Trung tâm mua sắm bình dân: Đầu tư nhỏ, lợi tức lớn?

NGUYÊN BẢO - HẢI ÂU| 31/10/2016 06:53

Các nhà đầu tư bất động sản đang rất quan tâm đến cơ hội kiếm tiền từ việc sở hữu mặt bằng tại các trung tâm thương mại bình dân ở TP.HCM.

Trung tâm mua sắm bình dân: Đầu tư nhỏ, lợi tức lớn?

Bên cạnh hạng mục nhà ở (căn hộ, nhà liền đất, đất nền), các nhà đầu tư bất động sản cũng quan tâm đến cơ hội kiếm tiền từ nhiều sản phẩm khác, trong đó có sở hữu mặt bằng tại các trung tâm thương mại bình dân ở TP.HCM. 

Đọc E-paper

Sức hút không thua nhà ở

Từ cuối năm 2014 đến nay, mô hình trung tâm bán lẻ tập trung (vừa kết hợp giữa mô hình mua sắm tiện nghi và hiện đại của trung tâm thương mại với hình thức mua sắm mở kiểu chợ truyền thống, hay còn gọi là mô hình Bazaar) đã xuất hiện rải rác trên thị trường. Do nguồn cung không dồi dào như hạng mục căn hộ nên mỗi khi giới thiệu, mặt bằng cho thuê dạng kiốt luôn được khách hàng săn đón.

Còn nhớ năm 2014, sau khi Novaland mua lại khu phức hợp Lucky Palace của Hoàng Anh Gia Lai ở quận 6 và điều chỉnh thiết kế 5 tầng thương mại cao cấp sang mô hình trung tâm mua sắm bình dân như An Đông Plaza, với các kiốt (lô) có diện tích từ 10 đến trên 21m2, chỉ trong vòng hơn 2 tháng đã được tiêu thụ với mứa giá dao động từ 585 triệu đồng/lô.

Khách thuê chủ yếu là tiểu thương từ chợ An Đông, Chợ Lớn, Kim Biên... Ngoài Lucky Palace, mô hình thương mại này cũng được Novaland phát triển tại RiverGate (Bến Vân Đồn, quận 4).

Trong khi đó, sau khi phát triển 2 trung tâm mua sắm Taka Plaza Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1) và Taka Plaza Phạm Ngọc Thạch (quận 3), tháng 12 tới, Công ty Anh Le Bros sẽ ra mắt Trung tâm mua sắm thời trang Taka Plaza tọa lạc bên trong Sense Market, tại khu vực Công viên 23/9, Phạm Ngũ Lão (quận 1). Hiện tại, công ty này đang triển khai cho thuê các kiốt tại trung tâm mới này.

Vào trung tuần tháng 10, Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Xây dựng Thuận Tài Tài đã mở cho thuê kiốt trong Trung tâm thương mại sỉ lẻ và trực tuyến tại Golden Plaza (quận 5).

Với 5 tầng thương mại, Golden Plaza cung cấp gần 600 kiốt (diện tích từ 6m2/kiốt) và một phần không gian dành cho cụm rạp chiếu phim CGV (dự kiến khai trương vào tháng 12/2016, cùng thời điểm đưa trung tâm thương mại vào hoạt động).

Ông Phan Công Chánh - đại diện Công ty Thuận Tài Tài cho biết, thay vì bố trí không gian có phần nghiêng về chợ truyền thống kết hợp với trung tâm mua sắm tập trung, Golden Plaza được làm mới với mô hình sỉ lẻ kết hợp với thương mại trực tuyến, tức phía chủ đầu tư sẽ tích hợp cho mỗi khách thuê một gian hàng trên website.

Mô hình này mới ở Việt Nam nhưng ở một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan chẳng hạn, khách du lịch có thể thấy ở Platinum Fashion Mall.

Được biết chỉ trong 2 giờ giới thiệu, 100% kiốt đợt 1 của Golden Plaza, tương đương hơn 200 kiốt đã được khách thuê, với mức giá thấp nhất 720 triệu đồng/ki-ốt (đã bao gồm VAT) cho hợp đồng 3 năm. Đại diện Công ty Thuận Tài Tài cho biết, đầu tháng 11, doanh nghiệp sẽ mở tiếp đợt 2 với hơn 300 kiốt được đưa ra cho thuê.

Đầu tư 1, lãi 2?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khách thuê kiốt tại các trung tâm mua sắm như trên, bên cạnh tiểu thương có nhu cầu mặt bằng mua bán thực thì không ít người thuê để đầu tư kiếm lời. Ngay như Trung tâm Golden Plaza, phần lớn khách thuê đã sở hữu kiốt ở An Đông Plaza, Taka Plaza lẫn Saigon Square lại đầu tư thêm kiốt để cho thuê lại.

Đó là lý do mà trong chính sách bán hàng, chủ đầu tư của Golden Plaza "mạnh tay" áp dụng chính sách ưu đãi để hấp dẫn khách thuê, như thuê 3 năm được tặng 3 năm, thuê 6 gian hàng được chiết khấu 10% giá trị hợp đồng, khách đang kinh doanh tại An Đông Plaza được giảm 5% giá trị hợp đồng.

Được biết, lợi tức từ cho thuê kiốt khá tốt, theo đó, chênh lệch giá thuê từ nhà đầu tư thứ cấp có thể gấp đôi so với giá từ chủ đầu tư đưa ra. Tuy nhiên, theo chia sẻ của một tiểu thương ở An Đông Plaza đã tham gia buổi giới thiệu kiốt thuộc Golden Plaza, việc bỏ tiền đầu tư vào các kiốt thương mại là cơ hội kiếm lời hấp dẫn nhưng không dành cho người "ngoại đạo". Bởi, nắm giữ cùng lúc nhiều kiốt nhưng không sang nhượng lại được, hay không tổ chức kinh doanh tốt thì sớm muộn cũng "dẹp tiệm".

Do vậy, những người sở hữu nhiều kiốt thường đã có không ít năm kinh doanh trong các trung tâm mua sắm, là những nhà cung cấp quần áo thời trang sỉ, lẻ và khá chuyên nghiệp, trong trường hợp không sang nhượng được tức thì họ có thể kiếm được mối cho thuê lại ngay hoặc để buôn bán, trưng bày các sản phẩm của chính họ sản xuất, cung cấp để mở rộng thêm nguồn khách đặt hàng dài hạn. Đó là chưa nói đến khả năng đánh giá tiềm năng "ăn nên làm ra" của một khu mua sắm về mặt dài hạn.

Liên quan đến vấn đề này, một tiểu thương kinh doanh tại Saigon Square 1 chia sẻ, nếu trung tâm này mang đến thành công cho các tiểu thương, nhà đầu tư thì Saigon Square 2 (từng được phát triển ở khu đất mặt tiền đường Tôn Đức Thắng, quận 1) đã không được như kỳ vọng, bởi lượng khách đến tham quan, mua sắm khá khiêm tốn. Nay, khu đất này trở thành showroom của một công ty nội thất cao cấp.

Hơn nữa, việc đầu tư vào kiốt thương mại, nếu so về tổng giá trị không thua kém số tiền nhà đầu tư bỏ vào một căn hộ, dao động từ 700 đến trên 1 tỷ đồng/kiốt, với thời hạn thanh toán khá ngắn, thường khách thuê sẽ phải thanh toán một lần sau khi ký thư đề nghị thuê (OTL).

Ngoài ra, để đảm bảo trung tâm mua sắm đi vào hoạt động nhộp nhịp, nhiều chủ đầu tư đã ra điều kiện khách thuê chỉ được quyền chuyển nhượng sau một năm trung tâm khai trương. Vì thế, đây không là "cuộc chơi" cho những ai muốn đầu tư "lướt sóng", hoặc phụ thuộc nhiều vào vốn vay ngân hàng.

Một tiểu thương ở trung tâm thời trang Hùng Vương Square (quận 5) nhìn nhận: "Nếu là người chưa hiểu về đầu tư mặt bằng dạng này, thay vì mang 1 tỷ đồng sang nhượng một kiốt để kiếm lời thì nên bỏ vào ngân hàng, vừa được lãi, vừa bảo toàn vốn".

>Khi trung tâm thương mại lên phố núi

>Trung tâm thương mại nhỏ: Làm nhỏ, ăn to

>BĐS: Nhắm đến phân khúc bình dân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trung tâm mua sắm bình dân: Đầu tư nhỏ, lợi tức lớn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO