Cần cơ chế đặc thù khi sắp xếp đơn vị hành chính

DUY QUANG| 27/07/2018 08:28

Bộ Nội vụ cùng các bộ, ngành liên quan đã xây dựng dự thảo Đề án Tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã từ nay đến năm 2021, lấy ý kiến các bộ, ban, ngành trung ương và các địa phương trên cả nước.

Cần cơ chế đặc thù khi sắp xếp đơn vị hành chính

TP.HCM nhìn từ trên cao. Ảnh: Hoàng Dũng

Căn cứ Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" và các số liệu tổng hợp từ địa phương, Bộ Nội vụ cùng các bộ, ngành liên quan đã xây dựng dự thảo Đề án Tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã từ nay đến năm 2021, lấy ý kiến các bộ, ban, ngành trung ương và các địa phương trên cả nước.

Mục tiêu của Đề án là đến năm 2021 thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên; từ năm 2022 đến năm 2030, cơ bản hoàn thành việc thu gọn các đơn vị hành chính cấp huyện, xã theo tiêu chuẩn quy định.

Bên cạnh đó, Đề án cũng dự kiến tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc trung ương có quy mô dân số từ 1,5 triệu người trở lên, diện tích tự nhiên từ 1.500km2 trở lên; quận có quy mô dân số từ 150.000 người trở lên, diện tích tự nhiên từ 35km2 trở lên, phường có 15.000 dân trở lên, diện tích tự nhiên từ 5,5km2 trở lên.

Link bài viết

Theo đề án của Bộ Nội vụ, TP.HCM sẽ có 3/24 quận - huyện và 128 phường phải sắp xếp (xã không có) và đây là số lượng khá lớn. Theo ông Trương Văn Lắm - Giám đố Sở Nội vụ TP.HCM, tiêu chí của Đề án đặt ra là phường có diện tích tự nhiên từ 5,5km2 trở lên, nhưng Thành phố có quận diện tích chỉ đạt 5km2 nhưng dân số lại rất lớn. Vì vậy, ông kiến nghị cần tính đến đặc thù này.

TP.HCM cũng sẽ khó đảm bảo tiến độ đến năm 2021 phải hoàn thành việc sắp xếp quận, huyện, phường, xã. Từ nay đến cuối năm 2019 đầu 2020, TP.HCM sẽ chọn một vài đơn vị để thực hiện thí điểm, tập trung những đơn vị không đạt 2 tiêu chí.

Việc điều chỉnh về địa chỉ cũng nên thực hiện một lần, bởi khi đã sắp xếp phường, sau đó đến sắp xếp quận sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến người dân. Việc điều chỉnh địa chỉ nhà ở đồng nghĩa với hàng loạt thay đổi trên các giấy tờ liên quan, gây ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân.

Đồng tình với quan điểm của ông Trương Văn Lắm, ông Trần Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng việc sắp xếp, sáp nhập theo quan điểm là phải thực hiện đúng tiêu chuẩn, song có tính đến đặc thù của từng địa phương, có yếu tố vùng miền chứ không máy móc.

Theo đó, một đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có một trong 2 tiêu chuẩn diện tích tự nhiên hoặc dân số không đạt 50% theo quy định nhưng tiêu chuẩn còn lại đạt từ 150% thì chưa xem xét sắp xếp, sáp nhập.

Ví dụ, ở một số khu vực đô thị có vài quận, phường không đạt 50% về tiêu chuẩn diện tích tự nhiên nhưng dân số cao hơn rất nhiều như quận Ba Đình (Hà Nội), quận 1 (TP.HCM), phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), phường Tân Quý (quận Tân Phú, TP.HCM) hoặc các tỉnh miền núi, diện tích mỗi huyện, mỗi xã thì rất rộng nhưng dân số thì không nhiều, nếu chỉ căn cứ trên tiêu chuẩn diện tích và dân số mà sáp nhập sẽ không phù hợp, gây khó khăn cho người dân và trở ngại trong công tác quản lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần cơ chế đặc thù khi sắp xếp đơn vị hành chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO