Đến hồi cáo chung?
Vốn hóa của Meta - công ty mẹ của Facebook - "bốc hơi" hơn 200 tỷ USD, hiện chỉ còn 550 tỷ USD và đẩy Facebook rời khỏi top 10 công ty giá trị nhất thế giới. Năm ngoái, Meta Platforms từng đứng thứ 6 với vốn hóa hơn 1.000 tỷ USD. Tính từ đỉnh cao tháng 8/2021, vốn hóa đã giảm một nửa.
Lần đầu tiên sau 18 năm thành lập, lượng người dùng hằng ngày của Facebook sụt giảm. Người dùng giảm tức dữ liệu có được từ họ cũng giảm theo. Có vẻ như kỷ nguyên của Facebook đang đến hồi cáo chung?
Khi Apple ra phiên bản iOS 14.5 với tính năng App Tracking Transparency (ATT) cho phép người dùng chủ động hơn trong việc kiểm soát dữ liệu của mình, trong đó nghiêm cấm hành vi thu thập và chia sẻ một số dữ liệu nhất định, trừ khi người dùng cho phép, khiến việc thu thập dữ liệu của Facebook bị ảnh hưởng nghiêm trọng và tác động đến quảng cáo của mạng xã hội này.
Do không còn xác định được khách hàng mục tiêu dễ dàng, chi phí dành cho quảng cáo của doanh nghiệp trên nền tảng Facebook tăng vọt mà vẫn không đảm bảo độ chính xác như cũ. Hệ quả là nhiều doanh nghiệp giảm tiền quảng cáo dành cho Facebook, Instagram, chuyển sang hợp tác với Google, Amazon và những nền tảng tương tự. Đầu tháng 2/2022, Meta thừa nhận có thể mất 10 tỷ USD, tức 1/4 tổng lợi nhuận năm ngoái của Facebook sẽ "bốc hơi".
Chưa kể sự xuất hiện của những nền tảng mới đang "cướp người dùng" của Facebook, như TikTok. Rõ ràng, các đối thủ kinh doanh đều đang muốn bóp nghẹt Facebook khi công ty này phải đối mặt với các khó khăn bủa vây.
Theo Financial Times, những bê bối về quyền riêng tư của Facebook đã khiến người dùng bất mãn. Nhiều người trẻ đang "di cư" sang những mạng xã hội mới như TikTok của ByteDance. Đầu tháng 1, Cloudflare - công ty chuyên cung cấp dịch vụ bảo mật Internet tại Mỹ đã công bố danh sách 10 trang web có lượng truy cập lớn nhất năm 2021. Trong đó, TikTok đã vượt qua Google, Facebook để trở thành trang web được truy cập nhiều nhất. Năm 2020, Facebook vẫn đứng đầu danh sách này.
Còn theo khảo sát của Yahoo Finance vào tháng 12 năm ngoái, Facebook được đánh giá là công ty tệ nhất năm với số phiếu nhiều hơn 50% so với vị trí thứ hai. Những người tham gia cho biết, họ không hài lòng với Facebook về các vấn đề như quyền riêng tư, không giới hạn kiểm duyệt hay tác động của Instagram đối với sức khỏe tâm thần.
Lại bị tẩy chay
Không chỉ đối diện với những chỉ trích từ người dùng và đòn tấn công từ các đối thủ cạnh tranh, Facebook hiện cũng bị các chính phủ đưa vào "tầm ngắm". Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ đang kiện Facebook dùng việc mua lại Instagram và WhatsApp để duy trì vị thế độc quyền. Tại châu Âu, dự kiến một đạo luật về dữ liệu sẽ được Liên minh châu Âu (EU) đưa ra cuối tháng 2 này. Theo đó, việc truyền dữ liệu ra ngoài phạm vi 27 nước thành viên sẽ bị kiểm soát chặt chẽ, dự báo ảnh hưởng lớn tới Facebook.
Cho đến lúc này, dữ liệu người dùng Facebook và Instagram tại châu Âu vẫn được chuyển về California (Mỹ) xử lý và lưu trữ theo những quy định pháp lý lỏng lẻo, mức độ bảo mật lại càng mù mờ. Đạo luật nói trên sẽ đơn phương tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, giành lại quyền tự chủ về dữ liệu cho phía châu Âu.
Điều quan trọng là chính sách của EU có thể mở đường cho các quốc gia khác hành động tương tự, khi trong thời đại số ai cũng muốn nắm được quyền chủ động đối với dữ liệu người dùng. Nếu xu hướng này không dừng lại, dữ liệu người dùng của Facebook sẽ bị phân mảnh tại nhiều nơi và doanh nghiệp này buộc phải chia sẻ và lưu giữ dữ liệu tại những nước sở tại.
Đáng lưu ý là nhiều người châu Âu và cả lãnh đạo nhiều nước châu Âu đã lên tiếng tẩy chay Facebook, khi công ty này ngụ ý xem xét rút Facebook và Instagram khỏi châu lục này để chống lại các quy định mới. Cần biết rằng, châu Âu là một thị trường quan trọng của Meta. Quý IV năm ngoái, 1/4 doanh số toàn cầu của Meta là từ châu Âu và mỗi người dùng ở cựu lục địa mang về cho hãng mỗi năm 19,7 USD, cao gấp rưỡi mức trung bình toàn thế giới.
Nhưng càng ngày Facebook càng mất uy tín tại châu Âu, sau hàng loạt bê bối xâm phạm quyền riêng tư cá nhân và lạm dụng dữ liệu người dùng. Mới đây nhất, Meta đã chấp nhận thua và bồi thường 90 triệu USD cho một vụ kiện kéo dài 10 năm về quyền riêng tư. Vụ kiện kết thúc vào ngày 14/2/2022, liên quan đến vấn đề Facebook thu thập dữ liệu từ trình duyệt web. Theo đó, Facebook phải xóa toàn bộ dữ liệu liên quan và trả tiền cho các nguyên đơn, dựa trên mức độ bị ảnh hưởng của họ bởi hành động theo dõi của Facebook.
Cần biết rằng, đây không phải lần đầu Facebook bị kêu gọi tẩy chay quy mô lớn. Năm 2018, chiến dịch #DeleteFacebook cũng diễn ra trên diện rộng sau bê bối Cambridge Analytica. Đến tháng 6/2020, chiến dịch #StopHateForProfit kêu gọi doanh nghiệp dừng quảng cáo trên Facebook thu hút gần 100 nhãn hàng lớn tham gia.
Tiếp đến tháng 2/2021, việc tẩy chay Facebook tiếp tục diễn ra ở Úc sau khi Facebook thông báo "hủy kết bạn" với nước này là cho người dùng ở Úc không thể cập nhật tin tức trên mạng xã hội, trong khi người dùng nước ngoài không thể chia sẻ tin tức từ Úc.
Trong khi đó, việc triển khai metaverse của Facebook đến lúc này vẫn chưa đạt được kỳ vọng, dù trong năm ngoái, Facebook chấp nhận "đốt" hơn 10 tỷ USD cho bộ phận chuyên nghiên cứu về nền tảng phần cứng và phần mềm cho metaverse, với niềm tin metaverse sẽ đưa hãng chuyển mình sang kỷ nguyên mới.
Trong khi đó, giới chuyên gia đầu tư chỉ trích tầm nhìn metaverse của Facebook là quá rộng, bao trùm nhiều lĩnh vực và không có trọng tâm sinh lời rõ ràng. Điều này rất khác biệt với dự án metaverse của Microsoft, khi chỉ tập trung vào thế mạnh là nền tảng cho doanh nghiệp. Cần nhớ rằng, đầu tháng 2/2022, một "giấc mơ khác" của Facebook cũng tan vỡ là chương trình tiền điện tử Diem, trước đây mang tên Libra.