"Ai thấy cũng xót"

QUỲNH MAI| 16/07/2009 09:33

Thừa thãi đất cho thuê hoặc bỏ hoang là tình hình chung được ghi nhận tại Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông, Điện lực và ba Tổng công ty: Dệt may Gia Định, Địa ốc Sài Gòn và Lương thực miền Nam.

Trong 10 ngày qua, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM (Đoàn) thừa ủy nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành giám sát tình hình quản lý, sử dụng quỹ đất thuộc sở hữu nhà nước (gọi tắt là đất công) giao cho Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông VN, Điện lực và ba Tổng công ty: Dệt May Gia Định, Địa ốc Sài Gòn và Lương thực Miền Nam. Thừa thãi đất cho thuê hoặc bỏ hoang là tình hình chung được ghi nhận tại các tập đoàn và tổng công ty này.

Đất công cho thuê, đất vàng bỏ hoang

Sai phạm chủ yếu trong việc sử dụng đất công là cho thuê lại đất kiếm tiền hoặc đất bị bỏ hoang nhiều năm. Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông VN (VNPT) đang sử dụng 286 cơ sở nhà đất với tổng diện tích 604.300m2. Sau khi sắp xếp, xử lý, các bên đã thống nhất VNPT được giữ lại 240 cơ sở nhà đất, trong đó có hai địa chỉ sử dụng sai mục đích (cho thuê lại).

Mặt bằng 86 Nguyễn Thị Minh Khai bị bỏ hoang nhiều năm

Đó là cơ sở tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu, P. Đa Kao, Q.1 được giao cho Ban quản lý Dự án Khu vực II thuộc Công ty Viễn thông liên tỉnh sử dụng làm trụ sở làm việc, không có chức năng cho thuê. Tuy nhiên, đơn vị này đã cho DN tư nhân thuê một phần làm cửa hàng bán điện thoại. Đó là cơ sở số 27 Nguyễn Đình Chiểu, P. Đa Kao, Q.1 hiện do Trung tâm Kinh doanh tem Bưu chính II, Công ty Tem quản lý. Cơ sở này thuộc dự án đầu tư từ nguồn vốn đầu tư phát triển, có nguồn gốc ngân sách và được cấp phép xây dựng trụ sở làm việc, bảo tàng; không có chức năng cho thuê. Thế nhưng, Trung tâm đã cho một công ty thuê một phần diện tích làm văn phòng và sàn giao dịch chứng khoán.

Trong khối công sản thuộc quyền sử dụng của VNPT còn có khu C30 tọa lạc trên địa bàn Q.10, diện tích hơn 40ha, nhưng do chờ điều chỉnh quy hoạch, phương án đầu tư nên hàng chục năm nay, khu đất vàng này luôn trong tình trạng hoang hóa một phần.

Đối với Tổng công ty Dệt May Gia Định, trong đợt giám sát, Đoàn phát hiện mặt bằng 32/2 Trương Quốc Dung, Q. Phú Nhuận do Công ty cổ phần May da Sài Gòn quản lý bị đem cho thuê. Theo giải trình của ông Trần Quang Minh - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May da Sài Gòn, từ năm 2004, mặt bằng này được đem cho thuê dài hạn. Và một trong các điều khoản trong hợp đồng quy định khi Công ty có nhu cầu lấy lại, thì trong vòng ba tháng sẽ thanh lý hợp đồng.

Thế nhưng, từ năm 2006 đến nay, Công ty cổ phần May da Sài Gòn không tài nào lấy lại được mặt bằng này và buộc phải đưa vụ việc ra tòa án giải quyết. Tương tự, Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn cũng có ba cơ sở nhà đất đem cho thuê, cuối cùng bị chiếm luôn, phải nhờ tòa án can thiệp... Một thành viên trong Đoàn giám sát cho biết: “Tổng công ty Dệt May Gia Định còn có mặt bằng 86 Nguyễn Thị Minh Khai, diện tích 3.225m2 bị bỏ hoang, biến thành bãi giữ xe từ ít nhất 5 năm nay. Ai đi qua nhìn thấy cũng xót, báo chí nói hoài rồi cũng nản...”.

Đấu giá đất công, bình đẳng trong sử dụng đất

Chức năng chính của các tập đoàn, tổng công ty là sản xuất, kinh doanh nhưng sau khi sắp xếp lại quỹ nhà đất theo Quyết định 09 của Thủ tướng Chính phủ thì lại thấy phát sinh thêm một chức năng mới là kinh doanh bất động sản nhằm tận dụng các mặt bằng đang có. Chẳng hạn, Tổng công ty Lương thực Miền Nam có đến 13 khu đất, hơn 150.000m2, xin chuyển mục đích sử dụng sang làm các dự án bất động sản dưới hình thức xây dựng khách sạn, văn phòng cho thuê, chung cư, thậm chí là kinh doanh nhà hàng, tiệc cưới...

Còn VNPT đang có dự án biến khu C30 thành một “thành phố thông minh”. Tình trạng “kẻ ăn không hết, người lần không ra” trong việc tiếp cận quỹ đất để sản xuất, kinh doanh không khỏi khiến Đoàn bức xúc. Tại buổi làm việc với VNPT, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch nói: “Hiện nay, tiền thuê đất của Nhà nước rẻ như cho, cần đẩy giá cho thuê lên tiệm cận giá thị trường để DN sử dụng đất không lãng phí. Chuyển công năng đất công phải nộp tiền theo giá thị trường”.

Kết thúc buổi làm việc, ông Trần Du Lịch thông báo: “Sẽ có chính sách tài chính để điều chỉnh việc sử dụng công sản theo hướng đưa giá cho thuê tiệm cận giá thị trường, không để cơ chế hai giá tồn tại. Như vậy, DN sẽ không dám ôm đất. Dùng biện pháp kinh tế để buộc DN phải tự điều chỉnh, chứ sử dụng biện pháp tài chính không hiệu quả”.

Tại buổi làm việc với Tổng công ty Lương thực Miền Nam, ông Lịch cho biết: “Tôi sẽ có ý kiến chính thức, kiến nghị không tiếp tục tiền lệ đơn vị được giao quản lý, sử dụng đất thường có luôn quyền chiếm hữu. Nhiều nơi giữ mặt bằng lại để chuyển chức năng. Tôi nghĩ, những khu đất này nếu đem ra đấu giá thì nguồn thu ngân sách sẽ được nhiều hơn.

Đối với các DN đang sử dụng đất công, nếu có hình thức ưu tiên thì nên ưu tiên theo hướng khu đất được đem ra đấu giá, đơn vị đang quản lý được quyền mua đầu tiên theo giá đấu cao nhất”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Ai thấy cũng xót"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO