Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn xin giớ thiệu những chia sẻ của bà Lê Thị Thanh Lâm về nội dung, cũng như ý nghĩa của cuốn sách Người thả diều.
* Vì sao bà lại đưa ra hai hình ảnh là cánh diều và lục bình trôi để giới trẻ tự chiêm nghiệm và khẳng định bản thân trong cuốn sách Người thả diều?
- Đây là một ví von, người có mục tiêu cuộc đời giống như là người thả diều. Còn người không có mục tiêu cuộc đời giống như người lênh đênh, không biết mình đi về đâu. Đó là một hình ảnh dễ nhớ, giúp độc giả in sâu vào ký ức. Hình tượng người thả diều là người chủ động. Còn cánh lục bình trôi sông là sự bị động.
* Ước mơ của bà là trở thành giáo viên nhưng bà lại chọn ngành thủy sản, và bị gọi là “kỹ sư bóc tôm” khi đi làm. Có bao giờ bà cảm thấy xấu hổ với hình ảnh này hay ngượng ngùng với công việc cử nhân bóc tôm? Và công việc này giúp ích gì cho bà khi quản lý doanh nghiệp?
- Nếu nói "không" thì không thật lòng. Tại thời điểm nhiều mộng mơ, tôi nghĩ rằng ra trường sẽ làm được cái gì đó rất to lớn. Nhưng mà cuối cùng khi vào trong nhà máy thì mình như là một công nhân bình thường, phải bóc vỏ tôm. Sau đó trong một lần cha tôi đến thăm, tôi mặc nguyên bộ đồ của người công nhân ra gặp ông, ông hỏi “Con đang làm gì đó?”, tôi trả lời: “Con đang bóc vỏ tôm”. Từ đó cái tên “kỹ sư lột tôm” của tôi ra đời. Lúc đó tôi cũng cảm thấy tự ái bởi vì mình không làm được những điều to lớn. Nhưng sau này, tôi phải cảm ơn người lãnh đạo đã cho mình những trải nghiệm đó.
Chính những trải nghiệm từ bậc thấp nhất là một người công nhân lột vỏ tôm cho đến sau này chuyển qua những vị trí cao hơn, làm tổ trưởng rồi làm trưởng phòng rồi lên vị trí phó giám đốc thì tôi tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm. Và bài học kinh nghiệm này giúp cho công tác quản lý của tôi tại Sài Gòn Food hiệu quả hơn. Thực sự nếu chỉ tiếp thu chương trình đào tạo của các trường đại học thì không đủ, sinh viên cần đi trải nghiệm thực tế nhiều. Các bạn sinh viên thường rất bỡ ngỡ với những việc thực tế tại nhà máy, khi thấy điều này tôi lập một chương trình có tên là “học kỳ doanh nghiệp” để mời gọi các bạn sinh viên trải nghiệm công việc ở nhà máy từ 2-3 tháng, tùy chương trình, giúp các bạn có những kinh nghiệm thực tế để khi ra trường không bỡ ngỡ.
* Trong cuốn sách Người thả diều, bà dành khá nhiều trang để viết về vấn đề xây dựng thương hiệu cá nhân. Vì sao nhà quản lý cần xây dựng thương hiệu cá nhân?
- Tại sao phải xây dựng thương hiệu cá nhân? Tôi nghĩ rằng không cần phải là một nhà quản lý hay là một doanh nhân mới cần xây dựng thương hiệu cá nhân, mà hiện nay, bất kể chúng ta ở vị trí nào cũng cần phải có thương hiệu của mình. Có một định nghĩa về thương hiệu rất hay: “Thương hiệu là cái hiệu mà người ta thương”. Nhiều người thương thì thương hiệu càng mạnh, bởi vì có được sự thương yêu thì “Thương nhau trái ấu cũng tròn” hoặc là “Thương ai thương cả đường đi lối về”.
Bìa sách Người thả diều |
Nói như vậy không có nghĩa là tình thương đơn giản chỉ là cảm xúc mà phải xuất phát từ một cơ sở gì đó. Mình phải như thế nào thì mới được cấp dưới thương? Đầu tiên mình phải là một người hòa đồng, đồng cảm, thấu hiểu, lắng nghe và là tấm gương tốt cũng như có những năng lực gì để cấp dưới cảm thấy ngưỡng mộ, tự hào thì người ta sẽ học theo. Tôi cũng hướng dẫn cho các bạn sinh viên ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường thì cũng phải bắt đầu xây dựng thương hiệu cá nhân cho mình. Bởi vì điều đó mang đến hiệu quả rất nhiều.
Tôi hỏi một em sinh viên, khi em làm một đơn xin việc hoặc khi em đi phỏng vấn thì em phải làm gì để người phỏng vấn muốn chọn em? Có phải là em dựa trên năng lực? Nhưng bây giờ, trong những người có cùng năng lực như nhau, nhưng em có một lá đơn viết bằng tay thay vì đánh máy, em viết chữ rất đẹp, em rất chỉn chu trong từng lời văn và khi đến đối diện để phỏng vấn, em có thái độ ôn tồn, cầu thị, am hiểu về doanh nghiệp của họ. Như vậy thì đúng là em đang tự xây dựng một thương hiệu tốt. Người ta chọn em là chọn giá trị thương hiệu của em đó chứ không chỉ chọn năng lực của em.
Nếu là một doanh nhân, là một nhà quản lý thì nền tảng xây dựng thương hiệu cá nhân chúng ta phải có. Bên cạnh đó, chúng ta phải có những ưu điểm, những lĩnh vực sở trường của mình, có sự khác biệt… có thể mang đến giá trị cho tất cả mọi người xung quanh thì đó gọi là thương hiệu. Người ta cảm thấy thương mà không thể tách rời được thì người ta sẽ chọn mình và đi theo mình thôi.
* Theo bà làm thế nào để người lao động có thể làm việc với tâm thế xuất phát từ trái tim?
- Nên giúp người lao động cảm thấy nơi làm việc như là gia đình thứ hai của họ thì chắc chắn họ sẽ không có mặc cảm đi làm thuê. Đó là một câu chuyện khá dài để xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Nếu như bạn đi làm thuê mà có tâm thế của một người coi doanh nghiệp là của mình, mình là chủ thì không sớm thì muộn bạn cũng sẽ có được doanh nghiệp giống như Sài Gòn Food. Nếu như chúng ta hiểu được bản thân mình có những mục tiêu rõ ràng và chúng ta muốn chứng tỏ mình, muốn phát huy hết năng lực của mình thì có nhiều cách để lập nghiệp chứ không phải chỉ có con đường startup.
Như bản thân tôi, 21 năm đi làm đầu tiên tôi vẫn là người làm thuê. Từ một doanh nghiệp nhỏ sang làm thuê cho một công ty lớn hơn, trải nghiệm ở rất nhiều vị trí khác nhau để rồi cuối cùng đến thời điểm mà không còn trẻ nữa thì mình tiến đến khởi nghiệp. Nhiều người xung quanh thậm chí là bạn bè doanh nhân hoặc là giới truyền thông, họ nghĩ rằng bà Lâm là chủ của công ty Sài Gòn Food, bởi vì chưa bao giờ tôi nghĩ mình đang đi làm thuê. Tâm thế của tôi là tâm thế làm chủ chứ không phải làm thuê. Các bạn trẻ ơi! Đừng nghĩ rằng chỉ có một con đường, mà chúng ta còn rất nhiều con đường để đi, vấn đề là các bạn đặt mục tiêu của mình như thế nào, sứ mệnh cuộc đời của mình như thế nào để các bạn chọn con đường mình cảm thấy vui vẻ hạnh phúc, và dĩ nhiên là cũng phải có tiền.
Lê Thị Thanh Lâm - nguyên Phó tổng giám đốc Sài Gòn Food, đồng thời cũng là tác giả của cuốn sách Người thả diều |
* Câu hỏi của bạn đọc: Xu hướng hiện nay, giới trẻ thường chưa đi làm thuê để tích lũy kinh nghiệm đã nghĩ đến việc mở công ty để làm chủ, theo bà như vậy thì tỷ lệ thất bại hay tỷ lệ thành công cao hơn?
- Tôi nghĩ muốn thành công sớm là ý tốt. Tuy nhiên nếu như mình vội vã, không có một sự chuẩn bị chu đáo và chưa đủ năng lực để quản lý, chưa đủ năng lực để lãnh đạo một doanh nghiệp thì việc khởi nghiệp khó thành công. Chúng ta hay nghe nói cứ trẻ, cứ thất bại rồi làm lại. Tôi không ủng hộ quan niệm đó, bởi vì một lần mình thất bại không chỉ thất bại cho bản thân mình mà còn ảnh hưởng đến những người khác nữa.
Tôi khuyên là các bạn hãy cứ đi làm thuê trước một thời gian để tích lũy kinh nghiệm, ít nhất là 5 năm, còn như trung bình là phải 10 năm, để tích lũy cho đầy đủ kinh nghiệm.
Theo quan niệm của tôi thì tất cả những công việc mà chúng ta làm nếu có sự chuẩn bị tốt, chu đáo kỹ lưỡng và dự trù tất cả những rủi ro thì khả năng thành công đã trên 50% rồi. Do đó, lời khuyên là các bạn trẻ đừng có vội vã. Còn nếu như các bạn đã chuẩn bị từ khi còn trên ghế nhà trường, các bạn có đủ những người mentor, những người dẫn dắt, đủ điều kiện tài chánh và có người đồng hành để hỗ trợ thì các bạn khởi nghiệp sớm ngay khi ra trường cũng được, điều đó tôi rất hoan nghênh. Nhưng các bạn phải chú ý rằng tỷ lệ đó trong một nền kinh tế hay trong một quốc gia hay là trên thế giới thì rất hiếm. Chúng ta hãy cứ bình tĩnh, chuẩn bị cho thật chu đáo thì việc khởi nghiệp sẽ thành công.
* Xin cảm ơn bà!