Chuyện làm ăn

Nghịch lý cung cầu tín dụng

Lương Trùng Dương 28/11/2023 12:05

Chính phủ dù đã nỗ lực thúc đẩy đầu tư công nhưng kết quả đạt được chưa như kỳ vọng. Những doanh nghiệp (DN) có nhu cầu vay vốn lại không đủ điều kiện cũng như khả năng tiếp cận vốn tín dụng (TD) ngân hàng.

tin-dung-la-gi.jpg

Tăng trưởng tín dụng chưa cao

Ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho hay, hiện nay thanh khoản hệ thống tổ chức TD dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng. Toàn hệ thống còn khoảng 8% để tăng trưởng tín dụng, tương đương cung ứng thêm 950.000 tỷ đồng TD cho nền kinh tế. Xét về cân đối cung cầu, cho thấy hệ thống đang dư cung TD rất lớn.

Ông Quang cho rằng, tăng trưởng TD thời gian qua chưa cao không phải từ phía của hệ thống tổ chức TD mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ phía cầu và khả năng hấp thụ TD của nền kinh tế cũng như các yếu tố khách quan khác.

Đại diện Vụ Chính sách tiền tệ chỉ ra ba nguyên nhân khiến tăng trưởng TD giảm.

Thứ nhất, trong bối cảnh khó khăn chung, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế, đầu tư, sản xuất, kinh doanh giảm, dẫn tới cầu TD giảm tương ứng. Thứ hai, một số nhóm khách hàng có nhu cầu TD nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý, nhất là việc tiếp cận TD của nhóm doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa còn hạn chế do quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính, quản trị, điều hành hạn chế; thiếu phương án kinh doanh khả thi. Thứ ba, sau thời gian dài nền kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng vay được các tổ chức TD đánh giá cao hơn.

Nguyên nhân chính khiến khách hàng từ chối nhận hỗ trợ lãi suất do tâm lý e ngại bị thanh tra, kiểm tra sau này của các cơ quan có chức năng. Bên cạnh đó, tiêu chí đánh giá để hỗ trợ lãi suất là khách hàng “phải có khả năng phục hồi”.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh của DN trong nước, nên việc đánh giá khả năng phục hồi của khách hàng là rất khó khăn. Do đó, cả ngân hàng thương mại (NHTM) và DN đều e ngại sẽ bị các cơ quan thanh tra, kiểm tra sau này đánh giá “trục lợi chính sách”.

Theo TS. Võ Trí Thành, từ nay đến đầu 2024, việc hạ lãi suất điều hành sẽ gặp khó khăn bởi áp lực tỷ giá. Có thể phải chấp nhận VND giảm giá nhưng chỉ ở mức nhất định. Với lãi suất cho vay, các NHTM đã giảm khoảng 2 - 2,5%/năm so với đầu năm. Mức giảm này vượt quá kế hoạch của NHNN đặt ra đầu năm nay song vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của DN. Từ năm 2011 đến nay, buộc phải thực hiện chính sách lãi suất tiền gửi VND phải hấp dẫn hơn lãi suất tiền gửi USD, tức lãi suất tiền USD cộng thêm kỳ vọng mất giá của VND phải thấp hơn nhiều lãi suất tiền đồng.

Dù vậy, TS. Võ Trí Thành cho rằng, các NHTM huy động tiền vào với lãi suất cuối năm 2022 và đầu năm 2023 rất cao, nên nếu hạ nhanh lãi suất cho vay sẽ lỗ nặng. Tuy vậy, các ngân hàng đều có tệp khách hàng riêng và có gói TD ưu đãi với từng nhóm khách hàng ưu tiên.

“Tôi hy vọng lãi suất của FED sẽ giảm từ giữa năm sau, hệ thống ngân hàng trong nước ổn hơn thì có thể NHNN sẽ hạ lãi suất điều hành thêm chút nữa. Hiện tại các ngân hàng cố gắng giữ lãi suất bởi áp lực tỷ giá vẫn còn” - ông Thành nói.

Lãi suất thấp: Ngân hàng vẫn vất vả, DN khó vay

Ông Trần Hoài Phương - Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp HDBank cho biết, lãi suất cho vay hiện nay đã thấp hơn quý trước song các ngân hàng vẫn vất vả tìm khách hàng tốt để cho vay.

Lý giải về việc DN vẫn kêu khó tiếp cận vốn, ông Phương chỉ ra những khó khăn chính yếu, đồng thời khuyên DN nên tránh ba điều để tạo niềm tin cho ngân hàng. Đầu tiên là không nên mất cân đối tài chính, vốn lưu động ròng phải lớn hơn 0, không nên lấy vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn. Thứ hai, không nên để “một vốn mà bảy tám nợ”. Thứ ba là vòng quay vốn không nên dài quá.

Không tán thành ý kiến cho rằng, TD từ đầu năm đến nay tăng chậm, PGS-TS. Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Đại học Ngân hàng TP.HCM nói: “Nếu GDP chỉ tăng 4,7 - 5% thì TD chỉ 11 - 12% là hợp lý. TD 10 tháng đầu năm đã tăng 7,49%, hai tháng cuối năm có thể tăng 2%/tháng do yếu tố mùa vụ. TD từ đầu năm đến nay tăng trưởng với tốc độ như vừa qua là bình thường, đúng chu kỳ.

TS. Võ Trí Thành nói thêm, thực chất Việt Nam đang dùng đòn bẩy tài chính quá cao (tín dụng/GDP lên tới 130%). Trong tương lai gần, khi thị trường vốn phát triển thì TD Việt Nam chỉ nên tăng ở mức 10%/năm, không nên ở mức 13-15% như hiện nay. Về hạn mức tăng trưởng TD (room), ít nhất hai năm tới, trừ khi hệ thống tài chính lành mạnh thì chưa thể bỏ cơ chế cấp room TD được.

Tuy có ý kiến khác biệt nhưng các chuyên gia đều thống nhất một điểm chung là không bơm TD ào ạt và hạ chuẩn cấp TD. Bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ toàn cầu năm 2007 - 2008 khiến mọi nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô của các chính phủ đều đổ sông đổ biển, càng cho thấy chính sách TD phù hợp là rất cần thiết.

Theo ông Phạm Xuân Hòe - nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng NHNN, cản trở lớn nhất đối với tăng trưởng TD hiện nay là tổng cầu yếu, DN khó tìm được đầu ra cho sản phẩm. Tiêu dùng trong nước cũng chưa thể đạt được như kỳ vọng do tâm lý thắt chặt hầu bao của người dân trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Chi tiêu đầu tư công dù đã cải thiện rất nhiều so với những năm trước nhưng vẫn ở mức thấp.

Đến cuối tháng 9/2023, dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống chỉ tăng 1,53% so với cuối năm 2022 (mức tăng rất thấp so với 5 năm qua).

“Muốn đẩy mạnh TD thì phải kích cầu, dòng tiền phải lưu thông, còn không sẽ tạo ra vòng luẩn quẩn. Thanh khoản dôi dư của các NHTM không chảy ra được nền kinh tế thì sẽ quay trở lại mua trái phiếu chính phủ, mua tín phiếu Kho bạc Nhà nước rồi quay trở về NHNN, làm cho nền kinh tế lúc nào cũng thiếu tiền” - ông Hòe nhận định.

Theo ông Hòe, TD thường bứt tốc trong những tháng cuối năm, khi cận kề Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán do tiêu dùng tăng mạnh dẫn đến DN cần nguồn vốn lớn để tích trữ nguyên liệu đầu vào, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Tín dụng nền kinh tế chắc chắn sẽ tăng mạnh trong hai tháng cuối năm, nhưng sẽ không thể đạt chỉ tiêu 14% cho năm 2023 mà chỉ trên 10% một chút.

“Chính phủ dù đã nỗ lực thúc đẩy đầu tư công nhưng kết quả đạt được chưa như kỳ vọng. Vì vậy chưa đủ lan tỏa, lôi kéo đầu tư khu vực tư nhân, nên rất khó tăng trưởng TD. Những DN có nhu cầu vay vốn lại không đủ điều kiện cũng như khả năng tiếp cận vốn TD ngân hàng. Đó là chưa kể thị trường bất động sản “đóng băng”, trong khi đây luôn là kênh hấp thụ vốn rất lớn trong những năm qua. Những yếu tố này cũng ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển TD”- chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận xét.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nghịch lý cung cầu tín dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO