Liệu thị trường chứng khoán Việt Nam có đứng ngoài biến động của thế giới?

KHÁNH PHƯƠNG| 24/10/2018 08:26

Nếu như trong 4 tháng đầu năm nay, thị trường chứng khoán xác lập xu hướng tăng mạnh khá rõ và mang lại lợi nhuận cao cho nhiều nhà đầu tư, 4 tháng kế tiếp trở thành quãng thời gian ưa thích cho những người bán khống chỉ số VN30 trên thị trường phái sinh, thì trong gần 2 tháng qua, thị trường trở nên khó lường, đặc biệt là trong những ngày gần đây.

Liệu thị trường chứng khoán Việt Nam có đứng ngoài biến động của thế giới?

Ảnh: Q.Hòa

Các phiên tăng giảm mạnh đột ngột ngày càng xuất hiện với tần suất dày hơn, khiến rủi ro mà các nhà đầu tư ngắn hạn phải đối mặt là khá lớn. Cụ thể, sau phiên rớt mạnh gần 50 điểm của VN-Index ngày 11/10, thị trường sau đó đã có những phiên lấy lại được phần nào điểm số đã mất, nhưng rồi sau đó lại có tiếp những phiên đi xuống với điểm số lao dốc.

Diễn biến khó lường trên khiến niềm tin của các nhà đầu tư sụt giảm, sự nghi ngờ về các bẫy tăng giá trở nên phổ biến, cộng thêm rủi ro T+ khiến nhiều nhà đầu tư chọn đứng ngoài như là cách an toàn nhất, do đó thanh khoản ngày càng suy yếu và tác động tiêu cực lên tâm lý thị trường.

Hiện tại vẫn có 2 luồng ý kiến trên thị trường. Với những nhà đầu tư bi quan, các chỉ số xem như đã gãy xu hướng tăng, do đó khả năng đảo chiều và xác lập thị trường con gấu là tất yếu. Những cơ sở ủng hộ quan điểm này không chỉ đến từ khả năng đảo chiều của thị trường chứng khoán quốc tế, đặc biệt là thị trường Mỹ, mà còn chính nội tại của nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ bị tác động mạnh do hàng loạt rủi ro trên thế giới vào thời điểm hiện nay cũng như giai đoạn tới.

Chính sách tiền tệ thắt chặt tại các ngân hàng trung ương sẽ càng khoét sâu vào "nỗi đau" của các thị trường tài sản hiện nay cũng như trong thời gian tới. Và điều này sẽ không chỉ diễn ra tại các nước phát triển, khi mà lạm phát leo thang sẽ buộc các nước đang phát triển phải thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn nếu không muốn đối mặt với bất ổn gia tăng từ lạm phát và tỷ giá.

Hầu hết những lo ngại đều bắt nguồn từ cuộc chiến tranh thương mại đang tiếp tục leo thang, mà những diễn biến gần đây cho thấy sẽ không chỉ dừng lại ở các hàng rào thuế quan được dựng lên. Mỹ mới đây đã đơn phương rút khỏi Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) - một hiệp ước đã tồn tại suốt 144 năm nay, với lý do quy định về cước vận chuyển của thỏa thuận này là bất công vì tiếp tay cho hàng hóa Trung Quốc tràn vào Mỹ.

Rủi ro lớn thứ hai là bất ổn tại một số thị trường mới nổi, mà diễn biến tiếp tục lao dốc trong tuần qua của chứng khoán Trung Quốc và đồng nhân dân tệ (CNY) đưa đến khả năng nước này có thể là nạn nhân kế tiếp.

Tuy nhiên, không chỉ các thị trường mới nổi đang phải đối mặt với thách thức, một số nền kinh tế phát triển cũng đang đứng trước nguy cơ rơi vào suy thoái. Khủng hoảng chính trị gần đây tại Italia và mâu thuẫn về chính sách tài khóa giữa nước này với các quan chức EU đang là mối quan tâm của giới đầu tư.

Trong khi đó, chính sách tiền tệ thắt chặt tại các ngân hàng trung ương sẽ càng khoét sâu vào "nỗi đau" của các thị trường tài sản hiện nay cũng như trong thời gian tới. Và điều này sẽ không chỉ diễn ra tại các nước phát triển, khi mà lạm phát leo thang sẽ buộc các nước đang phát triển phải thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn nếu không muốn đối mặt với bất ổn gia tăng từ lạm phát và tỷ giá.

Đáng lưu ý là giá dầu đang tăng nhanh trở lại sẽ là yếu tố đầu vào tác động đáng kể lên áp lực lạm phát của toàn cầu. Đầu tháng 11 tới, lệnh cấm vận xuất khẩu dầu của Mỹ áp đặt lên Iran sẽ có hiệu lực, trong khi những căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ và Arab Saudi sẽ là "chất xúc tác" đẩy giá dầu tăng cao hơn. Lạm phát cao và lãi suất cao sẽ tác động mạnh đến thị trường chứng khoán là điều có thể thấy trước.

Ở chiều ngược lại, vẫn có nhiều nhà đầu tư tin rằng thị trường Việt Nam có thể ngược dòng để thiết lập đà tăng và cho rằng sự điều chỉnh mạnh gần đây là điều cần thiết để thị trường tìm lại điểm cân bằng, củng cố và thu hút thêm dòng tiền mới tham gia để tiếp tục xu hướng tăng dài hạn.

Nhiều dự báo gần đây từ các tổ chức quốc tế đều tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kinh tế cao trong giai đoạn kế tiếp. Trong khi đó, chiến tranh thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn lại được xem là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam gia tăng thị phần, cũng như nền kinh tế trong nước sẽ thu hút dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc dịch chuyển sang.

Trong khi đồng tiền tại một số nền kinh tế châu Á lao dốc kể từ đầu năm đến nay trước xu hướng tháo chạy của dòng vốn nước ngoài, thì thị trường ngoại hối trong nước vẫn khá ổn định và các con số thống kê cho thấy dòng vốn đầu tư ròng đổ vào Việt Nam vẫn tăng. Đối với rủi ro lạm phát, dù áp lực tăng lên gần đây nhưng khả năng vẫn giữ được mục tiêu 4% trong năm nay, khi chính sách tiền tệ và tài khóa đang phối hợp khá nhịp nhàng và linh hoạt.

Điều quan trọng nhất mà những nhà đầu tư lạc quan vẫn tin tưởng vào chứng khoán Việt Nam chính là xu thế thoái vốn doanh nghiệp nhà nước sẽ tiếp tục hỗ trợ cho thị trường trong những tháng cuối năm nay, và kế tiếp là khả năng nâng hạng lên thị trường mới nổi trong năm tới. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Liệu thị trường chứng khoán Việt Nam có đứng ngoài biến động của thế giới?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO