“Ngôi sao sống lại” nhờ hologram

Phúc Như Thủy| 06/06/2019 06:00

Trung tuần tháng 5 vừa qua, khi công ty của Whitney Houston thông báo cô sẽ thực hiện một chuyến lưu diễn trong hình dạng ảnh ba chiều (hologram) thì cuộc đua công nghệ nhằm đem đến những trải nghiệm “trực tiếp” cho khán giả đã lên một tầm cao mới.

“Ngôi sao sống lại” nhờ hologram

Trải nghiệm “trực tiếp” thế hệ mới

Ban nhạc The Beatles biểu diễn trực tiếp tại CLB đêm Cavern, lần cuối Ziggy Stardust biểu diễn tại Hammersmith Apollo, hay Jimi Hendrix xuất hiện tại Lễ hội âm nhạc của đảo Wight... Những buổi biểu diễn này sẽ được tổ chức cho cả những người hâm mộ chưa được sinh ra tại thời điểm chúng diễn ra, tất cả nhờ vào hologram.

Tuần rồi, buổi biểu diễn trực tiếp War of  the Worlds (album rất đình đám kể từ khi ra mắt vào những năm 1970) của nhà sáng tác Jeff Wayne (Mỹ) sử dụng ảnh ba chiều, công nghệ thực tế ảo và “sân khấu nhập vai” (đưa khán giả vào cùng một không gian với người biểu diễn) ra mắt, đã đối đầu trực tiếp với những chương trình dùng ảnh 3D thay thế, không chỉ Whitney Houston mà còn cả diva Maria Callas sẽ sớm trở lại sau chuyến lưu diễn 3D hồi năm ngoái.

Công ty Base Hologram cũng sẽ đưa Roy Orbison trở lại với Buddy Holly vào tháng 10 tới tại Anh, trong khi “đối thủ ”Eyeillusion (thành lập năm 2015)vừa hoàn thành một loạt buổi biểu diễn cho Frank Zappa. Jeff Wayne hiện 75 tuổi chia sẻ: “Điều quan trọng đối với tôi là sự hòa hợp của công nghệ với âm nhạc.War of the Worlds đã có nhiều biến thể từ biểu diễn trực tiếp đến trò chơi máy tính, nhưng bất kể là gì thì tôi vẫn luôn cố gắng cập nhật công nghệ hiệu ứng mới nhất. Và hologram “chắc chắn là một trải nghiệm trực tiếp ”tuyệt vời”.

Thật hay ảo?

Liệu những hiệu ứng đặc biệt ở các buổi biểu diễn trên có được xem là ảnh 3D “thật” hay không vẫn còn là chủ đề được tranh luận sôi nổi. Thực tế, hologram là một ảnh 3D được tạo ra bởi các tia sáng, nhưng sự nổi lên của các hệ thống trí tuệ nhân tạo như “machine learning” (các hệ thống “học” tự động từ dữ liệu để giải quyết những vấn đề cụ thể) đã xóa nhòa những khác biệt. Khi Tupac Shakur, một rapper quá cố được “hồi sinh” tại Lễ hội âm nhạc Coachella tại California (Mỹ) năm 2012, các chuyên gia cho rằng đó chỉ là một hình ảnh chiếu lên các tấm nhựa góc cạnh hay một biến thể của thủ thuật thị giác thời Victoria (thế kỷ XIX). Kỹ thuật 2D này được biết đến là “con ma của Pepper” lần đầu được tinh chỉnh bởi kỹ sư Henry Dircks và nhà khoa học John Henry Pepper(1821-1900).

Carl Guyenette, người từng làm việc trong đoàn làm phim Harry Potter và đang hỗ trợ Jeff Wayne tạo ra “trải nghiệm” mới, cho rằng nên cẩn thận khi sử dụng thuật ngữ “hologram”. Ông cho biết thêm: “Trong chương trình này, chúng tôi sẽ vượt xa những gì mọi người từng nhìn thấy trước đây với công nghệ “volumetric capture” gồm chụp 30 ảnh/s và dùng một thuật toán máy tính để tổng hợp thành một video. Nó vẫn là đánh lừa thị giác, giống như “con ma của Pepper”. Nhưng chúng tôi cũng tạo ra một không gian mà bạn có thể đi qua, giống như một “holodeck” (thiết bị có khả năng tạo ra hình ảnh 3D con người và đồ vật trong không gian xung quanh trong phim Star Trek) khổng lồ vậy. Con mắt của những hình ảnh 3D này thậm chí có thể dõi theo bạn”.

Xu hướng đầy tiềm năng

Lợi nhuận “khủng” từ vé các buổi biểu diễn có thể đã đưa pop và rock đứng đầu trong cuộc đua hologram. Tuần rồi chính phủ Ai Cập thông báo rằng vào cuối năm 2020 khách du lịch sẽ gặp một Pharaon Tutankhamun chuyển động được, thay vì chỉ nhìn thấy ảnh giả lập. Ngân hàng BNP (Pháp) cũng thông báo một số giao dịch tài chính của họ bắt đầu được thực hiện bởi những hologram thay thế ba chiều của các nhân viên. Thử nghiệm tại Luân Đôn, một hệ thống có tên Magic Leap cũng đang được giới thiệu.

Carl Guyenette nhận định: “Ảnh 3D chắc chắn sẽ sớm có mặt ở khắp mọi nơi, chứ không chỉ tại sân khấu biểu diễn. Trong vòng 5 năm tới mọi người sẽ sử dụng nó tại nhà và sẽ có thể “dịch chuyển tức thời” bản thân để tương tác với những người khác, cũng giống như chúng ta đang dùng callvideo hiện nay”.

Đối với Gennaro Castaldo của BPI (tổ chức quản lý ngành ghi âm ở Anh) thì các nhà quảng bá sẽ tiếp tục nhìn thấy giá trị của việc đưa các nghệ sĩ “sống lại”. Ông cũng tưởng tượng ra tương lai khi công nghệ này cho phép chúng ta theo dõi một màn trình diễn của Mozart thời trẻ. Nhưng Gennaro vẫn lo ngại rằng: “Khoảng cách giữa một thứ gì đó trông ấn tượng, có thể làm bạn bất ngờ và một thứ gì đó làm thất vọng những người hâm mộ là rất nhỏ. Ngoài ra, dù chúng ta đã nhận được những phản ứng khá tích cực đối với các chuyến lưu diễn có sử dụng hologram, nhưng vẫn cần đợi một thời gian nữa để xác định tiềm năng cho sự phát triển lâu dài, cho thời điểm mà 3D trở thành một phần của hệ sinh thái “trải nghiệm” âm nhạc trực tiếp.

Hiện Jeff Wayne đã sẵn sàng cho một War of the Worlds khác, cũng thận trọng rằng: “Chúng ta không nên để công nghệ lấn át tâm hồn. Và dù là fan cuồng của Roy Orbison (1936 - 1988), tôi cảm thấy chưa thực sự bị thuyết phục đến mức muốn đến xem anh ấy biểu diễn trong cả một liveshow”. Nghĩa là ngôi sao âm nhạc chỉ nên “sống lại” ở một vài tiết mục thôi.

(Theo The Guardian)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Ngôi sao sống lại” nhờ hologram
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO