Hẳn là đã có một "cuộc chiến trong tâm tưởng" của người Hàn khi biết được trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, sĩ quan và binh lính của họ đã thảm sát hàng ngàn người dân vô tội.
Đọc E-paper
Lời thành thật xin lỗi không hề làm cho người ta nhỏ bé đi, mà ngược lại. Có một số người Hàn đã lựa chọn thái độ hành xử trung thực với quá khứ đau đớn để mở ra con đường chân chính giúp người trẻ hướng đến tương lai an lành.
Trong một liên hoan phim ở Hàn Quốc năm 2016, tôi gặp nhiều khán giả người Hàn, rất trẻ, ăn mặc rất thời trang. Khi biết tôi là nhà làm phim đến từ Việt Nam, họ hỏi: "Người Việt Nam ngày nay nghĩ gì về những gì lính Đại Hàn đã gây ra ở Việt Nam?". Một người khác - Chủ tịch Liên hoan phim trẻ em Busan gặp tôi, cúi đầu thật thấp: "Xin lỗi về những gì quân đội Đại Hàn đã làm trong chiến tranh Việt Nam". Họ làm tôi ngạc nhiên.
Những vụ thảm sát thường dân, chủ yếu là phụ nữ, trẻ em, người già do sư đoàn bộ binh Mãnh Hổ, Bạch Mã, lữ đoàn thủy quân lục chiến Rồng Xanh của Đại Hàn gây ra trong chiến tranh Việt Nam chưa bao giờ được đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy cho trẻ em Hàn Quốc.
Theo giáo sư người Hàn Quốc Heonik Kwon - tác giả của nhiều cuốn sách về chiến tranh Việt Nam, đã có trên 43 vụ thảm sát đẫm máu do binh lính Hàn Quốc thực hiện tại Việt Nam được ghi nhận, trong đó có ít nhất 13 vụ giết trên 100 người ở các tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi trong những năm 1966 - 1968.
Từ sau những bài báo phơi bày sự thật về binh lính Đại Hàn thực hiện hàng chục vụ thảm sát liên tiếp dân thường Việt Nam của tiến sĩ sử học Ku Su Young trên Báo Han Kyoreh 10 năm trước, đã dấy lên phong trào "Thành thật xin lỗi Việt Nam" trong xã hội Hàn Quốc.
Vượt qua bao cản trở từ những thành phần bảo thủ, hàng trăm đoàn sinh viên, học sinh, cựu chiến binh và thân nhân đã đến Việt Nam thăm những địa danh từng xảy ra các vụ thảm sát trước đây.
>>Nhanh như... người trẻ Seoul
Lee Kil Bora - một nhà văn và đạo diễn phim tài liệu sinh ra 17 năm sau khi chiến tranh ở Việt Nam kết thúc. Đến năm 16 tuổi, nhận ra nền giáo dục Hàn Quốc chỉ đánh giá học sinh qua những kỳ thi nặng nề học thuật, Lee bỏ dở việc học ở trường, lên đường sang các quốc gia đang phát triển ở Đông Nam Á làm tình nguyện viên trong những sứ mệnh nhân đạo. Những trải nghiệm trong quãng thời gian ấy đã giúp cô thực hiện bộ phim tài liệu đầu tay Học trên đường, đoạt một số giải thưởng ở các liên hoan phim ở Hàn Quốc.
Lee cũng xuất bản cuốn sách cùng tên vào năm 2009, khi cô 18 tuổi. Lee tâm sự: "Khi tôi nói rằng tôi sẽ làm một bộ phim tài liệu về chiến tranh Việt Nam, có người nói với tôi: Mày thì biết gì về chiến tranh cơ chứ? Ông nội của tôi từng là một sĩ quan trong sư đoàn Mãnh Hổ, được đưa sang Việt Nam năm 1971, nên khi nghe tôi kể tôi vừa du lịch Việt Nam về, liền mừng rỡ nói rằng ông cũng đã từng đi đến đó. Thế nhưng, đất nước Việt Nam mà ông tôi đã đến và Việt Nam mà tôi được gặp sao mà khác nhau quá đỗi".
Ông nội của Lee mắc bệnh ung thư phổi và khoang miệng do bị nhiễm chất độc màu da cam trong thời gian tham chiến ở Việt Nam, sau vài lần trải qua những cuộc phẫu thuật đau đớn, đã mất. Cha của Lee, với di chứng từ chất độc da cam, bị điếc từ khi mới sinh. Mẹ của Lee cũng là người câm điếc. Lee lớn lên trong một thế giới câm lặng nhưng luôn tin rằng khi sinh thành và nuôi dạy cô, cha mẹ đã ban tặng cô một món quà tuyệt vời, đó là khả năng kể chuyện.
Suốt một thời gian dài, Lee bị ám ảnh bởi một Việt Nam của người ông với súng đạn, máu và nước mắt, và Việt Nam trong mắt cô với TP.HCM, Hà Nội hừng hực năng lượng của ngày hôm nay. Những Việt Nam của 2 ký ức khác nhau.
Trong bài phát biểu tại một lễ tưởng niệm nạn nhân của chiến tranh Việt Nam tại Hàn Quốc, Lee nói: "Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc. Ông tôi cũng đã ra đi. Nhưng ở Việt Nam vẫn còn đó những nạn nhân chiến tranh. Ở Hàn Quốc vẫn còn đó những nạn nhân chất độc màu da cam. Trước khi nói thành lời "Xin lỗi Việt Nam", tôi muốn được nhìn cho thấu rõ cuộc chiến tranh ấy là gì, đã có những sự việc gì, những bạo lực gì đã xảy ra tại nơi đó. Điều mà những bạn trẻ tôi được gặp ở Việt Nam, cũng như tôi - thế hệ thứ 3 sau chiến tranh Việt Nam, muốn biết chính là điều ấy".
Cảnh thăm nghĩa trang những dân thường chết trong một vụ thảm sát |
Và cô gái lại đến Việt Nam vào tháng 2 vừa rồi để quay những cảnh đầu tiên của bộ phim tài liệu Cuộc chiến trong tâm tưởng - một bộ phim về chiến tranh qua ký ức của những người còn sống. Lee đã gặp những người phụ nữ bị mù mắt, những người bị điếc bởi bom mìn chiến tranh.
Cô tâm sự: "Đây chính là những người đầu tiên phải chết một khi chiến tranh xảy ra. Những thảo luận về chiến tranh và hòa bình cần phải được bắt đầu từ những người phải chết đầu tiên một khi chiến tranh bùng nổ, và từ đây, từ nơi xa cách nhất với chiến trường. Năm sau tôi lại muốn đi thăm Việt Nam lần nữa. Tôi muốn được gặp lại những người bạn Việt Nam mà tôi đã từng gặp. Để không phải hổ thẹn khi đứng trước các bạn, để không phải xấu hổ khi đứng trước bao nhiêu tòa nhà của doanh nghiệp Hàn Quốc đang mọc lên ở Việt Nam, chúng tôi cần phải biết ký ức giữa Việt Nam và Hàn Quốc là gì. Chúng tôi cần phải thảo luận xem bản thân mình phải làm gì trước những ký ức đó. Tôi nghĩ rằng chỉ khi nào chúng tôi có thể hiểu và nói một cách chính xác về ký ức chiến tranh, khi đó chúng tôi mới có thể nói lên được lời xin lỗi, mới có thể cùng nhau nói đến 2 tiếng hòa bình".
Và từ đó đến nay, để thực hiện phim Cuộc chiến trong tâm tưởng, đã 2 lần Lee đến Việt Nam. Mỗi một lần quay là một trải nghiệm sâu sắc về con người, về đất nước Việt Nam. Bộ phim bắt đầu với cảnh lễ kỷ niệm ngày sư đoàn Mãnh Hổ và Bạch Mã tham chiến tại Việt Nam, những cựu chiến binh Đại Hàn trong bộ quân phục rằn ri, ngực đeo huân chương giữa không khí trang nghiêm. Cuộc chiến được tái hiện qua những hình nhân cầm súng trong bảo tàng lịch sử, những tiếng hô xung trận sắc lạnh, những loạt đạn...
Trong lúc đó, ở Việt Nam, có 3 người sống sót ở 3 ngôi làng từng xảy ra các vụ thảm sát bởi quân đội Đại Hàn đang trong những khoảng tối của số phận. Mỗi câu chuyện là một bi kịch đời người, những tiếng thét câm lặng, những giọt nước mắt oan khiên, những khoảnh khắc chỉ có đôi vai người đàn bà rung lên, những nấm mồ trong thinh vắng... Cuối phim là cảnh một người đàn ông tuổi trung niên ở Bình Định run run thắp nén hương lên bàn thờ 2 đứa em gái còn ở tuổi nằm nôi đã bị lính Đại Hàn giết trong vụ thảm sát ngày 25 tháng Giêng năm Mậu Thân 1968 và lời khấn: "Các em à, năm nay đã có thêm mấy cháu người Hàn về đây dự đám giỗ của các em".
Lee Kil Bora đã có thể trả lời được cho những câu hỏi của chính mình: "Ký ức đó là gì?", đã có thể "Xin lỗi Việt Nam" và nói đến 2 tiếng "hòa bình" trong an lạc.
Người Hàn Quốc vốn trọng tình, coi trọng thể diện và có lòng tự tôn dân tộc rất cao. Lương tri xã hội Hàn đã đứng về phía lẽ phải và sự công bằng để nhìn nhận lại những lầm lỗi của chính mình, thừa nhận và chịu trách nhiệm về một vết nhơ trong lịch sử để "Thành thật xin lỗi Việt Nam"...