Trong khi khu vực Caucasus và Trung Á chịu tác động trực tiếp từ cuộc chiến ở Ukraine do có kết nối về tài chính và thương mại gần gũi với Nga, các khu vực còn lại sẽ chịu tác động gián tiếp do giá nhiên liệu và thực phẩm tăng cao. Do đó, lạm phát tăng là điều khó tránh. ADB dự báo lạm phát khu vực này năm nay sẽ tăng lên 3,7%, so với mức 2,5% năm 2021.
Một yếu tố nữa ảnh hưởng đến tăng trưởng của khu vực này là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu tăng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát - yếu tố làm chệch hướng phục hồi của nền kinh tế đầu tàu thế giới. FED đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25% trong cuộc họp tháng 3 vừa qua và dự kiến sẽ còn 6 lần tăng trong năm nay. Động thái này của FED có thể gây bất ổn thị trường tài chính và gia tăng sức ép mất giá các đồng nội tệ trong khu vực, càng tăng thêm áp lực lên lạm phát trong khu vực.
Covid-19 vẫn phủ bóng đen lên khu vực các nước đang phát triển ở châu Á, với nguy cơ xuất hiện các biến thể mới nguy hiểm và sự bùng phát dịch bệnh tại Trung Quốc đe dọa tăng trưởng và các chuỗi cung ứng trong khu vực. Trung Quốc mới đây đã phong tỏa thêm thành phố Thượng Hải.
Theo đó, ADB dự báo các nước vùng Caucasus và Trung Á năm 2022 sẽ tăng trưởng chậm nhất khu vực này, chỉ đạt 3,6%, so với mức 5,6% năm 2021. Khu vực Đông Á sẽ tăng trưởng 4,7%, so với mức 7,6% năm 2021. Khu vực Nam Á sẽ tăng trưởng 7%, trong đó Sri Lanka là nước có mức tăng trưởng thấp nhất, chỉ đạt 2,4%. Với Việt Nam, ADB vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế đạt mức 6,5% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023 nhờ thương mại cùng nhiều chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng.