Nga vẫn là một trong hai cường quốc hạt nhân hàng đầu. |
Theo báo cáo mới nhất từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), 9 cường quốc hạt nhân gồm Nga, Mỹ, Anh, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Israel, Triều Tiên và Pakistan đang sở hữu tổng cộng 12.705 đầu đạn hạt nhân, thấp hơn 375 so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù số đầu đạn hạt nhân toàn cầu tiếp tục giảm từ mức đỉnh hơn 70.000 vào năm 1986, song SIPRI cảnh báo giai đoạn suy giảm này có thể sớm chấm dứt và nguy cơ leo thang hạt nhân đang ở mức cao nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
"Chúng ta có thể sớm chứng kiến số lượng đầu đạn hạt nhân toàn cầu tăng lại lần đầu tiên sau nhiều năm. Đây là điều rất nguy hiểm. Kho vũ khí hạt nhân của các nước dự kiến được mở rộng trong 10 năm tới", báo cáo của SIPRI viết.
Những năm qua, nhiều nước, trong đó có Trung Quốc và Anh, đã hiện đại hóa và tăng cường lực lượng hạt nhân.
"Rất khó để đạt tiến bộ trong giải trừ vũ khí hạt nhân những năm tới vì chiến sự ở Ukraine, cũng như các phát biểu của Tổng thống Vladimir Putin về lực lượng hạt nhân Nga. Điều đó đang thúc đẩy các cường quốc hạt nhân khác suy xét về chiến lược của mình", Matt Korda - một trong các tác giả báo cáo, nhận xét.
Theo SIPRI, số đầu đạn suy giảm so với năm ngoái là do Mỹ, Nga đang tháo bỏ các vũ khí đã bị loại biên, trong khi lượng đầu đạn trong biên chế các nước vẫn "tương đối ổn định".
Moskva và Washington đang sở hữu 90% đầu đạn hạt nhân trên toàn cầu. Nga có 5.977 đầu đạn vào thời điểm đầu năm 2022, trong đó hơn 1.600 có thể sẵn sàng sử dụng. Mỹ biên chế 5.428 đầu đạn, với 1.750 chiếc sẵn sàng chiến đấu.
Trung Quốc xếp thứ ba với 350 đầu đạn, tiếp đó là Pháp, Anh, Pakistan, Ấn Độ, Israel và Triều Tiên. SIPRI nhận định Bình Nhưỡng đã sở hữu 20 đầu đạn và có đủ nguyên liệu để chế tạo 50 vũ khí hạt nhân.