Nhị nguyên (Dualism) là tác phẩm artbook thứ 5 của Dzũng Yoko, sau các sách ảnh: Day Dreamers, Going East, Love và Mindfulness. Chủ đề cuốn sách là một học thuyết triết học thừa nhận sự tồn tại độc lập của hai thực thể. Bằng ngôn ngữ hình ảnh và mỹ thuật, Dzũng Yoko mang đến cho người đọc một bữa tiệc thị giác đầy màu sắc, nhiều tầng nghĩa. Bài phỏng vấn của Hải Âu trong quyển sách, được sự đồng ý của tác giả, Doanh nhân Sài Gòn trích đăng.
* Tủ sách Dzung Yoko Artbook đã có đến quyển thứ 5. Hẳn năm 2020 đầy biến động ít nhiều trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo cho anh?
Đúng và không. Thật ra trong nhiều năm, tôi đã có những mảnh ý tưởng rời rạc cho dự án này nhưng chưa thể xâu chuỗi và gọi tên. Cảm giác ấy giống như nằm mơ, mình biết một câu chuyện đặc biệt đang diễn ra trong tiềm thức nhưng khó lòng kể lại được. Năm 2020 quả thật là một cú hích. Những sự kiện chấn động xảy ra trên khắp thế giới và trong cuộc sống riêng đã tác động mạnh mẽ lên mạch tư duy của tôi. Từ đó, tôi mới có thời gian và tâm thế để phác thảo thành hình bức tranh Nhị Nguyên.
"Biết mở lòng, nhìn thoáng ra một chút sẽ thấy mình trước nhất có thể vị tha với đời, sau đó là vị tha với chính bản thân" - nghệ sĩ Dzũng Yoko |
* Nếu ví cuộc đời như một sợi dây căng, 2020 hẳn là khoảng chùng. Với nhiều khó khăn khách quan và chủ quan, động lực nào giữ cho anh quyết tâm thực hiện được quyển sách lần này?
Đúng là năm 2020 có nhiều áp lực, nhưng nhờ vậy tôi càng thêm biết ơn tình cảm và sự ủng hộ của những người luôn sát cánh bên mình. Vì ảnh hưởng của dịch bệnh, tiến trình sản xuất bị ngắt quãng vài lần. Tuy nhiên ekip thực hiện vẫn không quản gian nan, quyết tâm cùng tôi làm cho xong thì thôi. Ra mắt sách vừa là lời hứa với bản thân tôi vừa là cam kết với mọi người.
Ở đây, tôi phải đặc biệt gửi lời cảm ơn tới người mẫu - doanh nhân Tăng Thanh Hà vì không chỉ gật đầu tham gia mà còn khích lệ tinh thần tôi trong những giai đoạn khó khăn. Tăng Thanh Hà đã lui về với cuộc sống riêng và rất ít khi xuất hiện trước công chúng. Được đồng hành cùng cô trong dự án này hẳn là cái duyên rất lớn mà tôi may mắn có được. Nếu nghĩ theo cách ấy, 2020 còn là một năm kỳ diệu đấy chứ!
Nghệ sĩ Dzũng Yoko trong quá trình sáng tạo |
* Anh có thể chia sẻ rõ hơn về ý nghĩa Nhị Nguyên và cách biểu đạt khái niệm này qua nội dung hình ảnh?
Tôi không dám nhận mình là chuyên gia về thuyết Nhị Nguyên, nhưng qua những gì tôi đã hiểu, đây thật sự là chủ đề đáng suy ngẫm. Cũng như đa số con người, tôi từng mang tư tưởng thiện/ác phân minh, chủ thể/khách thể rạch ròi. Mãi về sau tôi mới nhận ra chính lối tư duy phân biệt trắng/đen này làm mình khổ, bởi làm gì có con người hay cuộc đời nào hoàn hảo? Mình tự khổ tâm mà cứ tưởng người khác làm khổ mình. Biết mở lòng, nhìn thoáng ra một chút sẽ thấy mình trước nhất có thể vị tha với đời, sau đó là vị tha với chính bản thân.
Tôi nghĩ tâm hồn con người cũng như một vầng trăng. Có lúc sáng và tối, nhưng trăng vẫn là trăng. Khi thực hiện dự án Nhị Nguyên, hình ảnh mặt trăng nhiều lần xuất hiện trong giấc mơ tôi. Cầm cuốn artbook Nhị Nguyên trên tay, tôi nghĩ độc giả sẽ không khó nhận ra thông điệp Dzũng Yoko muốn truyền tải. Tôi gửi gắm tâm tư về Nhị Nguyên trong từng con số, bố cục, màu sắc, ánh sáng. Tôi kể câu chuyện này bằng cả cấu trúc lẫn nội dung.
Nghệ sĩ Dzũng Yoko (phải) và chuyên gia trang điểm Tùng Châu |
* Điều quý giá nhất dự án Nhị Nguyên mang lại cho anh là gì?
Dự án này để lại cho tôi nhiều chiêm nghiệm sâu sắc, nhưng điều đáng kể nhất là cơ hội để học cách yêu cái đối lập với mình. Qua đó, tôi giảng hòa với cuộc sống và tìm được bình yên nội tại. Từ nhận thức đến tuệ giác còn xa, nhưng ít nhất tôi vui vì mình đã khởi hành.
* Ra mắt sách ảnh mới hàng năm, anh có sợ sức sáng tạo bị vắt kiệt không? Dự định kế tiếp của anh là?
Làm sách ảnh với tôi không chỉ là công việc, mà còn là một cách giải thoát tâm hồn và tự chữa lành. Tôi đang được thỏa sức dạo chơi với niềm đam mê của mình, vậy nên áp lực không hề tồn tại. Những biến cố của năm 2020 thực ra lại là điểm khởi nguồn ý tưởng cho tác phẩm tiếp theo. Do tình hình dịch bệnh trên thế giới, tôi dành thời gian cho du lịch trong nước nhiều hơn. Những chuyến đi thanh lọc tâm trí khiến tôi càng thêm trân quý vẻ đẹp của non sông gấm vóc Việt Nam. Không đâu đẹp bằng quê hương mình - đây sẽ là thông điệp chính trong dự án Dzung Yoko Artbook tiếp theo.
Dzũng Yoko và Tăng Thanh Hà - nàng thơ của cuốn artbook "Nhị Nguyên" |
* Theo anh, đâu là ưu thế và thách thức cho những người chọn kể chuyện nghệ thuật bằng nhiếp ảnh thời trang?
Yếu tố thị giác là thế mạnh của ảnh thời trang, nhưng đồng thời, đây cũng là hạn chế. Để chinh phục được phần “nhìn” ấy, phẩm chất bắt buộc phải có ở người làm thời trang là duy mỹ, kế tiếp là kiến thức. Thời trang là một phạm trù rộng lớn, với lịch sử sống động và lâu đời. Chọn lối rẽ này, nếu mình không ngừng học hỏi và cập nhật mỗi ngày sẽ khó lòng tiến xa.
Bên cạnh đó, đặc thù ngành đòi hỏi người làm sáng tạo phải đáp ứng nhiều điều kiện cần và đủ khác. Có một cái khó không thể phủ nhận, công việc nhiếp ảnh thời trang rất dễ bị định kiến là tôn vinh vẻ đẹp thuần túy hình thức và đôi khi, thương mại. Người nghệ sĩ cần có tình yêu và hiểu biết đầy đủ về công việc của mình, từ đó mới kể được câu chuyện bằng hình giàu sức thuyết phục.
Với tôi, nhiếp ảnh thời trang là một bộ môn nghệ thuật phối hợp. Quá trình sản xuất có sự hiện diện của nhiều người làm sáng tạo ở những lĩnh vực khác nhau. Tôi trân trọng thời trang như một loại hình nghệ thuật và muốn góp phần xóa bỏ những định kiến về ngành.
Cảm ơn anh đã chia sẻ!