Quan hệ Mỹ - Trung dưới thời ông Biden sẽ ra sao?

Khả Hân| 29/12/2020 05:52

Kể từ khi ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden đắc cử tổng thống Mỹ, giới quan sát quan tâm đặc biệt đến mối quan hệ Hoa Kỳ và Trung Quốc trong bối cảnh bàn cờ chính trị thế giới đang có những xoay chuyển khó lường, đặc biệt trước những tác động của đại dịch Covid-19.

Áp lực chính trị

Trong khi có quan điểm cho rằng với mối quan hệ tích cực trước đây giữa Biden và Tập Cận Bình, khi lên làm tổng thống, ông Biden sẽ mềm mỏng hơn với Trung Quốc. Ngược lại, nhiều chuyên gia tin rằng chính trị gia của Đảng Dân chủ Mỹ sẽ vẫn duy trì chiến lược cứng rắn với Bắc Kinh, khi đây là lập trường chung của lưỡng đảng trong mối quan hệ với nền kinh tế số hai thế giới.

Ngay cả giới phân tích tại Trung Quốc cũng tin rằng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ khó có thể hạ nhiệt khi mà mối quan hệ giữa hai cường quốc đã xuống mức thấp nhất kể từ khi Bắc Kinh và Washington thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây hơn 40 năm. Không chỉ gói gọn trong vấn đề thương mại, sở hữu trí tuệ, hai nước có những mâu thuẫn dai dẳng về nhân quyền, vấn đề Hồng Kông, Đài Loan, Biển Đông  và mới đây nhất là cách đối phó đại dịch Covid-19.

Trong khi đó, nước Mỹ dưới thời ông Donald Trump đã mất khá nhiều công sức để lôi kéo các đồng minh thân cận như Úc, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc vào những tranh chấp thương mại và cả cuộc chiến công nghệ với Trung Quốc, do đó chính quyền mới sẽ không dễ gì để thoát ra nếu không muốn làm mất niềm tin với các đồng minh lâu năm. 

bai-2-My-Trung-2-8494-1609145815.jpg

Những phân cực, chia rẽ trong lòng nước Mỹ càng thêm trầm trọng trong đại dịch cũng khiến ông Biden phải chịu áp lực hướng sự giận dữ ra bên ngoài. Nghiên cứu mới nhất do hãng Pew thực hiện cho thấy hơn 70% người dân Mỹ có ấn tượng xấu về Trung Quốc. Trong giai đoạn tranh cử, ông Biden cũng thể hiện rõ thái độ chống Trung Quốc chẳng khác gì đối thủ là Tổng thống Donald Trump.

Đáng lưu ý là dù Mỹ và Trung Quốc đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vào tháng 1/2020, giúp giảm bớt căng thẳng trong hai năm qua, nhưng các nhà quan sát cho rằng Trung Quốc chậm trễ trong việc hoàn thành các thỏa thuận mua hàng hóa của Mỹ, trong khi đàm phán cho thỏa thuận giai đoạn 2 vẫn chưa bắt đầu. Vì vậy, điều này càng khiến Tổng thống Biden khó có thể cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc nếu không muốn bị xem là mềm yếu.

Chính sách của ông Biden

Nếu như Tổng thống Trump kiềm chế Trung Quốc thông qua hàng rào thuế quan, đẩy nhanh tiến độ chiến tranh thương mại thì giới phân tích cho rằng ông Biden sẽ tìm cách xoa dịu căng thẳng thương mại Mỹ - Liên minh châu Âu để tăng cường liên minh các nền dân chủ chống lại Nga và Trung Quốc.

Theo đó, ông Biden có thể tìm hướng tiếp cận mới bằng cách gia tăng sự ủng hộ về thương mại với các nước, như có thể gia nhập lại Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), để tạo nên một khối kinh tế bền vững cô lập Trung Quốc, nhất là khi Bắc Kinh mới đây đã ký kết thành công Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và cũng dành sự quan tâm tham gia vào CPTPP.

Trong khi đó, những chính sách kinh tế trong nước của ông Biden đề xuất cũng sẽ có những tác động lên mối quan hệ với Trung Quốc, trong đó đáng chú ý nhất là kế hoạch "Sản xuất tại Mỹ" (Made in America) nhằm mang lại lợi ích cho người lao động và doanh nghiệp trong nước. 

23435454-7293-1609145815.jpg

Trong đó, kế hoạch "Mua hàng Mỹ" (Buy America) có ngân sách lên đến 400 tỷ USD và "Đổi mới ở Mỹ" (Innovation in America) với kế hoạch đầu tư 300 tỷ USD trong 4 năm là hai kế hoạch nổi bật nhất trong 6 kế hoạch "Sản xuất tại Mỹ" của ông Biden. Theo đó, sẽ giúp tạo thêm hàng triệu việc làm và tăng khả năng cạnh tranh của người lao động Mỹ, thu hút doanh nghiệp Mỹ tiếp tục hồi hương thay vì chỉ trông chờ vào các chính sách ưu đãi thuế như dưới thời ông Trump.

Trong kế hoạch "Đổi mới", ông Biden thiết lập một điều khoản "hoàn trả" để buộc các công ty được Liên bang tài trợ phải hoàn trả tiền nếu họ chuyển kinh doanh ra nước ngoài. Ông Biden còn có kế hoạch tăng gấp đôi thuế suất kinh doanh đối với thu nhập từ thuế thấp vô hình toàn cầu (GILTI) mà các công ty con ở nước ngoài của các công ty Mỹ kiếm được từ 10,5% lên 21%. Chính sách này cản trở các công ty Mỹ chuyển sản xuất sang Trung Quốc để tận dụng lợi thế về chi phí lao động và giá nguyên liệu thấp.

Trong một diễn biến mới nhất, Tổng thống Donald Trump trong những tuần cuối cùng của nhiệm kỳ đã bổ sung thêm 80 công ty Trung Quốc và chi nhánh liên kết vào "danh sách đe" của Bộ Thương mại Mỹ, gồm cả nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc là SMIC. Ông Trump cũng ký đạo luật có thể hủy niêm yết các công ty Trung Quốc ra khỏi sàn giao dịch Mỹ, khiến căng thẳng giữa hai quốc gia ngày càng leo thang. 

Đây sẽ là những vấn đề người tiền nhiệm để lại mà ông Biden khó có thể tháo gỡ trong một sớm một chiều trong trường hợp muốn bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên, dù vẫn sẽ có sự đối đầu, song cả hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đều hy vọng chính sách đối ngoại dễ đoán hơn dưới thời chính quyền mới của Mỹ sẽ mang lại nhiều cơ hội cho một số hợp tác kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quan hệ Mỹ - Trung dưới thời ông Biden sẽ ra sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO