Năm 2023: Linh hoạt mục tiêu kiểm soát lạm phát để doanh nghiệp tiếp cận vốn

Thu Hòa| 11/01/2023 06:00

Theo TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nếu vẫn giữ nguyên mục tiêu kiểm soát lạm phát thì sẽ phải thu hẹp chính sách tài khóa, tiền tệ. Điều này sẽ gây khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận vốn.

TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM)

TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM)

* Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2022 vượt qua ngoài kỳ vọng, theo ông yếu tố nào đã giúp đạt được kết quả khả quan như vậy?

- Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 đạt khoảng 8-8,2%, là một kết quả vượt ra cả ngoài các dự báo trước đó của các tổ chức quốc tế, chuyên gia trong và ngoài nước, vượt xa cả mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ đề ra (6,5%). Điều này có được là nhờ nỗ lực trong điều hành của Chính phủ, nhất là trong phòng, chống dịch Covid-19 và ổn định kinh tế vĩ mô, qua đó đã giúp nền kinh tế nhanh chóng mở cửa trở lại, phục hồi và phát triển, "cởi trói" các quy định hành chính bất cập cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động.

* Ông đánh giá thế nào bối cảnh thế giới hiện nay cũng như cả năm 2023 và những tác động đến nền kinh tế Việt Nam?

- Theo nhiều phân tích, dự báo cả trong và ngoài nước, năm 2023 tình hình kinh tế thế giới sẽ tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, thậm chí khó khăn hơn. Tại nhiều quốc gia, lạm phát vẫn sẽ duy trì ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài kèm theo mất giá trị đồng tiền, tiêu dùng giảm mạnh, thị trường bất động sản khó khăn hơn, thất nghiệp gia tăng dẫn đến nguy cơ bất ổn xã hội và chính trị... ở nhiều nước. Thậm chí, một số quốc gia có thể rơi vào vòng suy thoái kinh tế. 

Nguy cơ mất thanh khoản, rủi ro, bất ổn tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, an ninh lương thực... trên toàn cầu năm 2023 dự báo gia tăng. Những yếu tố bất lợi này đã, đang và tiếp tục tác động mạnh, kéo dài, trên phạm vi lớn tới hầu hết nền kinh tế, trong đó có nền kinh tế Việt Nam.

-6165-1673233070.jpg

* Để tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt kỳ vọng (6,5%), theo ông cần có những quyết sách điều hành như thế nào?

- GDP của Việt Nam năm 2022 đã tăng trưởng ngoạn mục nhưng tốc độ tăng trưởng GDP ngoạn mục năm 2022 khó có thể duy trì được trong năm 2023 nếu Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương không có được những giải pháp điều hành, ứng phó một cách linh hoạt, kịp thời, thích ứng với những thách thức, biến động của tình hình kinh tế trong nước và thế giới, trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Lạm phát tăng cao trên thế giới năm 2022 sẽ có độ trễ tác động đến nền kinh tế Việt Nam vào năm 2023, nếu vẫn giữ nguyên mục tiêu kiểm soát lạm phát thì sẽ phải thu hẹp chính sách tài khóa, tiền tệ. Điều này sẽ gây khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận vốn để duy trì và mở rộng sản xuất, kinh doanh. Do vậy, cần linh hoạt đối với mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức phù hợp nhằm tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023.

Giải ngân đầu tư công có tác động rất lớn đến toàn bộ nền kinh tế, kể cả thanh khoản của các tổ chức tín dụng và cơ hội tiếp cận vốn của doanh nghiệp, cần thúc đẩy mạnh hơn giải ngân vốn đầu tư công, tập trung vào các dự án quan trọng có tính quốc gia, liên vùng (ví dụ như dự án vành đai 3, 4 ở TP.HCM, dự án sân bay Tây Sơn Nhất, sân bay Long Thành...) theo hướng đơn giản hóa các thủ tục, tập trung vốn, nguồn lực để triển khai sớm nhất, hiệu quả nhất.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi vay vốn lãi suất thấp, giảm tiền thuê đất, giảm thuế cho cộng đồng doanh nghiệp thông qua kéo dài chương trình phục hồi kinh tế đến năm 2025.

* Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Năm 2023: Linh hoạt mục tiêu kiểm soát lạm phát để doanh nghiệp tiếp cận vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO