Chuyện từ Hồ Tràm Strip

ĐỖ HẢI| 21/11/2012 08:28

Đầu năm 2013, giai đoạn 1 của dự án 4,2 tỷ USD Hồ Tràm Strip sẽ chính thức đi vào khai thác, ngược lại, hàng chục dự án khác vẫn ở thế chờ "ngày mai trời lại sáng".

Chuyện từ Hồ Tràm Strip

Đầu năm 2013, giai đoạn 1 của dự án 4,2 tỷ USD Hồ Tràm Strip sẽ chính thức đi vào khai thác, ngược lại, hàng chục dự án khác vẫn ở thế chờ "ngày mai trời lại sáng".

Đọc E-paper


Khu "trò chơi có thưởng" sắp khai cuộc

Dù tình hình kinh tế thế giới chưa thoát khỏi cảnh khó khăn, nhiều dự án bất động sản (BĐS) vẫn còn "ngủ đông" nhưng chủ đầu tư dự án BĐS du lịch Hồ Tràm Strip khẳng định, giai đoạn 1 (thuộc vùng 1, có tên gọi là MGM Grand Hồ Tràm Beach) của dự án này sẽ hoạt động vào đầu 2013 như cam kết trước đó.

Ông Lloyd Nathan, Giám đốc Điều hành Asian Coast Development Limited (ACDL), Canada, chủ đầu tư dự án cho biết, giai đoạn 1 sẽ bao gồm một khách sạn 5 sao 19 tầng với 541 phòng, một khu giải trí, trung tâm hội nghị hiện đại, hệ thống nhà hàng đẳng cấp thế giới, khu vực dành cho giới trẻ, và hàng loạt các tiện nghi giải trí khác... đang hoàn thiện.

Tòa tháp khách sạn thứ 2 của MGM Grand Hồ Tràm Beach với 559 phòng (giai đoạn 2) cũng vừa được khởi công xây dựng; sân golf 18 lỗ do Greg Norman thiết kế (nằm đối diện khu nghỉ dưỡng) hiện đang được triển khai xây dựng và dự kiến sẽ khai trương đúng tiến độ vào năm 2013.

Song, điều đáng quan tâm là trong năm tới, tại MGM Grand Hồ Tràm Beach sẽ xuất hiện khu trò chơi có thưởng hay nói đúng hơn là khu casino (chỉ dành cho khách nước ngoài), 5.800m2.

Cũng cần phải nói thêm, tổng diện tích khu trò chơi có thưởng của toàn dự án Hồ Tràm Strip lên đến 13.600m2, trong đó, bao gồm một khu của MGM Grand Hồ Tràm Beach và phần diện tích còn lại là của Công ty Pinnacle Entertainment, đối tác đầu tư 95 triệu USD vào ACDL.

Bên cạnh khu giải trí còn có trung tâm mua sắm (chiếm khoảng 350m2, giai đoạn 1), được chia thành 4 khu vực, trong đó có trung tâm mua sắm cao cấp và một khu vực MGM Grand Sundry. "Hiện chúng tôi đã có khách thuê kinh doanh cho tất cả các khu vực mua sắm này", ông Lloyd tiết lộ.

Việc hoàn thành và khai trương một phần khu Hồ Tràm Strip chỉ là phần mở đầu, điều quan trọng là trong giai đoạn hiện nay, chủ đầu tư sẽ làm gì để "kéo" du khách đến và sử dụng các dịch vụ của họ?

Liên quan đến vấn đề trên, trong lần gặp gỡ báo chí vào ngày 7/12/2011, Đại diện ACDL cho biết, họ và nhà quản lý MGM Hospitality đã lên kế hoạch quảng bá dự án.

Theo đó, trước khi dự án đi vào hoạt động từ 5 - 6 tháng, họ sẽ làm việc với các đơn vị tổ chức tour trong và ngoài nước, cũng như các nhánh của MGM trên toàn cầu, tiếp thị dự án tại Hồng Kông, Singapore, Đài Loan và Jarkata. Phía ACDL cho biết, MGM vừa tung ra một chiến dịch marketing quy mô quốc tế, nhắm đến lượng khách hàng mục tiêu trên toàn cầu để quảng bá hình ảnh Hồ Tràm:

"Du khách đến Việt Nam sẽ thấy một số hình ảnh MGM Grand Hồ Tràm Beach sống động như một "Las Vegas tại Việt Nam" trong thời gian đợi hành lý tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, TP.HCM".

... Và các dự án "ngủ đông"

4,8 tỷ USD

Tính đến tháng 6/2012, huyện Xuyên Mộc có hơn 60 dự án BĐS du lịch có tổng diện tích trên 1.848ha, với tổng vốn đăng ký 9.472 tỷ đồng (khoảng 4,8 tỷ USD). Tuy nhiên, con số giải ngân mới chỉ đạt trên 1.400 tỷ đồng và 177,9 triệu USD.

Trong khi dự án BĐS du lịch lớn nhất khu vực phía Nam đang tiến dần đến ngày "ra mắt" thì hàng loạt dự án du lịch nghỉ dưỡng trong cùng khu vực hoặc lân cận không gặp được "vận may" như thế.

Hàng loạt dự án nằm dọc theo đường ven biển 44A (nối thị xã Bà Rịa với thị xã Lagi, tỉnh Bình Thuận), thuộc địa phận thị trấn Long Hải, khu vực Hồ Tràm của nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn trong tình trạng "án binh bất động".

Hàng rào bao quanh dự án và bảng giới thiệu dự án dựng cách đây 3 - 4 năm đều đã bạc màu. Trong hai năm qua, cũng có 1 - 2 dự án tại thị trấn Long Hải giới thiệu sản phẩm ra thị trường nhưng tính thanh khoản không như mong muốn.

Trong khi đó, ngoài những khu nghỉ dưỡng Anoasis, Tropicana, Ho Tram Beach Resort & Spa, Sanctuary Hồ Tràm... đã đi vào hoạt động khá lâu thì nhiều khu được cấp phép từ năm 2008 đến nay, chưa có khu nào đi vào hoạt động.

Đáng kể nhất là khu vực huyện Xuyên Mộc, đây là địa bàn có nhiều dự án BĐS nghỉ dưỡng so với Long Hải hay TP.Vũng Tàu. Theo Sở Kế hoạch-Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tính đến tháng 6/2012, huyện Xuyên Mộc có hơn 60 dự án BĐS du lịch có tổng diện tích trên 1.848ha, với tổng vốn đăng ký 9.472 tỷ đồng và khoảng 4,8 tỷ USD.

Tuy nhiên, con số giải ngân mới chỉ đạt trên 1.400 tỷ đồng và 177,9 triệu USD. Việc giải ngân chậm không chỉ xuất phát từ những khó khăn chung về tài chính mà còn nằm ở khâu phê duyệt và giải phóng mặt bằng.

Số lượng dự án nhiều nên việc lặp lại "vết xe đổ” của Phan Thiết là chuyện khó tránh khỏi. Tình trạng "chia 5 xẻ 7" thể hiện rõ nhất trong cơ cấu nhà đầu tư và quy mô của các dự án.

Theo đó, phần lớn các dự án có diện tích từ 2 - 6ha và thuộc quyền sở hữu của các nhà đầu tư trong nước. Riêng 5 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đều có diện tích tương đối lớn.

Khi Hồ Tràm Strip đi vào hoạt động, đã có không ít ý kiến lo ngại rằng, trong tương lai, nếu nhà đầu tư nước ngoài, với kinh nghiệm quốc tế và tiềm lực tài chính sẽ đưa các dự án lớn như Hồ Tràm Strip với đầy đủ các tiện ích đi vào hoạt động, liệu các chủ đầu tư trong nước có đủ sức để cạnh tranh?

Song, ở đây, vai trò lớn nhất vẫn là các cơ quan quy hoạch và quản lý (thẩm định, cấp phép), bởi việc cấp quá nhiều dự án có quy mô nhỏ không chỉ "xé nát" không gian du lịch (cũng như Phan Thiết, nhiều dự án được cấp phép năm 2004, chủ đầu tư phân lô, bán nền cách đây 3 năm nhưng đến nay, các hạng mục dự án vẫn chưa hoàn chỉnh), mà còn xảy ra chuyện giao dự án cho nhà đầu tư không đủ năng lực. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chuyện từ Hồ Tràm Strip
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO