Năm nay, dòng tiền có tiếp tục chảy mạnh vào bất động sản?

P.V| 14/02/2022 06:00

Năm 2021, nợ vay bất động sản gần 700.000 tỷ đồng, các doanh nghiệp địa ốc phát hành 214.440 tỷ đồng trái phiếu... Năm nay, dòng tiền có tiếp tục chảy mạnh vào bất động sản và có những biến số nào tác động đến giá nhà đất?

Năm nay, dòng tiền có tiếp tục chảy mạnh vào bất động sản?

Theo thông tin về tình hình thị trường bất động sản (BĐS) 2021 vừa được Bộ Xây dựng công bố, tính đến 30/11/2021 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS đạt 690.075 tỷ đồng. Các chuyên gia ngành ngân hàng cho rằng, tỷ lệ dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS trong tổng dư nợ tín dụng (hiện khoảng 7%) vẫn trong ngưỡng an toàn.

Về tình hình phát hành trái phiếu, Bộ cho biết, các doanh nghiệp (DN) BĐS năm ngoái đã phát hành 214.440 tỷ đồng trái phiếu, tương đương hơn 9 tỷ USD, gấp 3 lần so với năm trước đó (71.000 tỷ đồng).

Lãi suất phát hành trái phiếu dao động trong 8 - 13%/năm. Tổng giá trị phát hành của nhóm DN BĐS chiếm 36% tổng giá trị phát hành trái phiếu DN. Trong đó, khoảng 29% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu.

Theo Bộ Xây dựng, việc nhiều DN BĐS chuyển sang huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, lượng phát hành với quy mô lớn, lãi suất cao, không có tài sản bảo đảm tiềm ẩn rủi ro cho thị trường.

Về vốn FDI rót vào BĐS, Bộ Xây dựng dẫn số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, tính đến ngày 20/12/2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam năm ngoái đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, BĐS đứng thứ 3 với hơn 2,6 tỷ USD (chiếm 8,3%). So với năm trước đó thì dòng vốn đổ vào BĐS giảm khoảng 1,6 tỷ USD.

Bắt mạch dòng tiền năm 2022

Theo dự báo của Tổng giám đốc Colliers Việt Nam David Jackson, có nhiều lực đẩy chính cho thị trường trong thời gian tới, gồm hàng loạt chính sách hỗ trợ về pháp lý BĐS, dòng vốn FDI dồi dào vào Việt Nam, nhu cầu nhà ở tăng và chủ trương đẩy mạnh đầu tư công.

"Năm 2022 sẽ là một năm chứng kiến nguồn tiền lớn đổ vào BĐS ở tất cả phân khúc. Nguồn tiền này đến từ các nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư chuyên nghiệp và nhóm nhà đầu tư cá nhân", ông Jackson nhận xét.

Bất động sản khu Đông TP HCM tháng 2/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Bất động sản khu Đông TP HCM tháng 2/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Chia sẻ tại Hội nghị BĐS Việt Nam (VRES 2021), Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn Kế toán Tài chính, EY Đông Dương Lê Vũ Trường nói: "Việc IPO và huy động vốn trên sàn chứng khoán thời gian tới sẽ là xu thế tất yếu. Bởi nếu nhìn vào nền kinh tế vĩ mô, các chính sách liên quan đến việc cho vay hay phát hành trái phiếu sẽ ngày càng chặt chẽ hơn và kênh huy động này sẽ càng ngày càng khó khăn hơn".

Song theo ông Trường, việc IPO có đem lại hiệu quả hay không sẽ phụ thuộc vào sự chuẩn bị của bản thân DN BĐS. Đây sẽ là một kênh huy động vốn cực kỳ tốt nếu DN chuẩn bị tốt. Bởi khi đã lên sàn nghĩa là mọi thứ đều phải minh bạch, các thông tin của DN tới nhà đầu tư đều phải rõ ràng.

Trong khi đó, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, TS. Cấn Văn Lực nhận xét nguồn vốn trên thị trường BĐS năm qua vẫn rất tích cực. Với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội 2 năm tới, Chính phủ và Quốc hội đang họp bàn để thống nhất có một gói khoảng 60.000 – 65.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở. 

Theo ông Lực, đây sẽ là một cú huých rất tốt với mức lãi suất tương đối ưu đãi, có thể thấp hơn thị trường hiện nay khoảng 3 - 4%. Cũng theo vị chuyên gia, thị trường vốn của Việt Nam đang trên đà tăng trưởng. Trái phiếu DN cũng phải triển mạnh và DN cũng đã đa dạng hóa nguồn vốn huy động của mình cả ở trong và ngoài nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Năm nay, dòng tiền có tiếp tục chảy mạnh vào bất động sản?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO