"Lách luật" để kiếm lời từ chênh lệch lãi suất

Gia Lê| 20/10/2019 07:00

Xoay dòng vốn để tối ưu hóa lợi nhuận thu được là mục tiêu của khách hàng, đặc biệt trong bối cảnh một số kênh đầu tư được mở ra cho nhà đầu tư lựa chọn. Tuy nhiên, một số chính sách hỗ trợ khách hàng của các ngân hàng lại khiến rủi ro tiềm ẩn cho hệ thống tín dụng.

Không chỉ nhà đầu tư tự do, ngay cả NH cũng lợi dụng chênh lệch lãi suất tiền đô và tiền đồng trên thị trường liên NH để kiếm lợi.

Không chỉ nhà đầu tư tự do, ngay cả NH cũng lợi dụng chênh lệch lãi suất tiền đô và tiền đồng trên thị trường liên NH để kiếm lợi.

Nhiều khách hàng gửi tiết kiệm vào ngân hàng (NH), nhưng khi thấy có kênh đầu tư nào "ngon" hơn thì vay cầm cố sổ tiết kiệm (STK) với lãi suất cao hơn lãi suất trên sổ tiết kiệm từ 1,5-2% rồi đem tiền đó đầu tư, mà kênh trái phiếu doanh nghiệp (DN) với lãi suất hấp dẫn gần đây được ưa chuộng nhất.

Giải pháp cầm cố STK vừa giúp khách hàng không bị phạt rút trước hạn bằng cách tính lãi suất theo tiền gửi không kỳ hạn, mà lại còn tận dụng được chênh lệch lãi suất khi có kênh đầu tư mới hoặc ngân hàng (NH) khác huy động với lãi suất cao hơn.

Từ sau khi trần lãi suất tiền gửi USD về 0% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào cuối năm 2015, nhóm khách hàng có thói quen găm giữ ngoại tệ và gửi NH đã không còn được hưởng lãi. 

Link bài viết

Tuy nhiên, gần đây, nhiều NH nước ngoài lôi kéo và tư vấn khách hàng gửi USD vào những NH này với lãi suất vẫn ở mức 0% theo quy định, nhưng có thể cầm cố STK vay lại VND với lãi suất 4-5% cho kỳ hạn 6 tháng; sau đó, khách hàng sẽ đem gửi cho các NH trong nước với lãi suất 7-8% tại một số nhà băng đang niêm yết lãi suất tiền gửi cao, theo đó vừa giữ được ngoại tệ, lại vừa hưởng lãi suất 3-4%.

Chính vì những chiêu trò trong việc gửi tiền rồi vay lại bằng hình thức cầm cố STK không chỉ đến từ phía khách hàng, mà ngay cả các NH cũng tích cực tư vấn, hỗ trợ cho, nên NHNN gần đây đã phải thắt chặt quy định về cho vay cầm cố STK, yêu cầu khách hàng phải chứng minh được mục đích sử dụng vốn khi vay cầm cố STK.

Về phía NH cũng phải thẩm định chặt chẽ và giải ngân qua tài khoản theo quy định. Nếu NH nào vi phạm sẽ bị xử phạt nghiêm. Nhưng đáng lưu ý là tại một số NH, cán bộ, nhân viên kinh doanh cũng “lách luật” hỗ trợ khách hàng hợp thức hóa giấy tờ chứng minh mục đích sử dụng vốn.

Sự chênh lệch lãi suất giữa tiền đô và tiền đồng cũng có thể trở thành kênh "kiếm ăn" cho các DN xuất nhập khẩu. Với việc nhiều DN có điều kiện tiếp cận các khoản vay USD với lãi suất 3-4%, các DN này vay USD, chuyển sang VND và đem gửi NH với lãi suất 5-7%, hưởng chênh lệch 2-4%. Hình thức này tuy có thể khiến các DN đối mặt với rủi ro tỷ giá, nhưng thực tế là trong nhiều năm trở lại đây, tỷ giá được kiểm soát khá ổn định và có thể dự báo được, nên DN không còn e ngại và có thể tích cực kiếm ăn ở kênh này.

Chính vì vậy mà NHNN luôn muốn thu hẹp đối tượng vay ngoại tệ, không chỉ để hạn chế tình trạng đô la hóa, mà còn nhằm ngăn chặn các hình thức kiếm lợi kể trên, khi dòng vốn vay không đi vào sản xuất mà quay trở lại NH, khiến dòng vốn của hệ thống phản ánh không thực chất, gây ra những bất ổn và rủi ro tiềm ẩn cho hệ thống.

Thậm chí, ngay cả NH cũng lợi dụng chênh lệch lãi suất tiền đô và tiền đồng trên thị trường liên NH để kiếm lợi. Khi lãi suất VND cao hơn nhiều so với USD, NH sẽ tích cực vay USD chuyển sang tiền đồng để cho khách hàng vay hoặc cho các NH khác đang thiếu thanh khoản vay lại. Ngược lại, nếu chênh lệch này quá thấp, NH sẽ vay VND để đầu tư, lướt sóng USD hoặc chuyển từ tiền đồng vay được sang ngoại tệ cho khách hàng vay với lãi suất cao hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Lách luật" để kiếm lời từ chênh lệch lãi suất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO