Biến động và cơ hội
Môi trường kinh doanh hiện đại ngày càng có nhiều biến động bất ngờ và khó kiểm soát. Từ năm 1987, Warren Bennis và Burt Nanus đã đề cập đến khái niệm VUCA - viết tắt của sự biến động (Volatility), sự không chắc chắn (Uncertainty), sự phức tạp (Complexity) và sự mơ hồ (Ambiguity), trong lý thuyết lãnh đạo hiện đại được các doanh nghiệp hàng đầu cũng như quân đội nhiều nước ứng dụng.
Một thế giới hội nhập, toàn cầu hóa đi lại tự do đã gần như buộc phải dừng lại, tê liệt và suy thoái vì dịch bệnh Covid-19 được xem là những biến động, không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ hơn bao giờ hết của VUCA 3.0.
Cũng trong dịch bệnh, Việt Nam được một số doanh nghiệp ưu tiên chuyển dịch đầu tư vì có nền kinh tế, chính trị ổn định. Tuy nhiên, nhiều quốc gia khác trong khu vực cũng có những chính sách rất hấp dẫn thu hút các doanh nghiệp đầu tư như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia. Vì vậy, Việt Nam chỉ là một lựa chọn đầu tư được xem xét.
Qua đại dịch, các doanh nghiệp thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam đã chứng kiến một cơ hội mới, khi Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp và người dân chuyển sang môi trường Internet để hạn chế sự lan tràn của dịch bệnh.
Theo Báo cáo chỉ số TMĐT Việt Nam 2021 của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) thì người dân mua sắm trực tuyến nhiều hơn, sản lượng chuyển phát tăng 47%. Thanh toán trực tuyến thẻ nội địa qua hệ thống của Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tăng so với năm 2019 là 185% về số lượng giao dịch và 200% về giá trị. Các ví điện tử cũng tăng trưởng đáng kể như MoMo hết năm 2021 đã tăng lên 31 triệu người dùng, gấp gần ba lần năm 2019. Xu hướng doanh nghiệp đưa các sản phẩm dịch vụ lên sàn TMĐT và mạng xã hội ngày càng tăng.
Năm 2021, môi trường kinh doanh vẫn tiếp tục bị tác động mạnh mẽ của dịch bệnh. Chính vì vậy hoạt động kinh doanh truyền thống đã gặp khó khăn hơn năm 2020. Tuy nhiên, TMĐT tại Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển chủ yếu dựa vào sự chuyển đổi số của người dùng. Với dân số trẻ có nhu cầu sử dụng mạng xã hội cao nên TMĐT trên các nền tảng mạng xã hội và trên các nền tảng sàn TMĐT sẵn có phổ biến, với những hình thức bán hàng trực tuyến của các cá nhân, hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp nhỏ ngày càng tăng.
Phát triển TMĐT: Mô hình thích ứng
Đẩy mạnh phát triển TMĐT cho các doanh nghiệp nhỏ Việt Nam trong và sau bối cảnh dịch bệnh là một chiến lược quan trọng khi điều kiện kinh doanh vô cùng biến động. Các doanh nghiệp có thể sử dụng mô hình thích ứng chiến lược VUCA như sau:
Nâng cao tầm nhìn trong điều kiện phức tạp, tập trung vào giá trị khách hàng và gắn kết khách hàng. Tạo điều kiện cho trí tuệ trong đổi mới sáng tạo, tập trung vào các sản phẩm, dịch vụ mới, hoặc thị trường mới, phân khúc mới, chuyển đổi mô hình kinh doanh TMĐT để có tầm nhìn xa hơn về thị trường. Tập trung các nguồn lực để thâm nhập vào thị trường số, uốn nắn hoạt động TMĐT khi thị trường còn mới theo hướng tạo giá trị mới, trải nghiệm mới cho khách hàng.
Cần tranh thủ thời gian để học tập nâng cao tri thức kinh doanh. Nỗ lực để đồng cảm, chấp nhận những quan điểm khác nhau và cố gắng phối hợp để làm việc cùng nhau sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Tạo môi trường nội bộ khuyến khích sự phong phú của các ý tưởng sáng tạo, hỗ trợ những ý tưởng vẫn đang hình thành, học tập hiệu quả từ các nguyên mẫu. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trước tiên phải thực sự hiểu được điểm mạnh và điểm yếu tiềm năng của tổ chức để chọn ra những chiến lược tốt nhất phù hợp với lợi thế của mình. Kiên trì thử nghiệm các mô hình kinh doanh số cho đến khi vào được thị trường. Nắm vững hệ thống pháp luật trong TMĐT như Luật Giao dịch điện tử, Nghị định TMĐT để kịp thời cập nhật những thay đổi quan trọng, nhằm quản lý TMĐT hiệu quả hơn.
Can đảm vượt khó, lãnh đạo doanh nghiệp cần sự can đảm để đối diện với những thử thách và dám đưa ra các quyết định táo bạo, đầy rủi ro, thậm chí kết cục có thể là thất bại. Vì vậy, cần định hướng truyền thông nội bộ nhằm truyền đạt quyết tâm và ý chí của doanh nghiệp đến mọi thành viên. Động viên và củng cố tinh thần làm việc cho toàn doanh nghiệp để đoàn kết trở nên kiên cường và can đảm để quyết tâm thực hiện các mục tiêu mang giá trị đến cho khách hàng và xã hội, trở thành doanh nghiệp có ích cho cộng đồng và được khách hàng tin tưởng. Hỗ trợ các hoạt động đổi mới sáng tạo, tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào phát triển TMĐT. Mạnh dạn hợp tác các đối thủ cạnh tranh, gọi vốn đầu tư, hợp tác với các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ nhất là TMĐT tại Việt Nam. Doanh nghiệp cần chủ động hơn trong phát triển nguồn nhân lực TMĐT có chất lượng, có tinh thần. Tích cực hợp tác với các trường đại học, cao đẳng để cung cấp nhân lực TMĐT theo yêu cầu. Đẩy mạnh hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực hiện có từ trong doanh nghiệp.
Thích ứng linh hoạt. Các doanh nghiệp phải cần linh hoạt để thích ứng với môi trường kinh doanh thay đổi liên tục. Cần chấp nhận sự thay đổi luôn xảy ra và không thể cưỡng lại để mọi thành viên trong doanh nghiệp có thể chấp nhận làm việc tại nhà, hoặc sống tại nhà máy và tương tác ảo trong công việc và cuộc sống như một giải pháp sẵn sàng, không chỉ vài tháng mà có thể nhiều năm. Xây dựng một số chính sách nhất quán tập trung vào cung cấp giá trị khách hàng nhằm ứng phó với tình huống kinh doanh liên tục thay đổi. Tạo môi trường thuận lợi để người dùng có thể tiếp tục tích cực tham gia giao dịch TMĐT trong mọi lĩnh vực của công việc và cuộc sống.
Dịch bệnh Covid-19 là cơ hội tốt để nhân viên và doanh nghiệp tích cực hợp tác, cùng tham gia chuyển đổi số và ứng dụng TMĐT. Các doanh nghiệp cần tạo môi trường thuận lợi để khách hàng có thể tiếp tục tích cực tham gia giao dịch TMĐT. Phải dần quen và muốn tiếp tục tận dụng các hệ thống TMĐT đa kênh hay hợp kênh tạo nên sự kết hợp rất tốt cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Tận dụng nguồn lực sẵn có của các sàn TMĐT hiện nay để tiếp cận khách hàng. Cần định hướng cung ứng sản phẩm có chất lượng, có truy xuất nguồn gốc đầy đủ. Sử dụng các công cụ marketing số một cách bài bản có sự phối hợp, khai thác các công cụ mới đang có hiệu quả cao như video ngắn, livestream, lan tỏa thông qua các mạng xã hội.