Tăng lãi suất đồng loạt
Hàng loạt NH đã tăng lãi suất huy động vốn trong những ngày đầu tháng 9, ở cả kênh gửi tại quầy và tiền gửi trực tuyến, đẩy mặt bằng lãi suất tiền gửi tiếp tục lập mặt bằng cao mới. Như MBBank mới đây đã tăng lãi suất kỳ hạn 24 tháng thêm 0,95%/năm so với hồi đầu tháng 8, lên 6,7%/năm, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn ba tháng cũng tăng thêm 0,2%/năm lên 3,8%/năm, trong khi kỳ hạn 6 và 12 tháng của MBBank tăng lần lượt 0,43%/năm và 0,53%/năm lên các mức 5,3%/năm và 6,1%/năm. Sacombank cũng tăng lãi suất thêm 0,2%/năm với các kỳ hạn 6, 12 và 24 tháng, lần lượt là 5,4%/năm, 6%/năm và 6,4%/năm. Nam Á Bank tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 9 tháng thêm 0,3%/năm, lên 6,9%/năm. ACB vừa tăng thêm 0,1%/năm tại một số kỳ hạn. Lãi suất tiền gửi từ 1-5 tháng của NH Bắc Á tăng nhẹ 0,1%/năm, lên kịch trần 4%/năm, kỳ hạn 6-7 tháng tăng 0,15% lên 6,5%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên tăng 0,1%/năm lên 6,9-7%/năm.
Nếu như trước đây mức lãi suất 7%/năm là khá hiếm hoi, thì hiện nay không ít NH niêm yết mức lãi suất huy động cao nhất trên 7%/năm như SCB với 7,55%/năm, KienlongBank với 7,3%/năm, Techcombank với 7,1%/năm... Đáng chú ý, lãi suất huy động cao nhất hiện thuộc về ABBank với 8,8%/năm kỳ hạn 13 tháng, tăng 0,5%/năm so với biểu lãi suất niêm yết trước đó. Đây cũng là mức lãi suất tham chiếu cho các khoản vay tại ABBank.
Với tăng trưởng tín dụng vượt trội và cao hơn nhiều so với tăng trưởng tiền gửi, trong khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục hút ròng tiền đồng thời gian qua, thanh khoản của hệ thống chịu áp lực là điều tất yếu. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, mặt bằng lãi suất tiền gửi bình quân hiện nay đã cao hơn đáng kể, khi mà có những NH đã tăng lãi suất đến 4-5 lần để cạnh tranh thu hút vốn. Xu hướng này khiến chi phí huy động đầu vào của các NH tăng mạnh, thách thức mục tiêu giữ ổn định lãi suất cho vay.
Áp lực từ lạm phát và nới room tín dụng
Đáng lưu ý là xu hướng tăng lãi suất có thể chưa sớm dừng lại, bởi lo ngại lạm phát có thể quay trở lại trong những tháng cuối năm, cùng với việc nới thêm room tín dụng buộc các NH phải tiếp tục đẩy lãi suất tiền gửi để giữ vững việc huy động vốn, cũng như chuẩn bị nguồn vốn để đáp ứng mục tiêu phát triển kinh doanh cuối năm.
Đến thời điểm hiện tại, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã đạt 9,91%, là mức rất cao so với cùng kỳ năm 2021. Được biết, NHNN sẽ phân bổ thêm hạn mức tín dụng cho các NH có chất lượng tốt ngay trong tháng 9 này. Theo dự báo của Công ty Chứng khoán SSI, lãi suất huy động có thể tăng thêm 50-70 điểm cơ bản nếu hạn mức tín dụng được nới. Như vậy, lãi suất huy động trong cả năm 2022 có thể tăng từ 1-1,5%.
Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, mặt bằng lãi suất tiền gửi bình quân hiện nay đã cao hơn đáng kể, khi mà có NH đã tăng lãi suất đến 4-5 lần để cạnh tranh thu hút vốn. Xu hướng này khiến chi phí huy động tiền đầu vào của các NH tăng mạnh, thách thức mục tiêu giữ ổn định lãi suất cho vay.
Đối với lạm phát, dù CPI tháng 8 gần như không tăng so với tháng 7, tuy nhiên nhiều dự báo cho thấy giá dầu thế giới có thể tăng trở lại sẽ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng. Do đó, CPI các tháng còn lại của năm 2022 sẽ gặp khá nhiều thách thức. Với giá hàng hóa thế giới vẫn neo cao, giá lương thực, thực phẩm bị ảnh hưởng trước căng thẳng địa chính trị và nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu, các mặt hàng thiết yếu thời gian qua vẫn chưa kịp giảm theo các lần điều chỉnh giá xăng dầu trong nước, khiến nguy cơ lạm phát vẫn hiện hữu.
Đặc biệt, bước sang tháng 9, CPI sẽ bị ảnh hưởng đáng kể bởi giá các mặt hàng ngành giáo dục gia tăng khi bước vào năm học mới. Sau hai năm đại dịch Covid-19, hầu hết địa phương đều không tăng học phí theo lộ trình, năm học này muốn hay không cũng buộc phải tăng, bởi không tăng thì ngân sách nhà nước không có cách nào cải thiện thu nhập cho giáo viên.
Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, việc điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục năm học 2022-2023 theo khung giá tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo có thể làm tăng CPI bình quân năm 2022 thêm 0,55-1,05%. Đây là áp lực vô cùng lớn tới việc kiểm soát lạm phát.
Một yếu tố rất quan trọng nữa là cầu nội địa đã tăng và dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Trong tháng 8 vừa qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước, đạt quy mô và tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch Covid-19.