Tắc nghẽn chuỗi cung ứng: Bao giờ mới kết thúc?

Khả Hân| 28/10/2021 07:00

Những rắc rối trong chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục leo thang khi ở các cảng biển lớn, lượng hàng tồn đọng lớn nhất từ trước đến nay. Tình trạng này sẽ kéo theo áp lực lạm phát và ảnh hưởng lên đà phục hồi của kinh tế toàn cầu.

Tàu mắc kẹt tại cảng

Theo dữ liệu từ Seaexplorer.com và hãng vận tải hàng hóa khổng lồ Kuehne + Nagel International AG của Thụy Sĩ, tính đến cuối tuần trước, có đến 665 tàu container đang neo đậu chờ vào cảng, chiếm khoảng 10% tổng số tàu trên toàn cầu. Một số tàu không thể di chuyển trong một tuần hoặc hơn. Ví dụ, các tàu ở bên ngoài Los Angeles phải đợi trung bình hơn 12 ngày tại nơi neo đậu trước khi có thể vào cảng. 

Cảng Los Angeles và Long Beach cũng đang có 100 tàu container chờ dỡ hàng, một con số kỷ lục. Kỷ lục trước đó, 97 tàu, mới được thiết lập vào tháng trước. Trước đại dịch Covid-19, các cảng thường chỉ có trung bình khoảng 17 tàu neo đậu tại một thời điểm nhất định.

Trong nỗ lực để giảm bớt sự tắc nghẽn mà có thể làm tăng giá hàng hóa, Mỹ công bố “chiến dịch nước rút 90 ngày” để giải tỏa sự tắc nghẽn tại các cảng biển ở nước này. Theo đó, cảng Los Angeles sẽ hoạt động theo ca kíp suốt 24/7 và các nhà cung cấp dịch vụ tư nhân tại cảng sẽ tăng cường làm việc vào ban đêm.

Container mắc kẹt ở nhiều cảng lớn trên thế giới

Container mắc kẹt ở nhiều cảng lớn trên thế giới

Trong khi đó, Giám đốc Điều hành cảng Los Angeles Gene Seroka lại cho rằng, lượng tàu tồn đọng lớn tại cảng này nên được xem là một dấu hiệu tốt cho nền kinh tế Mỹ, vì nó cho thấy người tiêu dùng tiếp tục mạnh tay chi tiêu. Dù vậy, vấn đề của các cảng biển ở Mỹ không chỉ là tắc nghẽn, mà còn là việc tài xế xe tải đang rất thiếu. Xe tải cũng thiếu không kém, vì các hãng sản xuất ô tô phải cắt giảm sản lượng do thiếu chip.

Theo kết quả khảo sát công bố mới đây bởi Đại học Duke, phần lớn giám đốc tài chính dự báo vấn đề chuỗi cung ứng sẽ kéo dài cho tới năm 2022, thậm chí lâu hơn, theo đó có thể đẩy giá hàng hóa leo thang. Đối với người tiêu dùng Mỹ và ở nhiều quốc gia khác, mối lo lạm phát càng lớn hơn khi mùa Đông đang đến gần, giá năng lượng lại đang tăng chóng mặt. Và không chỉ tại Mỹ, sự hỗn loạn trong chuỗi cung ứng đang ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu và nó sắp trở nên tồi tệ hơn. 

Vấn đề toàn cầu

Sự bùng phát virus SARS-CoV-2 vào năm 2020 đã dẫn đến sự hỗn loạn đối với các nhà sản xuất và phân phối hàng hóa khi không thể phục hồi năng suất kịp, bao gồm cả tình trạng thiếu công nhân và thiếu nguyên vật liệu.

Các khu vực trên thế giới đã chứng kiến chuỗi cung ứng gặp nhiều vấn đề trầm trọng hơn. Ví dụ, tình trạng thiếu hụt năng lượng ở Trung Quốc đã ảnh hưởng đến sản xuất trong những tháng gần đây, trong khi tại Vương quốc Anh, tình trạng thiếu tài xế xe tải ngày càng trầm trọng. Mỹ cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu tài xế xe tải, trong khi Đức gặp phải tình trạng tồn đọng hàng hóa lớn tại các cảng.

Chính sách kiểm soát biên giới và hạn chế di chuyển, nhiều nước thiếu hụt vaccine và nhu cầu dồn nén do bị mắc kẹt ở nhà đã tạo nên những rào cản đối với sản xuất, kinh doanh, kéo theo đơn hàng bị chậm trễ, trong khi chi phí vận chuyển gia tăng sẽ càng đẩy giá cả tăng cao.

Giới phân tích dự báo các vấn đề về chuỗi cung ứng sẽ còn trở nên tồi tệ hơn, trước khi bắt đầu phục hồi trở lại. Chính sách kiểm soát biên giới và hạn chế di chuyển, nhiều nước thiếu hụt vaccine và nhu cầu dồn nén do bị mắc kẹt ở nhà đã tạo nên những rào cản trong sản xuất, kinh doanh, kéo theo đơn hàng bị chậm trễ, trong khi chi phí vận chuyển gia tăng sẽ càng đẩy giá cả tăng cao.

Nút thắt trong chuỗi cung ứng đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, dịch vụ và hàng hóa, từ sự thiếu hụt thiết bị điện tử và ô tô cho đến những khó khăn trong việc cung cấp thịt, thuốc men và sản phẩm gia dụng. 

Khủng hoảng chuỗi cung ứng cũng tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế và là một trong những thách thức lớn nhất mà các chính phủ hiện nay phải đối mặt. Trung Quốc gần đây báo cáo GDP quý III đáng thất vọng khi chỉ tăng 4,9% so với quý trước. Tuần trước, các nhà kinh tế hàng đầu của Đức cảnh báo, các nút thắt về nguồn cung sẽ tiếp tục tác động xấu lên sản xuất và có khả năng cản trở tăng trưởng kinh tế ở Đức trong thời gian tới.

Các chuyên gia lưu ý rằng, lợi nhuận suy giảm của các công ty đã bắt đầu cho thấy tác động của cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng, khi đẩy chi phí liên quan đến vận chuyển và nguyên nhiên liệu đầu vào gia tăng. Trong khi vấn đề thiếu hụt lao động sẽ sớm qua đi, sự gián đoạn chuỗi cung ứng về tổng thể có khả năng tiếp tục trong ngắn hạn, đặc biệt là nếu có thêm những đợt bùng phát dịch Covid-19. Tuy nhiên, một số sự thiếu hụt, cụ thể là chất bán dẫn, có thể được cải thiện sớm, với dự báo trở lại mức sản xuất bình thường vào quý II/2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tắc nghẽn chuỗi cung ứng: Bao giờ mới kết thúc?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO