"Gia tài của ngoại" - câu chuyện nhẹ nhàng về tình thân, những mâu thuẫn rất “đời” trong một gia đình gốc Hoa và những khung cảnh, phong tục quen thuộc trong cuộc sống của người châu Á. Hành trình của M trong phim khiến nhiều người đồng cảm vì trong quá trình ở cùng bà, tâm sự và chăm sóc bà, cậu nhận được những giá trị không thể đo đếm bằng tiền.
Bộ phim Thái Lan Gia tài của ngoại vừa ra rạp tại Việt Nam đã làm không ít khán giả rơi lệ. Phim kể về một chàng trai tên M, sống ở thành phố, không có công việc ổn định. Khi nghe tin bà của mình bị ung thư, M quyết định trở về quê nhà. Tuy nhiên, mục đích ban đầu của cậu không phải là chăm sóc bà mà là mưu toan trở thành người thừa kế duy nhất để được hưởng trọn vẹn gia tài của bà.
Trong thời gian chung sống và chăm sóc bà, M dần nhận ra có những thứ còn quan trọng hơn tiền bạc và tài sản. Cậu nhận ra rằng có nhiều thứ tiền bạc không thể mua được, chẳng hạn như những ngày tháng cuối cùng bà còn được sống ở trên đời này.
Gia tài của ngoại được bắt đầu bằng phân cảnh cả gia đình đi tảo mộ. Trong một số nền văn hóa, tảo mộ là dịp để dạy dỗ con cháu hiểu về truyền thống dân tộc, hiểu về nguồn cội, gắn kết các thế hệ trong gia đình. Trong khi bà ngoại là người thờ Quan Âm Bồ Tát và rất chú trọng đến nghi thức cúng bái, thì M lại là người dửng dưng, cậu làm mọi thứ cho có lệ khi bị người khác nhắc nhở, như rải hoa mà không rải đều ra xung quanh mộ, và bị bà mắng.
Cùng một bối cảnh, nhưng thái độ của các nhân vật trong phim cho thấy có sự thay đổi sau ngày bà ngoại qua đời. Nếu như ở cảnh mở đầu, ba người con và M đều có mặt, nhưng trừ mẹ của M thì những người còn lại dường như chỉ tham gia trong miễn cưỡng. Người con trai lớn bận gọi điện cho vợ và con gái, người con út nói chuyện cợt nhả, M thì ngồi bấm điện thoại, hoàn toàn không để ý tới mọi người. Hành động của nhân vật M phù hợp với tính cách hiện nay của giới trẻ, xem đó là nghĩa vụ phải hoàn thành cho xong, cho là cứ có mặt trong một đám tang chẳng hạn, là được.
Bộ phim đã nêu rõ một thực trạng rằng, sẽ có một ngày những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp như tảo mộ sẽ dần mất. Một thực trạng mà ai cũng nhận thấy đó là xã hội đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, con người hòa nhập, cởi mở hơn với những nền văn hóa của quốc gia khác mà lại quên đi, bỏ bê truyền thống văn hóa của chính đất nước mà mình sinh ra, lớn lên.
Phong tục tảo mộ cuối năm là nét đẹp trong văn hóa của người Việt nói riêng và châu Á nói chung để nhớ về tổ tiên và để giáo dục con cháu về lòng hiếu thảo, tri ân nguồn cội và là niềm tin gia tiên sẽ phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, công việc thuận lợi vào năm mới.
Ở phân cảnh cuối của Gia tài của ngoại, các thành viên trong gia đình đều có mặt đông đủ trong ngày tảo mộ. Không còn sự thờ ơ, không có sự hằn học tranh giành tài sản, mọi người thoải mái ngồi nói chuyện, bày mâm lễ trước ngôi mộ của bà ngoại. Có lẽ họ đã có những bài học về tình thân. Ngày tảo mộ chỉ thật sự ý nghĩa khi hiểu thế nào là gia đình và cuộc sống quý giá thế nào với những người đã khuất
Trong phim có câu: “Điều mà người già cần nhất mà con cháu không thể cho được đó chính là thời gian”. Đó là sự cô đơn của người già trong một xã hội phát triển. Mỗi chủ nhật hằng tuần, bà mong ngóng ba người con sẽ đến thăm. Bà mặc bộ quần áo đẹp nhất, ngồi ngóng chờ. Dù rằng họ không công thành danh toại như ước mơ của các bậc cha mẹ: Đứa con cả lệ thuộc vào vợ, đâm đầu vào chứng khoán, đứa con gái vì thương mẹ mà nghỉ học phụ bán cháo, là mẹ đơn thân, người con út cờ bạc, nợ nần chồng chất, nhưng bà vẫn đợi chúng về, dù rằng đa số họ về vì phải làm thế chứ không phải vì tình yêu bà. Chi tiết đó không quá xa lạ với đa số thế hệ Gen Z tại Việt Nam, những con người luôn bao biện rằng mình bận, không sắp xếp được thời gian về bên gia đình, về bên mẹ, bên bà, hoặc cũng có khi vì trách nhiệm mà phải về. Có người trẻ ngồi hàng giờ bên bạn bè ở quán cà phê, bấm điện thoại suốt cả ngày nghỉ nhưng lại không có thời gian cho một dòng tin nhắn hay một cuộc gọi mấy chục giây hỏi thăm người già.
Mui, cô em họ của M và là người được thừa kế một căn nhà nhờ chăm sóc người ông, nói với cậu rằng điều người già cần nhất lại là điều con cháu không thể cho họ: Thời gian ở cạnh nhau. Người già họ muốn gì? Họ cần tình thương của con cháu, họ cần sự kề cạnh ở thời điểm xế chiều.
Nhiều người không chịu lao đông mà cứ trông mong vào những khoản thừa kế, khiến tuổi trẻ trôi qua uổng phí. Khi mẹ về già, con cái coi việc thăm hỏi hay chăm sóc chỉ là nghĩa vụ mà không nghĩ, không nhớ tới việc ch mẹ, ông bà đã hết lòng chăm lo mình. Đó là thói thực dụng. Khi các thành viên trong nhà bắt đầu tranh nhau chăm mẹ hoặc cha, cũng bộc lộ mục đích là đều muốn thừa kế căn nhà.
Trong thời gian ở bên bà, M dần hiểu ra giá trị của tình cảm gia đình. Cháu trai giận bà không phải vì bà giao tài sản cho cậu út. Cháu giận vì nghĩ người nhận tài sản là người bà yêu thương nhất. Cậu đã nhận ra gia tài của ngoại là tình yêu gia đình lớn lao hơn tất cả. Vì thế, khi cậu nhận được một sổ tiết kiệm bà để lại, cậu dành tất cả mua cho bà một phần mộ đẹp.
Tiền tài đến rồi lại đi. Tài sản là những con số 0, con người là số 1. Khi ta mất đi, tài sản là con số 0 trơ trọi, vô nghĩa. Hãy yêu thương gia đình mình, để những người già được sống thật thoải mái, hạnh phúc, không muộn phiền ở giai đoạn cuối đời.
Nền văn hóa Thái Lan và Việt Nam có nhiều nét tương đồng, nên Gia tài của ngoại đã mang đến cảm giác thân quen với khán giả Việt. Hình ảnh người bà dậy sớm bán hàng, cùng cháu đi chợ khiến người xem không khỏi sụt sùi, hoài niệm. Thế hệ Gen Z hãy vì người thân mà giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.