Mua chung “lách luật” và rủi ro bất ổn xã hội

Lâm Hà| 16/03/2023 01:00

Nhiều ý kiến cho rằng, quy định về việc đồng sở hữu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang tạo ra những hậu quả và hệ lụy với không chỉ thị trường bất động sản mà còn là sự ổn định xã hội.

Mua chung “lách luật” và rủi ro bất ổn xã hội

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi. Trong đó, vấn đề giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) ghi tên hộ gia đình và việc thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng và nhiều người sử dụng chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất đang nhận được nhiều ý kiến. 

Chia sẻ tại chương trình "Cafe với Doanh Nhân Sài Gòn" do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức, ThS-LS. Nguyễn Thanh Đạm bàn về nội dung ghi tên tất cả thành viên hộ gia đình vào "sổ đỏ", "sổ hồng", cho rằng đó là điều cần thiết, bởi giúp hạn chế những tranh chấp quyền lợi về sau.

"Việc các thành viên trong gia đình đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bởi còn phụ thuộc vào quy định của pháp luật về dân sự, về cư trú. Tuy nhiên, do sự chưa thống nhất và hệ thống pháp luật hiện nay thường thay đổi, khái niệm về hộ gia đình trong Luật Dân sự, Luật Cư trú cũng khác nhau và trong Luật Đất đai cũng vậy. Vì vậy, quan điểm của tôi là nếu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình thì nên liệt kê tất cả thành viên tại thời điểm cấp giấy để tránh trường hợp tranh chấp về sau", ông Đạm lý giải.

Link bài viết

Thông thường, để xác định hộ gia đình, trước đây thường căn cứ vào sổ hộ khẩu nhưng nhân khẩu trong hộ khẩu có thể tách, nhập nên không thể ổn định. Hiện nay, sổ hộ khẩu đã bỏ, cùng với việc dân cư tự do di chuyển, cư trú, trong trường hợp dữ liệu dân cư không cập nhật kịp thời sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định thành viên trong gia đình để ghi vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Vì vậy, bên cạnh ý kiến đồng thuận vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng việc ghi tên tất cả thành viên hộ gia đình vào sổ đỏ, sổ hồng là không cần thiết và gây ra nhiều bất cập cho quá trình chuyển nhượng bất động sản.

"Tôi cho rằng việc ghi tên tất cả thành viên hộ gia đình vào sổ đỏ, sổ hồng sẽ là lợi bất cập hại. Về lâu dài, khi sổ đỏ, sổ hồng ghi tên tất cả thành viên gia đình sẽ gây sự trở ngại về giao dịch, thế chấp, mua bán, chuyển nhượng. Đơn cử, trong trường hợp có một người con đi làm việc hay du học ở nước ngoài, việc giao dịch hợp pháp đối với thửa đất là vô cùng khó khăn", chuyên gia Nguyễn Duy Thành nêu ý kiến.

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này không đề cập đến vấn đề thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng và nhiều người sử dụng chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất được quy định tại Khoản 2 Điều 98 Luật Đất đai 2013, nhưng nhiều ý kiến cho rằng cần có sự thay đổi ở nội dung này, bởi trên thực tế quy định này có nhiều bất cập.

Về vấn đề này, ThS-LS. Nguyễn Thanh Đạm cho rằng, việc nhiều người không cùng quan hệ về hôn nhân, huyết thống, hay được nuôi dưỡng đứng tên cùng một thửa đất sẽ gây ra những hệ lụy, gây bất ổn xã hội và ảnh hưởng đến quy hoạch tổng thể. ThS-LS. Nguyễn Thanh Đạm nói thêm: "Hiện tại, nhiều tỉnh, thành đã đưa ra hạn mức tách thửa bởi có trường hợp không đủ điều kiện để đứng tên nhận chuyển nhượng thửa đất lớn nên chọn cách đứng tên chung. Nhưng điều này cũng để lại những hệ lụy như tính thanh khoản, tự ý phân chia nhỏ thửa đất không được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền, làm ảnh hưởng đến quy hoạch về sau".

Ở góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Duy Thành cho rằng việc nhiều người không cùng quan hệ về hôn nhân, huyết thống, hay người được nuôi dưỡng đứng tên cùng một thửa đất là một phần nguyên nhân gây ra hiện tượng "sốt đất", gây bất ổn xã hội. Do đó, cần có sự thay đổi ở quy định này trong Luật Đất đai sửa đổi. Bởi một trong những nguyên nhân gây ra sốt đất là việc đầu cơ, mua chung, nhóm mua, từ đó có những biến tướng, lách luật. Trong quá trình chuyển nhượng, việc có quá nhiều cá nhân đứng tên chung một thửa đất sẽ rất khó có sự đồng thuận, từ đó có thể xảy ra tranh chấp, gây bất ổn xã hội. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mua chung “lách luật” và rủi ro bất ổn xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO