Ngược dòng
Tiếp bước Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), hàng loạt NHTƯ lớn trên thế giới gần đây nhanh chóng thắt chặt chính sách tiền tệ thông qua việc nâng lãi suất trở lại. Đơn cử, đầu tháng 8, NHTƯ Anh (BOE) đã tăng lãi suất thêm 0,5%, lên 1,75%, mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cuối năm 2008 nhằm mục tiêu kiềm chế lạm phát đã tăng lên 9,4% và có thể chạm mức 15% vào đầu năm 2023.
Cuối tháng 7, NHTƯ châu Âu (ECB) cũng gây bất ngờ khi tăng lãi suất 0,5% trong mối lo lạm phát đang tiến gần đến hai con số. Dù vậy, giới hoạch định chính sách cho rằng áp lực lạm phát về cơ bản vẫn còn đó. Do đó, ECB có khả năng tiếp tục tăng lãi suất vào tháng 9 tới, với mức tăng có thể cao hơn, lên đến 1,18 điểm phần trăm.
Sau khi đã nâng lãi suất 0,75% trong hai cuộc họp liên tiếp, đánh dấu nhịp độ thắt chặt tiền tệ nhanh nhất kể từ đầu thập niên 1980, các quan chức FED gần đây nhất trí sẽ chậm lại nhịp độ nâng lãi suất. Giới quan sát đang đặt cược rằng FED sẽ nâng lãi suất 50 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 9 tới, thay vì 75 điểm cơ bản.
PBoC quyết định "ngược dòng" khi hạ lãi suất |
Bất chấp xu hướng tăng lãi suất của các NHTƯ lớn, PBoC mới đây lại bất ngờ giảm lãi suất chính sách chủ chốt lần đầu tiên kể từ tháng 1/2022, với mục đích giúp nền kinh tế "gượng dậy" giữa bối cảnh khủng hoảng bất động sản và các đợt bùng phát dịch Covid-19. Theo đó, PBoC hạ lãi suất cho vay kỳ hạn một năm khoảng 10 điểm cơ bản xuống 2,75% trong ngày 15/8/2022. Trong khi đó, lãi suất Repo (thỏa thuận mua lại) ngược kỳ hạn 7 ngày bị giảm từ 2,1% xuống 2%.
Đợt hạ lãi suất trong tuần trước càng nới rộng khoảng cách về lãi suất giữa PBoC và nhiều NHTƯ trên thế giới. Điều này gây thêm rủi ro cho đồng nhân dân tệ khi áp lực dòng vốn rút khỏi thị trường gia tăng.
Chỉ là bước đầu tiên?
PBoC hạ lãi suất diễn ra ngay trước khi Chính phủ Trung Quốc công bố dữ liệu kinh tế tháng 7/2022 cho thấy nhiều kết quả không mấy tích cực. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng giảm mạnh giữa bối cảnh thị trường bất động sản khủng hoảng và nhu cầu tiêu dùng suy yếu, trong khi trái phiếu doanh nghiệp giảm tốc.
Báo cáo này làm gia tăng rủi ro xảy ra bẫy thanh khoản (liquidity trap), tức nới lỏng tiền tệ không thể thúc đẩy cho vay trong nền kinh tế. Sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ cũng thấp hơn kỳ vọng, trong khi đầu tư suy giảm. Tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ lên mức kỷ lục, tiệm cận mốc 20%, qua đó cho thấy những áp lực mà Bắc Kinh đang phải đối mặt về phương diện kinh tế.
Dữ liệu ảm đạm khiến mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% trong năm nay của nền kinh tế số hai thế giới đang trở nên xa vời. Các đợt bùng phát dịch Covid-19 cũng phủ bóng đen lên triển vọng tăng trưởng.
Theo giới phân tích nước này, Trung Quốc cần phải thêm gói kích thích để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, khi đà hồi phục khá mong manh và có dấu hiệu giảm tốc. Các cơ quan chức trách nên quan tâm nhiều hơn tới thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng nội địa, đồng thời ổn định việc làm và giá cả.
Việc đưa thêm chính sách công nghiệp và biện pháp ổn định thị trường bất động sản cũng đóng vai trò then chốt để vực dậy sản xuất và tiêu dùng. Do đó, đợt giảm lãi suất của PBoC có thể là bước đầu tiên trong chuỗi các chính sách để ổn định tăng trưởng trong nửa cuối năm nay.
Với việc PBoC không ngần ngại giảm lãi suất có thể thấy giới hoạch định chính sách Trung Quốc tin rằng lạm phát tăng có thể đáng ngại. Cần biết rằng Trung Quốc góp phần đáng kể vào sự suy yếu của kinh tế thế giới và sự ảm đạm của kinh tế thế giới cũng tác động tiêu cực tới đất nước tỷ dân này. Vào tháng trước, khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới và cảnh báo về khả năng xảy ra suy thoái toàn cầu, Trung Quốc là nền kinh tế bị hạ dự báo mạnh nhất.