Khơi dậy tiềm năng bất động sản khu tây bắc TP.HCM

HẢI ÂU| 12/03/2017 06:59

Một số nhà đầu tư lớn đang ngỏ ý đầu tư vào các quận, huyện thuộc khu tây bắc TP.HCM (huyện Củ Chi, Hóc Môn, quận 12)...

Khơi dậy tiềm năng bất động sản khu tây bắc TP.HCM

Việc một số nhà đầu tư lớn ngỏ ý đầu tư vào các quận, huyện thuộc khu tây bắc TP.HCM (huyện Củ Chi, Hóc Môn, quận 12) được kỳ vọng sẽ làm cho thị trường bất động sản nơi đây nhộn nhịp trong thời gian tới.  

Đọc E-paper

Hạ tầng đi trước

Mới đây, thông tin từ Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, Văn phòng Thành ủy đã có văn bản thông báo kết luận của Bí thư Đinh La Thăng tại buổi làm việc của Thường trực Thành ủy, UBND TP.HCM với Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh (thuộc Tập đoàn Tuần Châu) về việc đầu tư xây dựng khu đô thị tại huyện Củ Chi và một số khu vực khác trên địa bàn TP.HCM.

Theo đó, các công trình mà tập đoàn này dự kiến triển khai bao gồm thành phố mới New City tại huyện Củ Chi, đại lộ ven sông Sài Gòn (nối huyện Củ Chi và quận 1), hồ cảnh quan trung tâm thành phố mới tại Củ Chi, Sài Gòn Marina City, cảng hải sản Cần Giờ.

Đáng chú ý trong số này, những công trình có quy mô lớn là New City diện tích khoảng 15.000ha, đại lộ ven sông Sài Gòn và cảng hải sản Cần Giờ.

Nhìn nhận về ý định đầu tư này, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA đánh giá cao dự án đại lộ ven sông Sài Gòn (kết nối với quốc lộ 22 và tỉnh lộ 8) và xem đây là con đường tạo nên bước đột phá cho khu đô thị tây bắc TP.HCM, bởi khi hoàn thành, từ Củ Chi về các quận trung tâm chưa đầy 40 phút.

Đại lộ ven sông Sài Gòn có ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối trục giao thông bắc - nam của Thành phố và là cầu nối các quận, huyện vùng ven đô với các tỉnh lân cận. Đại diện Tập đoàn Tuần Châu cho biết, đại lộ ven sông Sài Gòn có chiều dài khoảng 61km, nối từ cầu Bến Súc, chạy dọc theo sông Sài Gòn về điểm cuối là ngã ba Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi, đi qua huyện Củ Chi, Hóc Môn, quận 12, Bình Thạnh, quận 1.

Theo tính toán, khi đại lộ này hoàn thành (sau 18 tháng xây dựng) sẽ tạo ra điểm nhấn cho TP.HCM và tạo ra quỹ đất có giá trị dọc theo con đường có diện tích gấp 15 lần diện tích khu đô thị Phú Mỹ Hưng và Thủ Thiêm cộng lại.

>>Chọn khu nam hay tây bắc TP.HCM?

Với quy mô này, nơi đây sẽ hình thành một trung tâm đô thị mới thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu, đáp ứng việc giãn dân, giải tỏa một phần ùn tắc giao thông. Theo đó, đô thị thông minh tại Củ Chi với cơ sở hạ tầng đồng bộ sẽ hình thành nên các khu nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có đầy đủ tiện ích, tạo việc làm cho người dân.

Hiện tại, Tập đoàn Tuần Châu đã có các đối tác chiến lược để cùng xây dựng các công trình kể trên đúng tiến độ. Tại lễ tổng kết hoạt động năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017, Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh cho biết, một trong những mục tiêu trọng điểm của năm nay là ngoài những khu du lịch ở phía Bắc, tại TP.HCM sẽ có 2 công trình lớn, đó là khu cảng và dân cư Cần Giờ 2.000 ha và khảo sát, lập dự án khu vui chơi giải trí Củ Chi.

Cùng với Tuần Châu, trong cuộc "Nam tiến" của một số doanh nghiệp bất động sản phía Bắc có thể kể đến Vingroup. Bên cạnh những khu nghỉ dưỡng ở Phú Quốc, tại TP.HCM, tập đoàn này đang xây dựng khu đô thị Vinhomes Central Park (quận Bình Thạnh) và Vinhomes Golden River (quận 1).

Vingroup cũng trong quá trình triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng Công viên Sài Gòn Safari 485ha tại xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng, Củ Chi với tổng vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD. Đây là dự án mà năm 2004 UBND TP.HCM đã giao cho Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên nhưng mãi không được thực hiện nên năm rồi, trước đề xuất của Vingroup, Thành phố đã giao tập đoàn này nghiên cứu đầu tư.

Thêm nữa, trong chiến lược xây dựng chuỗi bất động sản đại chúng mang thương hiệu VinCity của Vingroup dành cho người có thu nhập trung bình, Củ Chi cũng là một trong những địa điểm được nhắm đến.

"Làn sóng" đầu tư thứ hai?

Việc các tập đoàn lớn gần đây đổ dồn về khu tây bắc TP.HCM có thể được xem như làn sóng đầu tư thứ hai. Bởi trước khi thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng (giữa năm 2008 - 2013), khu vực này cũng đã đón nhiều nhà đầu tư lớn, như Tập đoàn Berjaya (Malaysia) với dự án khu đô thị đại học quốc tế thuộc địa bàn xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, quy mô trên 900 ha và tổng vốn đầu tư 3,5 tỷ USD. Hiện, dự án này đang được xem xét để thu hồi giấy phép đầu tư.

Hay Công ty TNHH Phát triển GS Củ Chi (thuộc Tập đoàn GS, Hàn Quốc) đầu tư sân golf, biệt thự 200ha tại xã Tân Thông Hội, đến năm 2012, nhà đầu tư này đã chuyển nhượng 95% cổ phần cho C.T Group (Việt Nam) với giá 24 triệu USD.

Sau khi được chuyển nhượng, sân golf 36 lỗ này đã được triển khai và đổi tên thành Léman Golf - sân Golf Nhân sư và khu villas. Theo chia sẻ của C.T Group, cùng với việc tiếp tục triển khai công trình này, năm 2017, Tập đoàn sẽ bắt tay vào một dự án khác tại Củ Chi với quy mô 110ha gồm nhiều hạng mục như biệt thự, công viên.

Với sự tham gia của nhiều nhà phát triển bất động sản lớn, khu tây bắc TP.HCM liệu có là điểm nóng của thị trường trong thời gian sắp tới? Về vấn đề này, theo ông Lê Hoàng Châu, hiện đã có nhà đầu tư "nhòm ngó” vào những khu vực tiềm năng ở Củ Chi, nên dĩ nhiên, về mặt tâm lý, bất động sản sẽ tăng giá sau những thông tin liên quan đến sự có mặt của các doanh nghiệp lớn.

Song, việc tăng ra sao, tăng đến đâu, cụ thể ở những khu vực nào thì còn phải chờ vào những tín hiệu từ các công trình hạ tầng kết nối vì hạ tầng luôn là đòn bẩy kích thị trường bất động sản.

>>TP.HCM đón làn sóng đầu tư mới từ Mỹ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khơi dậy tiềm năng bất động sản khu tây bắc TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO