Người Thái ở Tây Bắc đón Xuân

Nguyễn Hưng - M. Phượng| 03/02/2022 07:00

Theo tập tục, người Thái bắt đầu ăn Tết từ ngày 25 tháng chạp âm lịch cho tới hết mồng 10 tháng giêng của năm mới.

Người Thái ở Tây Bắc đón Xuân

Tề tựu đón giao thừa

Không gì thích bằng việc được nhâm nhi rượu cần và ngồi nghe người già kể chuyện về tập tục đón Tết xưa, nay. Thầy mo bản Áng Hà Văn Nhanh kể rằng, xưa kia mâm cơm cúng trong ngày Tết của người Thái không thể thiếu các món ăn như cơm mới, cá đồ, cá chua, cơm đồ xôi trộn cá, chuột khô, thịt hươu, nai khô, cơm cốm, măng khô... Riêng món thịt hươu, thịt nai thường có được nhờ săn bắn và chuẩn bị từ trước đó khoảng nửa tháng. Và theo phong tục xưa, đây là những món bắt buộc phải có trong mâm cỗ cúng Tết.

"Cỗ cúng có nhiều món lắm! Rất nặng, phải bê lên đặt xuống tới những 9 lần mới đặt được tới bàn thờ tổ tiên. Người Thái quan niệm, cỗ cúng Tết phải đủ đầy, nhiều thịt, nhiều cá... thì tiên tổ mới phù hộ cho làm nương được mùa, cái bụng no quanh năm", ông Nhanh kể.

Người Thái có tục đón giao thừa "Pông Chay". Cả nhà ngồi quanh bếp lửa, làm các loại bánh trái như bánh ít, bán rán, đồ cá, moọc, nạp... thỉnh thoảng chủ nhà lại đánh ba tiếng chiêng báo hiệu giờ giao thừa sắp đến.

Đúng giờ giao thừa, các loại bánh trái, xôi đồ, cá khô, xôi cốm... hai cơi trầu (mỗi cơi 8 miếng); một ấm trà xanh, rót 8 chén rượu, tất cả được xếp vào thúng. Người vợ mở hòm lấy các loại vải thổ cẩm, khăn váy, quần áo mới, vòng tay, bạc nén... Những thứ đồ đó được đem đặt tại bàn thờ ma nhà. Khăn mũ chỉnh tề, chủ nhà kính cẩn đọc bài cúng "chào đón tổ tiên xuống tề tựu".

Một phong tục của người Thái không thể thiếu được trong sáng ngày mùng một đầu năm đó là tục đi lấy nước ở suối về. Người Thái quan niệm rằng, nước là điều may mắn, đem lại sự sống, sự tốt tươi. Cả làng đi lấy nước nếu nhặt được đồ trong khi đi lấy nước thì họ cho là may mắn và vui mừng mang về nhà.

Tết Xíp Xí của người Thái Trắng

Tết Xíp Xí được tổ chức hằng năm chỉ duy nhất vào ngày 14/7 âm lịch hay thậm chí chỉ là một bữa trưa trong ngày, vào khoảng thời gian vừa kết thúc vụ thu hoạch mùa màng. Thông qua những hoạt động trong lễ hội này, dân tộc Thái thể hiện tình yêu quê hương, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến tổ tiên đã khai phá, thành lập bản, mường tại mảnh đất này. Hoạt động trong Tết Xíp Xí bao gồm hai phần: phần lễ (mo) và phần hội.

Ở phần lễ (mo), mọi người quây quần bên nhau để nhớ về đất trời đã cho mưa thuận gió hòa, nhớ đến ông bà tổ tiên đã phù hộ cho gia đình, rồi bày lễ vật để cúng Tết, trong đó họ sẽ cúng Nà Hoóng (cúng trong nhà) và cúng tế ná (cúng trong ruộng), cầu bình an cho gia đình và mùa màng bội thu.

Theo truyền thống dâng lễ, thịt vịt (nhớ pu Tết) và bánh ít là món ăn cần phải có trong mâm cúng, ngoài ra còn có khẩu cắm (cơm nếp nhiều màu sắc), bánh chưng gù, thịt lợn, thịt gà và rượu. Người Thái quan niệm rằng, cúng thịt vịt trong ngày Tết này để cái xấu, điều không may cùng con vịt đó trôi đi, đồng thời có cặp bánh ít để tượng trưng cho hạnh phúc lứa đôi.

Ở phần hội, du khách có dịp đến các tỉnh Tây Bắc vào ngày này sẽ được hòa nhịp cùng người dân nơi đây hát những bài ca như "khắp chúc muôn" (hát chúc mừng), "khắp khoắm son cún" (hát dạy làm người), "khắp long te" (hát bè trên sông), "khắp báo sao" (hát giao duyên) và nhiều bài ca được vang lên rộn ràng khi ăn uống, lúc chào thăm nhau. Âm điệu réo rắt, du dương của đàn tính tẩu (đàn bầu của người Thái) cũng gợi cho lòng người những rạo rực cuộc sống. 

Các trò chơi dân gian quen thuộc như ném còn, đẩy gậy, nhảy sạp... được tổ chức đông vui để người dân các làng bản cùng tham gia với nhau, góp phần đặc sắc thêm cho ngày Tết Xíp Xí. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Người Thái ở Tây Bắc đón Xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO