Bất động sản: Các phân khúc đều giảm cung cầu

Minh Nhi| 30/04/2020 06:00

Quý I/2020, nguồn cung và sức cầu của hầu hết phân khúc bất động sản đều xuống mức thấp nhất kể từ năm 2015 đến nay.

Bất động sản: Các phân khúc đều giảm cung cầu

Cung cầu đều giảm sâu

Theo DKRA Việt Nam, trong quý I/2020, toàn thị trường có 7 bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng được mở bán, cung ứng khoảng 1.547 căn hộ, giảm 70% nguồn cung so với quý trước và giảm 47% so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ tiêu thụ nguồn cung mới đạt 74% (khoảng 1.146 căn), giảm đến 74% so với quý trước. Quý I cũng là quý ghi nhận nguồn cung BĐS nghỉ dưỡng mới và lượng tiêu thụ thấp nhất kể từ năm 2015 đến nay.

Ở phân khúc nhà phố và biệt thự, nguồn cung mới giảm nhẹ. Toàn thị trường có 8 khu nhà được mở bán, cung ứng khoảng 718 căn hộ, giảm 9% so với quý trước, tỷ lệ tiêu thụ chỉ đạt 50% nguồn cung. Đối với nhà phố, biệt thự, nguồn cung mới có thể giảm trong quý II/2020, dao động ở mức 400-500 căn, tập trung ở một số BĐS có quy mô lớn. 

Cũng theo DKRA, ở phân khúc căn hộ giá thấp đang cạn dần sản phẩm mới. Khan hiếm nguồn cung căn hộ hạng C dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong quý II. Hiện chỉ vài doanh nghiệp công bố căn hộ giá 1,5 tỷ đồng, còn lại nguồn cung đều giá cao. Vậy nên những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu số đông người mua luôn đắt khách. 

Đại diện Savills Việt Nam cho rằng, lệnh cấm du khách nhập cảnh để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan làm gián đoạn việc khảo sát và thực hiện các giao dịch của khách nước ngoài, trong đó lượng khách Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản chiếm tỷ lệ lớn nhất.

Tuy nhiên, các nhà phát triển BĐS vẫn đang chuẩn bị những khu nhà mới để đáp ứng nhu cầu của khách trong và ngoài nước khi mức cầu phục hồi, với kỳ vọng Việt Nam vẫn là một trong những thị trường có giá BĐS thấp nhất và mức lợi tức cho thuê cao nhất trong khu vực.

Link bài viết

Ở phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, DKRA cho biết, sức cầu tiếp tục xu hướng giảm từ cuối quý I và duy trì ở mức rất thấp trong quý II và chỉ đến từ một khu nhà cao cấp tại Phú Quốc. Loại hình condotel trong quý I cũng sụt giảm nghiêm trọng về nguồn cung lẫn tỷ lệ hấp thu. Nguồn cung sơ cấp và lượng tiêu thụ nhìn chung tiếp tục suy giảm từ năm 2019 và ở mức rất thấp.

Ảnh hưởng từ ngành bán lẻ sụt giảm nghiêm trọng 

Theo CBRE Việt Nam, trong quý I, doanh thu bán lẻ của ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành lần lượt giảm 9,6% và 27,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại các trung tâm thương mại, lưu lượng khách đến mua sắm bắt đầu giảm từ tháng 2 và đến cuối tháng 3 đã giảm xấp xỉ 80%, kéo theo doanh thu các ngành hàng giảm, một số ngành hàng ăn uống, thời trang, phụ kiện, giải trí, doanh thu giảm từ 50-80%. Một vài thương hiệu ăn uống buộc phải cắt giảm chi nhánh, như Golden Gate Group ước tính trên 50% cửa hàng, tập trung chủ yếu tại Hà Nội tạm dừng mở cửa.

"Gần như toàn bộ nhà cho thuê ở TP.HCM đã phải giảm giá thuê trung bình 10-30% từ giữa tháng 3, một số ít từ tháng 2 và cao nhất là miễn phí giá thuê đối với một số ngành hàng buộc phải đóng cửa. Đến cuối quý I, giá thuê tầng trệt và lầu một khu vực trung tâm thành phố giảm trên 11% và giá thuê tại khu ngoài trung tâm giảm khoảng 16% so với quý trước. So với cùng kỳ năm ngoái, giá thuê mặt bằng ở khu trung tâm giảm gần 7% và giá thuê khu ngoài trung tâm giảm trên 17%", khảo sát từ CBRE cho biết. 

Theo Savills, doanh thu của hầu hết đơn vị kinh doanh sụt giảm mạnh và mong muốn được giảm tiền thuê mặt bằng. Có nhiều chủ mặt bằng phải giảm tiền thuê tới 50% trong thời gian cao điểm dịch Covid-19 lan rộng.

Bà Dương Thùy Dung - Giám đốc CBRE Việt Nam dự báo, nếu dịch bệnh được kiểm soát trong quý II/2020, nhiều khả năng mặt bằng đang trống tại khu trung tâm sẽ được giữ nguyên đến cuối năm và mặt bằng trống tại khu ngoài trung tâm có thể sẽ tăng một vài phần trăm. Về mức giá thuê trung bình tầng trệt và lầu một vào cuối năm tại khu trung tâm có thể hồi phục ở mức trước dịch bệnh, mức giá ngoài trung tâm có thể phục hồi về mức thấp hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Nếu dịch bệnh kéo dài tới tháng 9/2020, tỷ lệ mặt bằng trống sẽ tăng cả hai thị trường, trong đó tỷ lệ trống tại khu ngoài trung tâm sẽ tăng mạnh hơn, từ 5-7%. Giá thuê trung bình tầng trệt và lầu một mặt bằng ngoài trung tâm có thể phục hồi nhẹ về mức thấp hơn 10% so với năm ngoái trong khi mức giá khu trung tâm vẫn có khả năng phục hồi như mức trước dịch bệnh. Đối với giá thuê các tầng khác, nhiều khả năng chủ đầu tư sẽ giữ mức giá ưu đãi hiện tại là giảm 30% cho đến hết năm nay hoặc cho phép trả chậm nhằm giữ chân khách thuê hiện hữu.

Ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến sự gia nhập, mở rộng của các thương hiệu chững lại ngay trong quý I. Các khu nhà đang xây dựng hoặc đang cho thuê có dấu hiệu ngưng lại và điều này sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung của cả năm 2020. Theo CBRE, trong quý I, nguồn cung BĐS ở TP.HCM vẫn giữ mức của cuối năm 2019 là 1.050.000m2 diện tích thực thuê. Tại khu vực TP.HCM, nếu dịch bệnh không được kiểm soát trong quý II, nguồn cung 2020 có thể chỉ còn bằng 20% con số dự báo vào cuối năm 2019 (152.000m2), một số khu nhà đã hoàn công có thể buộc phải dời ngày mở bán.

Theo thống kê của CBRE, tính đến hiện nay, thị trường vẫn có 400.000m2 mặt bằng bán lẻ đang xây dựng hoặc lên kế hoạch phát triển trong ba năm tới, nằm rải rác trong thành phố. Việc tuyến tàu điện ngầm số 1 tái khởi động và tuyến số 2, số 5 đang lên kế hoạch triển khai sẽ ảnh hưởng tích cực đến việc hình thành các cụm bán lẻ mới tại TP.HCM, nhất là ở khu Đông, bao gồm khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Đánh giá chung thị trường BĐS quý I, TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc Savills Việt Nam cho biết: "Mặc dù đây là thời điểm khó khăn với nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhưng một bộ phận doanh nghiệp có khả năng tài chính tốt, có nhiều kinh nghiệm đầu tư BĐS thì đây lại là cơ hội. Thời gian qua, thị trường BĐS chứng kiến khá nhiều nhà đầu tư có tiềm lực mạnh sẵn sàng mua và nhận chuyển nhượng các dự án từ chính các nhà đầu tư đang gặp khó khăn, một số dự án đang trong quá trình thương thảo với tổng giá trị ước tính hơn nửa tỷ USD".  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bất động sản: Các phân khúc đều giảm cung cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO