Thương mại điện tử: Không gian ảo, thu tiền thật
Giao dịch qua không gian ảo (thương mại điện tử -TMĐT) đang ngày càng tăng tốc khi mỗi năm, riêng tiền thu thuế từ các sàn TMĐT đã lên tới gần trăm ngàn tỷ đồng.
BàNguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hiệp hội tư vấn thuế Việt Nam chia sẻ: " TMĐT ở Việt Nam gần đây đã có bước tăng tốc rất ấn tượng. Số liệu quản lý thuế trong 2 năm gần nhất đã ghi nhận kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT. Năm 2022 doanh thu quản lý thuế là 3,1 triệu tỷ đồng, với số thuế đã nộp là 83 nghìn tỷ đồng; năm 2023 doanh thu là 3,5 triệu tỷ đồng, số thuế đã nộp là 97 nghìn tỷ đồng. Con số của năm 2024 dẫu chưa có thống kê đầy đủ nhưng đang có những bước tăng trưởng tốt.
97.000 tỷ đồng, tương đương với thu ngân sách của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và gấp hơn 30 lần tỉnh Tuyên Quang, một con số thật ấn tượng.
Cũng chính vì tốc độ tăng trưởng nhanh chóng ấy nên nhiều hộ kinh doanh online không biết làm thế nào để làm nghĩa vụ thuế với Nhà nước cho đúng luật. Khi phát sinh doanh thu mà không nộp thuế dĩ nhiên là phạm luật, hậu quả không đáng có với những người muốn làm ăn lâu dài. Để có thể giải đáp tốt những băn khoăn của các đối tượng tham gia kinh doanh TMĐT, tại tọa đàm “Kiểm soát rủi ro về thuế khi kinh doanh thương mại điện tử” do Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) phối hợp với Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) và Công ty Cp MISA (MISA) tổ chức, ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội TMĐT (VECOM) chia sẻ: Không phải người kinh doanh nào cũng muốn trốn thuế, nhất là khi họ muốn làm ăn nghiêm chỉnh, lâu dài. Nắm bắt được những khó khăn của hộ, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử trong vấn đề kê khai và nộp thuế, chúng tôi tổ chức tọa đàm nhằm hỗ trợ cung cấp kiến thức, quy định pháp luật và giải pháp công nghệ giúp các hộ, cá nhân kinh đảm bảo tuân thủ pháp luật về thuế.
Bà Đinh Thị Thúy - Tổng giám đốc MISA chuyên cung cấp giải pháp tài chính - kế toán cũng cam kết đồng hành kết nối chuyên gia, các đơn vị tư vấn thuế chuyên nghiệp cũng như phát triển giải pháp công nghệ giúp hộ, cá nhân kinh doanh đáp ứng triển khai nghĩa vụ thuế theo đúng quy định của Cơ quan Thuế”.
Bà Nguyễn Thị Cúc khẳng định, cùng với sự phát triển của nền kinh tế số, hoạt động TMĐT tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt có những phiên livestream bán hàng đạt doanh thu kỷ lục 100 - 150 tỷ đồng mỗi phiên. Đây là con số không thể xem thường. Bà Cúc lưu ý rằng, các hộ và cá nhân kinh doanh TMĐT phải tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế, tự khai, tự tính, tự nộp và tự chịu trách nhiệm về số liệu kê khai. Nếu gặp khó khăn trong việc nộp thuế, các hộ và cá nhân kinh doanh có thể tìm đến các đơn vị dịch vụ kế toán hoặc đại lý thuế chuyên nghiệp để được hỗ trợ nghiệp vụ. Bên cạnh đó, các cá nhân livestream bán hàng cũng cần chú ý chọn lọc những sản phẩm chất lượng thuộc những nhãn hàng uy tín để đảm bảo quyền lợi người dùng.
Ông Nguyễn Lâm Thanh - Đại diện TikTok Việt Nam cũng nêu ra một số vấn đề về thuế được nhà bán hàng và nhà sáng tạo nội dung đặc biệt quan tâm như: Những khoản thuế phải nộp của nhà bán hàng và người sáng tạo khi có doanh thu, thu nhập từ TikTok Shop; Nghĩa vụ Nhà bán hàng và nhà sáng tạo nội dung đối với thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động tiếp thị liên kết…
Cô Kim Anh, bà mẹ bỉm sữa chia sẻ: "Thời gian nghỉ thai sản, em vẫn tranh thủ livestream để bán hàng mà các mẹ quan tâm, doanh thu cũng khá, thậm chí còn hơn hồi cô còn mở shop mặt phố. Có doanh thu nhưng cô chỉ đăng ký nộp thuế khoán mà không biết kê sử dụng phần mềm kê khai. Thêm vào đó, doanh thu không chỉ đến từ một kênh mà còn từ nhiều kênh, biết làm sao bây giờ?
Giải đáp băn khoăn này, bà Bùi Thị Trang - Giám đốc Khối Nền tảng Kế toán dịch vụ, Công ty Cổ phần MISA cho biết: "MISA đã phát triển bộ giải pháp toàn diện kết nối trực tiếp với các sàn TMĐT , tích hợp với hóa đơn điện tử, tự động xuất hóa đơn và truyền dữ liệu lên Cơ quan thuế và thực hiện các nghĩa vụ kê khai, báo cáo thuế nhanh chóng, chính xác.