“Mù mờ” dễ thua thiệt!
Ngày 16/8, Thương vụ Việt Nam tại Pakistan cho hay một doanh nghiệp (DN) Việt có nguy cơ mất trắng gần 80.000 USD vào tay đối tác có dấu hiệu lừa đảo. Trước đó, hàng loạt các vụ lừa đảo, gian lận thương mại xảy ra giữa DN Việt và đối tác nước ngoài. Nguyên nhân do đâu?
Theo đó, Thương vụ Việt Nam tại Pakistan cho hay, DN lừa đảo tại Pakistan đã mở tài khoản tại ngân hàng dưới tên một DN nhập khẩu có quy mô và uy tín khác ở nước này, ký hợp đồng với DN Việt Nam và sau đó đã rút toàn bộ tiền tạm ứng cũng như tiền hàng mà DN Việt Nam chuyển vào mà không giao hàng.
Chỉ riêng nửa đầu năm 2024, tần suất liên tiếp các vụ tranh chấp thương mại quốc tế xảy ra khi DN Việt làm việc với các đối tác Tây Á, Tây Phi và cả các thị trường phát triển như Mỹ, Anh… Trước đó, hồi tháng 4/2024, một công ty Việt xuất khẩu nhựa PET suýt mất hơn 13 tỷ đồng khi mua hàng từ đối tác các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Hay tháng 6/2024, câu chuyện đối tác cung ứng điều thô ở Tây Phi có biểu hiện “lật kèo” khi chỉ cung ứng 50% sản lượng điều thô theo hợp đồng thu mua và định đơn phương chấm dứt hợp đồng, lấy hàng bán cho người mua khác với giá cao hơn bởi thời điểm đó giá điều thô tăng vọt…
Theo khảo sát của PwC vào năm 2024, 55% DN Việt Nam nói rằng họ trải nghiệm lừa đảo hoặc tội phạm kinh tế trong 2 năm trước thời điểm khảo sát. Con số này trong khảo sát năm 2022 là 52%, cao hơn mức 46% của khu vực châu Á Thái Bình Dương và mức 49% của toàn cầu.
Theo Luật sư Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại TP.HCM (TRACENT), một số nguyên nhân khách quan là DN vừa và nhỏ (SMEs) thường gặp khó khăn khi tiếp cận thông tin về đối tác nước ngoài, đặc biệt là các đối tác ở xa. Điều này dẫn đến việc thiếu kiểm tra và xác minh kỹ càng các thông tin quan trọng. Chưa kể, càng ngày thì các chiêu trò của đối tác “ảo” nước ngoài càng tinh vi. Họ có thể thay đổi các điều khoản hợp đồng hoặc yêu cầu những thủ tục phức tạp nhằm tạo điều kiện cho việc lừa đảo, như yêu cầu gửi trước toàn bộ vận đơn gốc hoặc thay đổi phương thức thanh toán để tránh phí ngân hàng…
Ngoài ra, do sau đại dịch Covid-19, nhu cầu xuất nhập khẩu tăng cao, khiến nhiều DN “khát đơn hàng” dễ chấp nhận rủi ro cao hơn để nhanh chóng ký kết các hợp đồng. Nhiều DN mới thường quá tin tưởng vào đối tác hoặc môi giới mà bỏ qua các quy tắc cơ bản trong kinh doanh quốc tế. Sự nóng vội và ham lợi nhuận cao khiến họ dễ dàng chấp nhận những điều kiện bất lợi trong hợp đồng để nhanh “xuôi”, quá tin tưởng vào môi giới và đối tác mà không tự kiểm tra kỹ các thông tin cơ bản.
Điểm yếu của DN còn nằm ở việc không thảo luận kỹ các điều khoản trong hợp đồng, dẫn đến việc thiếu pháp lý để bảo vệ khi xảy ra tranh chấp. Ví dụ, có trường hợp đối tác chỉ cung cấp một phần hàng hóa hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng khi giá cả thị trường tăng lên, nếu hợp đồng không quy định rõ ràng về nghĩa vụ hoặc không có điều khoản xử lý trong trường hợp giá thị trường biến động. Hay nhiều DN Việt đã từng chuyển hàng qua cho đối tác, nhưng bị trả về vì họ nói “không đạt chất lượng”. Mang ra tranh chấp thì lại không có bất kỳ tiêu chuẩn đánh giá, kiểm định nào được thỏa thuận trước đó, lúc này thì biết “khóc” với ai?!
Đối với các giao dịch có giá trị lớn, DN SMEs nên xem xét việc mua bảo hiểm thương mại để bảo vệ tài sản của mình trước các rủi ro không lường trước được. Bắt đầu với các giao dịch nhỏ khi mới hợp tác với một đối tác quốc tế, để kiểm tra tính minh bạch và độ tin cậy của đối tác trước khi tiến hành các giao dịch lớn hơn.
“Các DN SMEs nên bắt đầu từ các thị trường mà họ có thể dễ dàng tiếp cận thông tin, hoặc từ các thị trường có sự hỗ trợ của các tổ chức như Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các tổ chức xúc tiến thương mại, hoặc Đại sứ quán. DN SMEs nên tìm kiếm đối tác thông qua các kênh đã được xác thực, như các hội chợ thương mại quốc tế, các sự kiện kết nối DN, hoặc các nền tảng thương mại điện tử uy tín. Tránh giao dịch với những đối tác không có thông tin minh bạch”.
(Chuyên gia kinh tế, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh)
“Các DN SMEs cần có đội ngũ nhân sự chuyên trách công việc này, đặc biệt là nhân sự phụ trách xuất nhập khẩu và pháp lý, được đào tạo kỹ lưỡng về các quy định thương mại quốc tế, hợp đồng và phòng chống lừa đảo. Kiến thức vững chắc giúp giảm thiểu rủi ro ngay từ đầu. Còn với các DN SMEs hạn chế về nguồn lực có thể thực hiện thẩm định đối tác một cách toàn diện thông qua các công ty dịch vụ chuyên nghiệp. Ngoài ra, khi soạn thảo hợp đồng, hoàn toàn có thể cân nhắc đến các tổ chức trọng tài thương mại uy tín trong nước như VIAC, TRACENT… để tiết kiệm được chi phí theo sự vụ nếu có rủi ro xảy ra”.
(Luật sư Phạm Ngọc Hưng)