Hạnh phúc doanh nhân

Lãnh đạo chữa lành: Một yếu tố giúp doanh nghiệp phát triển bền vững

Nguyễn Thế Mai Chi 01/04/2025 07:07

Nếu định nghĩa chữa lành là tạo ra môi trường làm việc giúp nhân sự không kiệt sức, nuôi dưỡng sức sáng tạo, duy trì sự cống hiến thì doanh nghiệp nào cũng cần đến.

Khi nói đến chữa lành, nhiều nhà lãnh đạo sẽ bật cười: “Doanh nghiệp (DN) tôi đâu phải bệnh viện, nhân viên cũng chẳng phải bệnh nhân, mắc gì phải chữa lành? Công ty vận hành để đạt mục tiêu kinh doanh chứ đâu có chỗ cho cảm xúc yếu đuối hay những triết lý mơ hồ về “năng lượng” và “tổn thương”.

Vậy thì tại sao nhiều nhân viên lại kiệt sức? Tại sao có những đội nhóm luôn trong tình trạng căng thẳng? Tại sao ngày càng nhiều nhân viên chọn cách “nghỉ việc trong tâm trí” dù họ vẫn đi làm?

Nếu định nghĩa chữa lành là tạo ra môi trường làm việc giúp nhân sự không kiệt sức, nuôi dưỡng sức sáng tạo, duy trì sự cống hiến thì DN nào cụng cần đến.

DN không cần “chữa lành” theo kiểu ngồi thiền chung mỗi sáng, hay tổ chức workshop tâm lý, nhưng cần hệ thống giúp con người phát triển bền vững.

hanh-phuc.jpg

Lãnh đạo doanh nghiệp cần mang tinh thần chữa lành

Khi một tổ chức “bị stress” thì hiệu suất làm việc không thể nào cao được. Người lãnh đạo có khả năng chữa lành biết cách điều hòa năng lượng tập thể, biến DN thành nơi mọi người muốn cống hiến thay vì chỉ “sống sót” qua ngày.

Nhân viên không chỉ mang đến công ty kỹ năng làm việc, họ còn mang theo cả áp lực cuộc sống, những nỗi lo và kỳ vọng. Một người lãnh đạo chữa lành biết cách nhìn thấy con người phía sau công việc, giúp nhân viên cảm thấy được thấu hiểu và hỗ trợ.

Nếu lãnh đạo chỉ quan tâm đến kết quả mà bỏ quên con người thì DN có thể thành công ngắn hạn nhưng không bền vững. Người lãnh đạo chữa lành sẽ xây dựng văn hóa DN dựa trên sự đồng cảm, công bằng để phát triển bền vững.

Đưa chữa lành vào doanh nghiệp là một yếu tố của sự phát triển bền vững

Trước đây DN vận hành theo mô hình “làm nhiều, đạt KPI ((hiệu suất công việc), phát triển nhanh” trong khi tinh thần của nhân viên không phải là mối bận tâm lớn. Bây giờ, con người muốn một nơi làm việc không chỉ là chỗ kiếm tiền mà còn có môi trường giúp họ phát triển.

Theo báo cáo của Gallup (một công ty tư vấn và phân tích của Mỹ), hơn 80% nhân viên trên thế giới cảm thấy không gắn kết với công việc, trong đó, một phần lớn rơi vào trạng thái “nghỉ việc trong tâm trí”. Burnout (kiệt sức công việc) đã trở thành một vấn đề sức khỏe toàn cầu, được WHO công nhận là hội chứng liên quan đến môi trường làm việc.

Các công ty áp dụng văn hóa chữa lành (healing culture) như Google, Patagonia, Salesforce… đều có chỉ số gắn kết cao hơn, sáng tạo hơn và giữ chân nhân tài tốt hơn.

Vậy nên, chữa lành không phải là xu hướng nhất thời. Nó là sự chuyển dịch tư duy quan trọng, giống như khi DN nhận ra khách hàng là quan trọng nhất nên phải chăm sóc khách hàng, nhân viên là quan trọng nhất nên phải chữa lành cho nhân viên.

Người lãnh đạo có cần trở thành một nhà chữa lành?

Người lãnh đạo không cần khoác áo blouse như bác sĩ, hay chiếc áo linen nhẹ nhàng cho ra dáng người chữa lành, nhưng thần thái cần toát lên dáng vẻ của người giữ lửa, người lan tỏa năng lượng, người dẫn dắt bằng sự thấu hiểu. Họ có thể là người mang theo ánh nhìn sâu sắc, lắng nghe không chỉ bằng đôi tai mà bằng cả sự hiện diện. Họ không cần ống nghe hay dụng cụ chuyên biệt nhưng nắm bắt được “nhịp đập” của tổ chức chỉ bằng cách quan sát, cảm nhận, và điều chỉnh dòng chảy năng lượng của đội nhóm.

Một nhà lãnh đạo chữa lành không cần chẩn đoán triệu chứng mà biết cách ngăn ngừa đổ vỡ từ gốc rễ, không cần gấp gáp “điều trị khủng hoảng” mà biết cách bồi đắp văn hóa DN để không ai phải sống trong căng thẳng và sợ hãi.

Họ không cần phải là nhà chữa lành chuyên nghiệp, nhưng họ là người biết cách tái tạo năng lượng, biết khi nào cần xoa dịu, khi nào cần truyền cảm hứng, khi nào cần tạo ra khoảng không để mỗi thành viên tự chữa lành.

Nhắc đến chữa lành, người ta thường nghĩ đến chậm rãi, nhẹ nhàng, nội tâm, trong khi DN lại gắn với tốc độ, cạnh tranh, lợi nhuận. Vậy liệu có phù hợp để đưa chữa lành vào DN?

Hãy thử nghĩ về một DN giống như một cơ thể sống, nó có hệ thần kinh (văn hóa doanh nghiệp), hệ miễn dịch (cách xử lý khủng hoảng), hệ tuần hoàn (dòng tiền), năng lượng tổng thể (tinh thần của nhân viên và lãnh đạo). Nếu DN kiệt sức, nó sẽ “mắc bệnh” nhân viên mất động lực, quy trình rối loạn. Nếu DN được chữa lành, nó sẽ khỏe mạnh - đội ngũ sáng tạo hơn, môi trường bền vững hơn, khách hàng cảm nhận được giá trị thực sự của DN.

Thế nên, hãy hiểu về chữa lành một cách toàn diện, nhất là với ý niệm đưa chữa lành vào DN. Chữa lành không có nghĩa là yếu đuối hay èo uột mà là chủ động để sống một cuộc đời trọn vẹn, một trái tim rộng mở và một hành trình xa hơn cho cả cá nhân và tổ chức.

Chữa lành theo hướng chủ động thì DN không chỉ phát triển mà còn phát triển mạnh mẽ và bền vững. Công ty có môi trường chữa lành tốt thì giữ chân nhân tài tốt hơn. Nhân viên có tinh thần khỏe mạnh sẽ làm việc sáng tạo và hiệu quả hơn. Khách hàng cảm nhận được năng lượng tích cực từ DN thì sẽ trung thành hơn, từ đó thương hiệu có giá trị lâu dài.

Những thương hiệu như Patagonia, Google, Zappos, Unilever đều đã chứng minh: DN biết chăm sóc con người sẽ không chỉ tồn tại mà còn phát triển bền vững.

hpdn-tran.png

Những tổ chức có lãnh đạo đồng cảm, biết khơi dậy tinh thần con người lại vượt trội hơn về sáng tạo, gắn kết và phát triển bền vững.

Lãnh đạo chữa lành vận hành doanh nghiệp như thế nào?

Chữa lành không có nghĩa là DN phải biến thành một tu viện, mà là duy trì văn hóa minh bạch và tử tế, nhân viên được lắng nghe, được tôn trọng; môi trường làm việc nuôi dưỡng con người, cân bằng giữa hiệu suất và sức khỏe tinh thần; kết hợp tăng trưởng với giá trị bền vững. không chạy theo lợi nhuận ngắn hạn mà đánh đổi hạnh phúc dài hạn.

Nếu người lãnh đạo có tinh thần chữa lành sẽ giúp DN không chỉ thành công mà còn hạnh phúc. Và một DN hạnh phúc mới thực sự bền vững.

(*) Chuyên gia sức khỏe thân tâm trí (Holistic Wellness Coach)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lãnh đạo chữa lành: Một yếu tố giúp doanh nghiệp phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO