Tại tọa đàm "Doanh nghiệp và Phát triển Bền vững’ vừa tổ chức tại TP.HCM, các chuyên gia chính sách, doanh nghiệp đã cùng trao đổi, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp chuyển đổi sang các mô hình kinh doanh bền vững tại Việt Nam.
Sự kiện nằm trong chuỗi "Việt Nam hướng đến tương lai bền vững”được khởi xướng và tổ chức bởi LifeNex và PDA & Partners, Liên minh tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) cùng các đối tác,
Trong bối cảnh đô thị hóa, công nghiệp hóa diễn ra sôi động, ảnh hưởng nặng nề đến khí hậu, môi trường sống, phát triển bền vững trở thành mệnh lệnh cấp bách hơn bao giờ hết.
Theo cảnh báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm Việt Nam thải khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa ra môi trường, đứng thứ 4 trong top 20 nước hàng đầu thế giới về rác thải nhựa. Đồng thời, Việt Nam hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu ở nhiều mặt như: Giảm đa dạng sinh học rừng; Nước biển dâng làm mất đi nguồn đất màu mỡ; Hạn hán làm hoang mạc hoá nhiều khu vực ở miền Trung,...
Trước những thực trạng đáng báo động trên, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng nhận thức rõ tầm quan trọng của thực hành kinh doanh bền vững. Để tuân thủ các quy định toàn cầu về giảm phát thải, trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng các chiến lược xanh như một lợi thế cạnh tranh và triển khai nhiều hoạt động bảo vệ môi trường.
Tham dự buổi tọa đàm, bà Bùi Thị Thu Hiền đến từ Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã dẫn lại số liệu báo cáo khảo sát của PwC, 2022 về mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam. Cụ thể, yếu tố môi trường (E) chiếm 22%; Xã hội (S) là 16%; Quản trị (G) là 62%. Từ các kết quả khảo sát có thể thấy, các doanh nghiệp ở Việt Nam đã sẵn sàng cam kết vận hành và quản lý hoạt động một cách có trách nhiệm.
Đồng thời, bà Hiền cũng đề cập đến sáng kiến Nature Positive Initiative với mục tiêu là thúc đẩy sự liên kết và phối hợp giữa nhiều bên tham gia, những người sẽ ủng hộ phát triển bền vững thực hiện các hành động hướng tới kết quả tích cực về mặt thiên nhiên là ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất mát thiên nhiên vào năm 2030, và đạt được sự phục hồi sinh học hoàn toàn vào năm 2050.
Cũng theo bà Hiền, cứ 1 đồng đầu tư vào việc bảo tồn và phục hồi thiên nhiên thì sẽ thu được ít nhất được 9 đồng lợi ích. Cơ hội kinh doanh bằng cách sử dụng thiên nhiên làm cơ sở hạ tầng có thể đạt 160 tỷ USD và tạo ra 4 triệu việc làm vào năm 2030.
Bà Nguyễn Minh Tâm - CEO khu nghỉ dưỡng Six Senses Côn Đảo cũng chia sẻ về mô hình kinh doanh xanh bảo vệ di sản thiên nhiên của Việt Nam. Theo đó, khu nghỉ dưỡng lấy cảm hứng thiết kế từ hình ảnh làng chài truyền thống Việt Nam sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường cùng các chi tiết trang trí mộc mạc.
Đặc biệt, nhận thấy nhiều nguy cơ tác động tiêu cực tới loài rùa biển, từ 2018 đến nay Six Senses Côn Đảo đã giúp ươm tạo, chăm sóc 27.000 con rùa biển trước khi thả ra môi trường biển. Không chỉ vậy, khu nghỉ dưỡng này còn giúp du khách, nhất là các bạn trẻ cùng trải nghiệm quá trình chăm sóc, ươm tạo rùa biển hay cùng tham gia thu gom rác thải nhựa trôi dạt vào bờ biển.
CEO của Six Senses Côn Đảo khẳng định: “Chính nhờ xác định ngay từ đầu mục tiêu phát triển bền vững, đối xử tốt với môi trường, hướng tới thiên nhiên nên bản thân doanh nghiệp chúng tôi cũng nhận được nhiều lợi ích, trái ngọt vì lựa chọn đúng đắn này”.
Các đại diện từ PRO Vietnam, Viện Phát triển Kinh tế Tuần hoàn (ICED), NS Bluescope Vietnam và Duy Tân Recycling cũng tham gia thảo luận về các ví dụ thực tiễn, nhấn mạnh cơ hội và thách thức trong việc thúc đẩy chuyển đổi kinh doanh xanh và bền vững thông qua phân tích chính sách và nghiên cứu trường hợp thực tế.
Theo PGS. TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED): Hiện nay các doanh nghiệp đã nắm khá rõ các quy định về kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, mới nhất là quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Bên cạnh đó, hiện nay chúng ta cũng có khá nhiều quy định về hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi đổi công nghệ, hướng tới phát triển bền vững.
Ở góc nhìn tài chính, ông Phạm Ngọc Khang- Tổng Giám đốc Home Credit Việt Nam đã chia sẻ góc nhìn tài chính, tập trung vào tài chính có trách nhiệm, quản trị hiệu quả, thúc đẩy tài chính toàn diện và đảm bảo các quy trình hoạt động đúng chuẩn đạo đức.
Theo đó, ông Khang khẳng định, trong hành trình thực hành cam kết tài chính có trách nhiệm của Công ty, việc nâng cao kiến thức tài chính để người dân Việt Nam hiểu đúng, vay đúng đặc biệt quan trọng. Tính minh bạch, tuân thủ pháp luật và tận tâm với khách hàng là những giá trị nền tảng mà Home Credit xây dựng trong nhiều năm có mặt tại Việt Nam.
Việc cung cấp các giải pháp, sản phẩm dịch vụ tài chính đáng tin cậy cũng như thực hiện công tác tư vấn và hỗ trợ khách hàng tiếp cận tài chính minh bạch cũng được Home Credit chú trọng.