Lỗ lãi ngành điện - Thử nhìn, thử nghĩ

TS. Huỳnh Văn Thông| 27/06/2020 02:11

Có mặt ở Kiên Giang vào một ngày cuối tháng 10/2019, đúng dịp quần đảo Hải Tặc của Kiên Giang được chính thức đón nhận điện lưới quốc gia.

Sân phân phối 500kV TTĐL Long Phu - ảnh: PECC1

Sân phân phối 500kV TTĐL Long Phu - ảnh: PECC1

Điện ra tới đảo, ai vui ai lo?

Quần đảo Hà Tiên là một quần đảo thuộc Việt Nam. Toàn bộ quần đảo này cấu thành xã Tiên Hải thuộc thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Do cướp biển từng hoành hành khu vực này trong quá khứ nên quần đảo còn được gọi là quần đảo Hải Tặc. Xã đảo Tiên Hải chỉ là một trong số những xã đảo đã được đóng điện lưới quốc gia. Hơn cả năm trời đầu tư thi công, ngày đóng điện tháng 10 hôm ấy cho đảo Hải tặc tràn đầy niềm vui.

Giật mình khi nghe các con số liên quan đến nỗ lực đưa điện ra đảo Hải Tặc. Vốn đầu tư 182 tỷ đồng, 28 trụ móng được xây dựng giữa biển khơi cùng hệ thống đường dây vượt biển, 400 hộ dân. Tôi nhẩm tính sơ bộ, vậy là vị chi để có điện lưới cho 400 hộ dân trên đảo này này thì ngành điện đã đầu tư khoảng 455 triệu đồng trên đầu mỗi hộ gia đình.

Giờ tính toán lời lỗ thử sao. Nếu bình quân mỗi hộ gia đình xài khoảng 300.000 đồng tiền điện mỗi tháng, thì ngành điện thu được 120 triệu đồng mỗi tháng. Đó là số doanh thu, chưa bóc tách chi phí. Và nếu chỉ dựa vào con số doanh thu 120 triệu đồng tiền điện thu được mỗi tháng từ 400 hộ dân trên đảo thì ngành điện cần khoảng 126 năm để lấy đủ lại số tiền 128 tỷ đồng đã đầu tư.

Mới tính trên tổng số thu là thế, chứ còn tính toán cân đối với chi phí sản xuất điện, vận hành, thất thoát truyền tải thì chẳng bao giờ tính được chuyện thu hồi số vốn đầu tư 128 tỷ đồng nói trên.

Câu hỏi thứ nhất để suy nghĩ là tại sao ngành điện phải lao vào một dự án đầu tư và kinh doanh điện "điên rồ" đến thế, đầu tư nghìn tỷ đồng để lỗ, lỗ và lỗ. Câu hỏi nếu thật tâm muốn tìm được câu trả lời thì sẽ dẫn lối đến một trong những sự khác biệt quan trọng nhất giữa hai từ "kinh tế" và "kinh doanh".

Kinh doanh thì phải nói chuyện lời lỗ trực tiếp. Đầu vào và đầu ra của doanh nghiệp phải cân đối được, nghĩa là tiền thu được phải đảm bảo cân đối với tiền bỏ ra và phải có lời. Theo đó, chuyện đầu tư hàng trăm tỷ đồng để đưa điện ra đảo như trường hợp đảo Hải Tặc nói trên thì quả là "điên rồ", là "lỗ sặc máu" nói theo cách của một vài vị cán bộ quản lý trong ngành điện mà tôi từng nghe được.

Lỗ thật nhiều mà lãi cũng thật to

Nhưng nếu nhìn ở góc độ "kinh tế". Nguyên nghĩa của khái niệm kinh tế này là "kinh bang tế thế", là các công việc mà một vị vua phải đảm nhiệm: chăm lo đời sống vật chất của bề tôi, chăm lo đời sống tinh thần của cộng đồng. Kinh tế là hình thức rút gọn của cụm từ "kinh bang tế thế", trong đó kinh bang có nghĩa là "trị nước" và tế thế có nghĩa là "cứu đời". Nên trong góc nhìn rộng hơn góc nhìn kinh doanh của một doanh nghiệp cụ thể, chuyện đưa điện ra đảo tuy "lỗ sặc máu" nhưng lại có thể là "lời vô số kể".

Là lời những gì? Thử nhìn vào một trường hợp như quần đảo Hải Tặc trong bối cảnh mà chủ quyền biển đảo của đất nước đang lâm đầy thử thách. Dân mình ở đó, chủ quyền đất nước mình ở đó, nhưng nhiều chuyện chẳng đơn giản là nói suông bằng một vài câu nói. Chúng ta phải ấn định những giá trị chủ quyền thật sự, thể hiện qua các giá trị lâu đời và vững vàng mà người dân trên đảo nhận được. Đưa điện ra cho dân ở đảo là một trong những chiến lược giàu lợi ích quốc gia, dẫu có vì thế mà ngành điện phải gánh vác một gáng nặng không nhỏ về đầu tư và chi phí vận hành. Chưa kể, điện sẽ là một yếu tố kích thích quan trọng thúc đẩy phát triển dân kế dân sinh trên đảo, mở đường cho những đầu tư phát triển về du lịch, về nuôi trồng và chế biến hải sản cho dân đảo, mở rộng những nguồn lực kinh doanh cho xã hội.

kiem-tra-duong-day-3940-1593068991.jpg

Nên điện ra tới đảo, người dân vui, xã hội tán dương, báo chí ca ngợi. Nhưng cũng vào ngày đóng điện cho đảo Hải Tặc, một anh bạn quen trong ngành điện ở Kiên Giang vỗ vai tôi thân tình mà than thở: "Thêm một chuyện để lo nữa rồi anh à!". Không phải là lo sợ điều gì cho riêng mình, mà là nỗi lo sẽ phải tìm cách cân đối từ nguồn thu nào để hoàn thành nhiệm vụ cung cấp điện cho người dân trên đảo với mức lỗ nặng không thể tránh khỏi.

Mà câu chuyện "lỗ sặc máu" của ngành điện ở dự án đưa điện ra đảo Hải Tặc ở Kiên Giang không phải là chuyện cá biệt, là dự án duy nhất. Đất nước này có bao nhiêu đảo có dân đang sống? Và không kể gì đảo, chuyện đưa điện về vùng sâu vùng xa, đưa điện lên vùng cao cũng cùng một kịch bản như thế. Khảo sát thực tế, tại Bạc Liêu có dự án điện dẫn gần chục cây số đường dây truyền tải, hơn trăm trụ điện để đưa điện lưới về một ấp có hơn hai chục hộ dân nghèo. Ngày tổ chức hoàn thành thi công công trình và đóng điện, báo chí ca ngợi, xã hội tán dương. Nhưng lại cũng nỗi lo ấy, ngành điện cũng có người phải tặc lưỡi khi hiểu rõ phải cân đối thế nào để bù được cho những dự án điện lỗ trắng về kinh doanh nhưng lời to về dân sinh dân kế.

Và câu hỏi tiếp theo...

Điện độc quyền mà vẫn lỗ? Câu trả lời hóa ra là một bức tranh cực kỳ phức tạp liên quan đến sản xuất và cung ứng điện quốc gia.

Điện là mặt hàng vật tư chiến lược cho sản xuất, kinh doanh và phát triển, thiếu điện sẽ là một nghịch cảnh của đất nước. Còn nhớ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có lần nhấn mạnh thông điệp dành cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): "Anh nào nói cắt điện, cách chức anh ấy luôn. Thời đại này mà các đồng chí để thiếu điện, cắt điện là không được". Nhưng để không thiếu điện thì lại không đơn giản là vẽ ra vài dự án đầu tư nhà máy điện là sẽ giải quyết dễ dàng.

Có lần về Bắc Ninh khảo sát, nơi mà Samsung đặt một hệ thống nhà máy lớn của họ, và điều này là một trong tác nhân đưa Bắc Ninh trở thành điểm sáng trên bản đồ kinh tế Việt Nam. Câu hỏi không nên bỏ qua, là điều gì giúp thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam triển khai các dự án đầu tư trực tiếp FDI? Là nhiều thứ, nhưng một trong thứ đó là giá điện ưu đãi cho doanh nghiệp FDI. Giá điện ưu đãi đó thực tế là giá lỗ mà EVN phải gánh. Và lại vẫn chuỗi phân tích: lỗ cũng thật nhiều mà lãi cũng thật to.

Thôi thì, kiểu gì thì cũng phải theo công thức bù chéo, phải thu lời được chỗ này để bù đắp cho lỗ ở chỗ kia. Và cái quy tắc bù chéo ấy, nhiều khi không hiểu thì cảm thấy vô lý đùng đùng. Âu cũng là chuyện để nghĩ, để cảm thông cùng nhau, vì sự phát triển chung của đất nước mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lỗ lãi ngành điện - Thử nhìn, thử nghĩ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO