - Blue Moon:

kieu-trinh.jpg

Kinh doanh “màu hồng”, với tôi là xuất phát từ tình yêu thương con trẻ và suy nghĩ tích cực, biến khó khăn làm động lực để tiếp tục phát triển. Trước khi trở thành người đứng đầu hệ thống trường như hiện nay, tôi đã đi trên con đường gập ghềnh với nhiều cột mốc đáng nhớ. Với kinh nghiệm 18 năm làm giáo dục mầm non, tôi quan niệm, kinh doanh “màu hồng” chính là dành tình yêu cho trẻ nhỏ. Khi mình yêu thật lòng, các con sẽ cảm nhận được tình yêu ấy, từ đó, yêu mến trường lớp và cô giáo. Bố mẹ thấy con mình thích đi học cũng yên tâm gửi con cho cô giáo. Tình yêu thương trẻ chính là động lực giúp tôi mở thêm nhiều cơ sở giáo dục tại các quận, huyện ở Hà Nội như hiện nay.

Bà Đinh Thị Mỹ Bình - Giám đốc Công ty CP Sản xuất sơn Hà Nội Valenta:

binh.jpg

Tôi luôn nhìn cuộc sống là “màu hồng”. Với tôi, khó khăn là chuyện bình thường, không khó khăn mới là bất thường. Vượt qua khó khăn không dễ. Đó là thực tế của giới doanh nhân thời gian gần đây. Từ cú sốc đại dịch, nhiều DN “thấm đòn”. Tôi có cơ hội hợp tác với nhiều doanh nhân ở các lĩnh vực, đó là lý do tôi phát triển thêm mảng kinh doanh mới về thực phẩm, thức uống. Kinh doanh “màu hồng” với tôi là mở ra nhiều lĩnh vực, kinh doanh phải có chữ tín.

Bà Thanh Ngọc - CEO, Founder Vietcare:

ngoc.jpg

Khi mới xây dựng mảng chăm sóc mẹ và bé sau sinh, tôi gặp khó khăn vì là người khai phá. Tuy nhiên, tôi cũng khá là may mắn khi là người đi đầu, thị trường còn rộng lớn. Sau này, nhiều người tự tìm đến xin chuyển nhượng thương hiệu, tôi không mất tiền để quảng cáo, đúng là tìm được “đại dương xanh”. Khi thị trường bão hòa, tôi đã phát triển được phòng khám đông y. Hiện tôi vẫn nhìn mọi việc là “màu hồng” bởi đã tự tạo ra thị trường. Cách nghiên cứu thị trường của tôi rất đơn giản, cái mình nhắm tới là gì để tạo thành ý tưởng.

Bà Nguyễn Thị Bính - Giám đốc Công ty CP Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Nguyễn Bính:

binhs.jpg

Tôi mong muốn liên kết sản xuất tại các nước. Khi xưa tôi học công nghệ máy, tôi là người đầu tiên làm ra bún bằng máy móc, rổi tôi làm thêm nui. Tôi luôn lạc quan về tương lai. Đó là “màu hồng” trong kinh doanh.

Bà Mai Thị Trúc Linh - Giám đốc Điều hành Công ty CPO Mijunka:

z5237929234019_54b4d70864ee8fe7463380411bf4d530.jpg

Khi bước vào kinh doanh ai cũng nhìn thấy “màu hồng”, đặc biệt là phụ nữ. Nhưng vào kinh doanh rồi còn thấy cả “màu đỏ” quyết liệt, “màu tím” thủy chung, có cả “màu xanh” hy vọng, nhất là khi thị trường khó khăn, người đầu tàu càng phải là người “giữ lửa” cho công ty. Đặc biệt, với tôi “màu hồng” trong kinh doanh là sự lạc quan. Tôi mong chị em hãy tặng cho mình “màu hồng” đó. Phụ nữ xinh đẹp, nhẹ nhàng nhưng không được thiếu sự quyết liệt trên thương trường. Khi kinh doanh mỹ phẩm, tôi thấy nhiều phụ nữ cần có giải pháp làm đẹp lại da, nên mong muốn đem giải pháp tốt nhất để giúp chị em trở nên xinh đẹp, tự tin. Và tôi thấy thị trường là một “màu hồng”. Nhân viên của tôi có văn hóa tích cực, truyền từ giám đốc trở xuống, không có tiêu cực, không bàn chuyện tiêu cực. Tôi khuyến khích mọi người phát triển bản thân, phát triển bản thân tới đâu thì phát triển thu nhập đến đó. Nhân viên của tôi không cần phải quá đẹp, tôi không tuyển người quá đẹp mà tuyển người có năng lượng tích cực và chỉn chu. Tôi hiểu phụ nữ ai cũng có nét đẹp riêng, cần giữ và phát huy nó, tự tin với nó.

Bà Nguyễn Thị Kiều Quyên - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ phần mềm SHAREWORK:

z5229518621954_0990498ad00a181f19f520421d58690e.jpg

Tôi quan niệm tìm “màu hồng” trong kinh doanh là động lực, là niềm đam mê. Trong kinh doanh luôn có khó khăn, nhưng cũng có niềm vui. Từ điều đó, tôi đã cố gắng xây dựng, tạo được thương hiệu trong mảng công nghệ thông tin, tạo ra nhiều việc làm cho các bạn trẻ ở vùng quê. Đó cũng là cách tôi tạo động lực cho mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3: Mạn đàm “Kinh doanh màu hồng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO