Ông Chung Văn Khanh ở cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ phấn khích nói: “Địa phương này nổi tiếng về chất lượng cá tra nuôi theo phương pháp hữu cơ, vậy mà có đợt bị rớt giá khiến người nuôi thua lỗ. Từ đó, tôi nghĩ đến việc mở cơ sở chế biến khô, mắm từ cá tra nguyên liệu để khép kín chu trình kinh doanh cá tra nuôi của gia đình, lại giải quyết được phần nào lượng cá tra của bà con trong vùng”.
Trên diện tích 50.000 mét vuông mặt nước, ông Khanh thả nuôi hàng trăm nghìn con cá tra với thức ăn công nghiệp được chế biến theo tiêu chuẩn “sạch”, cá tăng trọng nhanh, chất lượng lại thơm ngon. Để cá tra không bị bệnh, ông Khanh luân chuyển thường xuyên nguồn nước và thiết lập hệ thống lắng lọc trước khi xả ra sông.
Năm 2016, cơ sở chế biến khô, mắm cá tra Út Anh do ông Khanh làm chủ ra đời, khiến nhiều người dân trong vùng ngạc nhiên.
Bà Nguyễn Thị Tố ở phường Tân Lộc cho biết: “Hồi trước tới giờ tôi chỉ biết đến mắm cá lóc, cá rô, cá sặc chứ chưa biết có ai làm mắm từ cá tra. Vậy mà ông Khanh làm được mới hay!”.
Nghe thì đơn giản nhưng bắt tay vào thực hiện, đòi hỏi phải có kiến thức khoa học mới làm được mắm cá tra. Ông Khanh cũng đã thất bại hàng chục lần mới có được loại mắm cá tra hấp dẫn.
Ông Khanh kể về một số công đoạn làm mắm theo cách của mình: Trước tiên phải chọn cá mỗi con từ 800g đến 1kg. Sau khi làm sạch, rửa kỹ, cá được trộn muối với tỷ lệ nhất định, mà phải là muối Phan Thiết, không dùng muối ở các địa phương khác. Tiếp theo là cá đã ướp muối trộn với đường thốt nốt đặt mua của nông dân Campuchia và trộn khóm để tăng vị ngọt thanh.
Lý giải về việc chọn muối và đường tỉ mỉ như vậy, ông Khanh cho biết: “Muối Phan Thiết sáng đẹp, sạch, độ mặn vừa phải. Đường thốt nốt của Campuchia có độ ngọt dịu, mùi thơm đặc trưng mà đường thốt nốt ở An Giang không có được. Nhờ thế, mắm cá tra thương hiệu Út Anh có vị thơm ngon rất riêng”.
Sau khi trộn muối, đường, khóm, cá được nén chặt vào thùng chứa khoảng 30-35 ngày, tùy trời nóng hay mát rồi trộn với gạo xay nhuyễn và một số gia vị khác, gọi chung là thính, rồi lại cho vào thùng nén chặt. Khoảng 60-90 ngày là mắm đạt yêu cầu, vô keo xuất bán.
Theo tính toán của ông Khanh, bình quân 4kg cá tra nguyên liệu sẽ cho ra 1kg mắm, giá 120.000 đồng. Mỗi tháng, cơ sở mắm cá tra Út Anh xuất bán trên 400kg, trừ chi phí nguyên liệu, nhân công, lãi xấp xỉ 30 triệu đồng.
Cựu chiến binh Chung Văn Khanh còn chế biến khô cá tra với ba loại: khô cao cấp giá 260.000 đồng/kg, khô thỏi tẩm gia vị 160.000 đồng/kg, khô phồng 140.000 đồng/kg. Mỗi tháng, ông Khanh xuất bán bình quân trên 200kg khô các loại, lãi ròng từ 100 - 150 triệu đồng/năm.
Ông Khanh còn một nguồn lãi khoảng 1 tỷ đồng/năm từ việc nuôi bán 3.000 tấn cá tra sạch.
Mắm và khô cá tra của ông Khanh đã được đăng ký quyền bảo hộ và đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, nên được thương lái từ Cần Thơ, TP.HCM, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Hà Nội... đặt hàng khá nhiều.
Cơ sở Út Anh còn chế biến một số thực phẩm khác được nhiều người ưa chuộng, như mắm ba khía, dưa mắm cá tra, nước mắm cá linh. Hiện nay đã có từ 5-7 lao động có việc làm thường xuyên tại cơ sở chế biến này, vào những lúc cao điểm, số lao động tăng từ 20-30 người với tiền công từ 150.000 - 180.000 đồng/người/ngày.
Bà Phan Thị Bảy - công nhân tại cơ sở Út Anh cho biết: “Vợ chồng anh Khanh, chị Vân rất tử tế với người lao động. Họ luôn động viên công nhân không để xảy ra sơ suất về vệ sinh trong các khâu chế biến”.
Điều đáng quý nữa ở doanh nhân cựu chiến binh Chung Văn Khanh là luôn đóng góp tiền của cho công việc xã hội - từ thiện tại địa phương, như làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà tình thương, giúp đỡ học sinh nghèo, người già neo đơn...