Vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng liên quan trực tiếp đến mỗi người dân, nhưng hằng ngày chúng ta vẫn phải chứng kiến nhiều loại hàng giả, hàng nhái có mặt ở khắp nơi mà không biết là gì để không mua phải những hàng này. Còn một số người buôn bán, kinh doanh thì chỉ nghĩ đến lợi nhuận nên cứ mặc sức sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, tẩm phụ gia, hóa chất độc hại mà người mua không biết.
Hiện nay, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có mặt ở mọi nơi, từ thành phố đến nông thôn, kể cả ở vùng sâu, vùng xa, thậm chí trong các siêu thị. Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng rất phong phú về chủng loại. Chúng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn chân chính.
Mặc dù đã có nhiều biện pháp ngăn chặn và xử lý, nhưng tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được bày bán tràn lan, sao chép mẫu mã của các thương hiệu lớn trong nước và quốc tế. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, làm giảm uy tín của các doanh nghiệp Việt, làm giảm hình ảnh đất nước trong thời kỳ hội nhập.
Đã bao giờ chúng ta tự hỏi: Tại sao vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lại khó giải quyết như vậy? Câu trả lời, tất nhiên nguyên nhân chính là chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, còn nhẹ so với hậu quả gây ra cho xã hội. Ngoài ra, có hai lý do rất quan trọng: vì quá dễ để tuồn hàng nhái vào thị trường và vì người tiêu dùng và cả doanh nghiệp không quyết liệt chống hàng giả, hàng nhái.
Chưa bàn đến các nguyên nhân xung quanh ý thức hay lương tâm của người bán, nhưng việc một mặt hàng nhái được đưa ra thị trường bán chỉ có thể là vì lợi nhuận. Đó là nguyên nhân duy nhất lý giải cho việc hàng giả, hàng nhái xuất hiện và tồn tại trong cuộc sống.
Vậy nếu chúng ta triệt tiêu được lợi nhuận do bán hàng nhái thì tự khắc bài toán sẽ được giải quyết. Muốn vậy thì phải đồng thời giải được hai nguyên nhân dẫn tới điều đó: Biết hàng hóa nào là nhái và đồng loạt tẩy chay hàng hóa đó. Nếu vậy, chẳng ai dám sản xuất, buôn bán hàng nhái nữa vì cứ bán là lỗ, còn bị xã hội lên án. Trong cuộc chiến chống hàng nhái, đánh vào kinh tế là phương pháp hữu hiệu nhất.
Lấy ví dụ ở Nhật Bản. Đất nước này nổi tiếng với hàng hóa chất lượng cao, rất ít hàng nhái, hàng kém chất lượng. Vậy tại sao lại có ít hàng giả, hàng nhái? Câu trả lời chính vì ý thức của người dân Nhật Bản. Họ sẽ tẩy chay bất cứ ai bán hàng giả, hàng nhái. Thanh tra của họ thường xuyên viếng thăm các cơ sở sản xuất để đánh giá, hễ phát hiện sản xuất hàng giả thì lập tức doanh nghiệp đó phải đóng cửa.
Ở nước ta, thực tế là hầu như không thể kiểm soát được hết các nơi sản xuất hàng giả, hàng nhái, vì lực lượng chức năng quá mỏng, cũng như ý thức của người bán chưa cao. Để giải được bài toán hàng giả, tại sao ta lại không lập một mạng lưới thông tin cấp quốc gia để mọi người biết được đâu là hàng giả, nhận dạng thế nào và sẽ tẩy chay nó.
Tôi không nói đến các trang web hay mạng xã hội về review (đánh giá) hiện nay. Nó không khách quan và công tâm (vì các website này sống bằng tiền quảng cáo cho các nhãn hàng). Mạng thông tin mới này cần rộng lớn, phủ khắp cả nước, hoàn toàn khách quan, trung thực, quyết liệt và có sức mạnh. Thứ nhất, thông tin về thực phẩm trên đó phải xuất phát từ nguồn tin của nhân dân và được kiểm chứng chính xác của doanh nghiệp và cơ quan chức năng. Thứ hai, bất cứ mặt hàng nào xác định là hàng giả, hàng nhái thì sẽ phải tạo được phong trào tẩy chay hoàn toàn nơi đó. Thứ ba, cần pháp luật vào cuộc để xử lý nghiêm bất cứ tổ chức, cá nhân nào kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái. Thứ tư, cần có sự chung tay góp sức của cả cộng đồng, của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính để hình thành một cộng đồng các nhà sản xuất trung thực, làm ra các mặt hàng có chất lượng cao.
Cơ chế hoạt động của mạng thông tin này sẽ là: Thứ nhất, được bảo trợ bởi nhà nước. Thứ hai, tập hợp được hai cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Thứ ba, quyết tâm hành động và không thoả hiệp với người sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, trên cơ sở kết luận chính xác của cơ quan chức năng. Thứ tư, có thưởng phạt nghiêm minh, được tài trợ bởi nhà nước và tập thể doanh nghiệp chân chính. Bên cạnh đó, các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Youtube… có thể đóng vai trò kết nối và hỗ trợ tích cực cho việc tố giác các cơ sở kinh doanh hàng giả, hàng nhái, giúp cho người dân tránh được nguy cơ và đồng loạt tẩy chay hàng giả, hàng nhái.
Làm được như vậy, chúng ta có thể "một mũi tên trúng bốn đích". Thứ nhất, hạn chế tối đa hàng giả, hàng nhái. Thứ hai, đoàn kết và nâng cao ý thức người dân. Thứ ba, tập hợp và phát triển cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng. Thứ tư, tạo lập được hệ thống quản lý hàng giả, hàng nhái hiệu quả (điều mà chúng ta chưa bao giờ làm được).
Đã đến lúc chúng ta, cả doanh nghiệp và người tiêu dùng cần phải đoàn kết lại chống hàng giả, hàng nhái. Với ý tưởng nêu trên, hy vọng tình trạng hàng giả, hàng nhái sẽ được giải quyết một cách triệt để.