NĐT Nhật Bản và chiến lược tránh tồn kho dự án BĐS

HẢI ÂU| 10/04/2015 08:30

Nhà đầu tư Nhật Bản bắt đầu quan tâm đến thị trường nhà ở tại Việt Nam và có triết lý đầu tư đặc biệt để tránh hàng tồn kho.

NĐT Nhật Bản và chiến lược tránh tồn kho dự án BĐS

Nhà đầu tư Nhật Bản bắt đầu quan tâm đến thị trường nhà ở tại Việt Nam nhưng vẫn còn khá thận trọng khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Đọc E-paper

Bước vào lĩnh vực nhà ở

Sau hai năm xây dựng, tòa nhà căn hộ SORA gardens 1 (2 tháp 24 tầng, cung cấp 406 căn hộ), thuộc khu đô thị vườn Tokyu 110ha (tại thành phố mới Bình Dương) đã hoàn thành, bàn giao căn hộ cho khách hàng.

Về tổng thể, khu căn hộ SORA gardens sẽ được phát triển theo 3 giai đoạn, với khả năng cung cấp hơn 1.500 căn hộ cùng nhiều hạng mục khác, như trung tâm thương mại, nhà phố vườn... Tính đến tháng 2/2015, đây là dự án bất động sản (BĐS) của Nhật Bản có vốn đầu tư cao nhất với 1,2/1,66 tỷ USD cam kết vào BĐS.

Xét ở tính chất đầu tư, sự xuất hiện của Tập đoàn Tokyu tại Bình Dương (đối tác liên doanh với Tổng công ty Becamex IDC trong Công ty TNHH Becamex Tokyu, đơn vị phát triển dự án) thời điểm 2011 được xem như mở đầu về đầu tư của Nhật Bản vào lĩnh vực nhà ở ở Việt Nam.

Trước đó, vào những năm Việt Nam mới mở cửa kêu gọi đầu tư nước ngoài, cùng với Hồng Kông và Singapore, nhà đầu tư (NĐT) Nhật Bản là một trong những người đi tiên phong vào khai phá thị trường BĐS nhưng khi đó, họ chủ yếu đầu tư vào thị trường khách sạn (3 - 4 sao tại TP.HCM) dưới hình thức liên doanh với đối tác trong nước.

Việc thoái vốn của nhiều doanh nghiệp (DN) Nhật giai đoạn từ năm 2000 trở đi đã đặt nhiều hoài nghi rằng, phải chăng NĐT Nhật đã không còn mặn mà với lĩnh vực BĐS ở Việt Nam?

Tuy sự trở lại với thị trường BĐS của NĐT Nhật không diễn ra ồ ạt nhưng xuất hiện ở hầu hết các lĩnh vực. Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư Công ty Savills Việt Nam, cho rằng, trong vài năm trở lại đây, NĐT Nhật Bản, Hàn Quốc và Hồng Kông thường khởi đầu cho những thương vụ đầu tư mới, mua bán - sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực BĐS, phân khúc khá đa dạng, từ cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại đến khách sạn...

Thực tế giao dịch trên thị trường cho thấy, NĐT Nhật Bản bắt đầu bước vào lĩnh vực nhà ở. Họ có thể đầu tư vốn vào dự án, mua cổ phần công ty hoặc phát triển các dự án mới. Song, nếu so với các NĐT đến từ Hồng Kông thì thường NĐT Nhật thận trọng hơn trong vấn đề ra quyết định.

Sự thận trọng của các nhà phát triển đến từ Nhật Bản minh chứng qua trường hợp của hai NĐT chiến lược của Công ty CP Đầu tư Nam Long trong dự án căn hộ Flora Anh Đào (Q.9, TP.HCM). Đây là dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng, trong đó, tỷ lệ góp vốn giữa hai bên là 50:50.

Với hai DN Nhật Bản, dù họ đều có kinh nghiệm hơn 100 năm đầu tư trong các lĩnh vực hạ tầng, logistics và hàng chục nghìn đơn vị nhà ở nhưng thương vụ hợp tác với Nam Long là chuyến "xuất ngoại" đầu tiên của hai "ông lớn" này.

Trao đổi với phóng viên Doanh Nhân Sài Gòn, ông Toshihiro Matsuo, Giám đốc Khối Kinh doanh nhà ở Công ty Nishi Nippon Railroad - một trong hai đối tác Nhật Bản đầu tư vào Flora Anh Đào, cho biết, Công ty đã có hơn 3 tháng tiếp xúc và tìm hiểu các đối tác trước khi chọn Nam Long.

Dù bản thân của DN là những nhà phát triển các khu đô thị mới nhưng trước mắt, Nishi Nippon Railroad mong muốn phát triển tốt một dự án có quy mô tương đối trước khi tìm những cơ hội lớn.

Hơn nữa, ông Toshihiro Matsuo cho biết thêm, thông qua Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Công ty cũng tìm hiểu thêm các dự án hạ tầng của TP.HCM nhưng đó sẽ là bước đi lâu dài tại thị trường Việt Nam.

Đại diện DN còn chia sẻ, sở dĩ họ chọn TP.HCM thay vì Hà Nội do nhu cầu về nhà ở của những người trẻ ở đây tăng mạnh. Ngoài ra, năm 2018, khi tuyến Metro đầu tiên Bến Thành - Suối Tiên hoàn thành sẽ càng tạo điều kiện cho thị trường nhà ở phát triển.

"Chúng tôi chủ yếu xây dựng các khu đô thị mới, điều kiện của TP.HCM khá phù hợp với chúng tôi. Đó là chưa kể đến việc TP.HCM gần Singapore và các quốc gia Đông Nam Á khác nên đây là cơ hội để Công ty đầu tư lẫn tìm hiểu trước khi bước vào thị trường khác", Toshihiro Matsuo nói.

"Nghi ngại" cho người Nhật

Qua những khoản đầu tư của DN Nhật gần đây vào thị trường BĐS Việt Nam có thể thấy, triết lý kinh doanh của họ không chỉ đơn thuần là xây dựng những đơn vị nhà ở, thu về lợi nhuận nhanh chóng.

Khi tiếp xúc với chúng tôi tại một hội thảo về nhà ở tại Bình Dương, ông Nakata Yasuyuki, Tổng giám đốc Công ty Becamex Tokyu chia sẻ, nhiều người nghi ngại vì sao Tokyu đầu tư lớn vào thành phố mới Bình Dương ở giai đoạn mọi thứ còn mới mẻ nhưng điều đó cũng giống như năm 1953, Tập đoàn đã mạnh dạn đầu tư khu đô thị TokyuTama Den-en Toshi với diện tích 5.000 ha nằm ở ngoại ô thủ đô Tokyo.

Sau hơn 60 năm, nơi đây đã trở thành khu đô thị hiện đại với khoảng 600.000 người sinh sống. Để làm được điều này, Tokyu đã thực hiện chính sách dịch chuyển dân cư, thông qua việc xây dựng nhiều tuyến đường nối trực tiếp từ khu đô thị mới vào khu vực trung tâm.

Tại Bình Dương, ông Nakata nhìn nhận, tầm nhìn của Công ty khi chọn Bình Dương làm nơi phát triển dự án là 10 năm nữa, khu vực thành phố mới sẽ thay đổi, đặc biệt khi các cơ quan nhà nước của tỉnh di chuyển vào đây.

Song song với lĩnh vực nhà ở, từ năm 2015, Công ty sẽ phát triển hạng mục thương mại, vui chơi giải trí để phục vụ cho cư dân sống tại đây, cũng như làm đòn bẩy kích thích sự tăng trưởng về mật độ dân số.

Đồng thời, Tokyu cũng nghiên cứu khả thi tuyến xe buýt nhanh nối thành phố. Mới Bình Dương đến Suối Tiên (Q.9) - cũng là điểm cuối của tuyến Metro số 1, bên cạnh tuyến xe buýt thành phố. Mới - TP.Thủ Dầu Một (khu vực trung tâm cũ) hiện đã đưa vào hoạt động.

Triết lý kinh doanh BĐS của một số NĐT Nhật khi đến Việt Nam được một nhà điều hành DN lớn trong nước đánh giá là rất bài bản. Bởi, vấn đề của đầu tư nhà ở không phải là chuyện DN đó làm được bao nhiêu dự án, bao nhiêu căn hộ mà là đằng sau việc mua - bán, xây dựng, đưa vào sử dụng sẽ có bao nhiêu người dọn về dự án định cư và nhà phát triển BĐS sẽ làm gì để giá trị của khu vực đó gia tăng.

Có như vậy mới tránh được tình trạng tồn kho căn hộ hoàn thiện, dự án xây xong bỏ hoang, gây lãng phí do không có hạ tầng kết nối và không có tiện ích sống tối thiểu phục vụ cư dân.

>Bất động sản được tặng, cho riêng là sở hữu riêng?
>Cổ phiếu bất động sản quá nóng
> Thị trường bất động sản: Sống chung với “sóng”
> Xả hàng tồn kho địa ốc: Con dao hai lưỡi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
NĐT Nhật Bản và chiến lược tránh tồn kho dự án BĐS
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO