Phía sau câu chuyện Ấn Độ rút khỏi RCEP

Lê Phan| 17/11/2019 03:41

Ngày 4/11/2019, bên lề Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Ấn Độ đã chính thức thông báo không tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vì lo ngại lợi ích quốc gia bị ảnh hưởng.

Phía sau câu chuyện Ấn Độ rút khỏi RCEP

E ngại Trung Quốc

Cụ thể, New Delhi lo ngại hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc, nhất là điện thoại di động, sẽ gây bất lợi cho thị trường hàng hóa của Ấn Độ, trong khi nông sản Úc, New Zeland sẽ tác động tiêu cực tới nông dân nước này. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố, ông muốn hiệp định tự do mậu dịch không chỉ liên quan đến hàng hóa gia công vốn là ưu thế của Trung Quốc, mà còn phải liên quan đến lĩnh vực dịch vụ, mà Ấn Độ hiện là quốc gia dẫn đầu khu vực trong lĩnh vực này.

Thâm hụt thương mại giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã lên tới mức 58 tỷ USD vào năm 2018. Con số này có thể sẽ gia tăng nhanh chóng nếu Ấn Độ tham gia vào RCEP mà không đưa ra các cải cách bổ sung để tăng sức cạnh tranh trong nước. Do đó, việc rút lui là nhằm bảo vệ các doanh nghiệp trong nước, cũng như làm yên lòng các cử tri của Thủ tướng Narendra Modi. Thực tế hành động này đã nhận được nhiều sự ủng hộ từ các thành phần trong xã hội nước này.

RCEP vốn là hiệp định thương mại tự do (FTA) bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 6 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do, gồm Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand, hướng tới mục tiêu hình thành Hiệp định thương mại tự do Đông Á (EAFTA) và khởi đầu cho Đối tác kinh tế toàn diện Đông Á (CEPEA).

Theo ước tính ban đầu, 16 nước tham gia RCEP chiếm gần 50% dân số toàn thế giới, tương đương khoảng 3,6 tỷ người. Khi RCEP được thông qua và có hiệu lực, 16 nước tham gia sẽ hình thành một khối thương mại chiếm gần 30% GDP thế giới, tạo ra khối lượng giao dịch hơn 10.000 tỷ USD, chiếm hơn 29% giá trị thương mại toàn cầu, và chiếm hơn 32% luồng vốn đầu tư thế giới.

Tuy nhiên, cho đến nay RCEP vẫn chưa được ký kết khi bị trì hoãn nhiều lần, chủ yếu do thiếu các thỏa thuận thương mại tự do song phương giữa một số đối tác, chẳng hạn giữa Trung Quốc với Nhật Bản, giữa Ấn Độ với Trung Quốc... Trước sự rút lui vào phút chót của Ấn Độ vừa qua, nhiều người lo ngại Hiệp định sẽ rơi vào tình trạng đình trệ hoặc dừng lại vô thời hạn, khi hành động này đã ít nhiều làm nản lòng các thành viên còn lại, bao gồm 10 quốc gia ASEAN, cùng với Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand và quan trọng nhất là Trung Quốc.

Link bài viết

Tìm cơ hội nơi Mỹ

Việc Ấn Độ rút lui khỏi RCEP càng cho thấy chủ nghĩa ly khai dường như đang được ưa chuộng. Sau sự kiện Anh rút lui khỏi Liên minh châu  u, Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2017, thì nay đến lượt một cường quốc khác là Ấn Độ rút khỏi một trong những hiệp định thương mại tự do đình đám nhất là RCEP, vốn được khởi xướng và dẫn dắt bởi ASEAN và được nhận định là có sự chống đỡ đằng sau của Trung Quốc để đối chọi lại với TPP từng được Mỹ đỡ đầu.

Điều bất ngờ hơn là ngay sau khi tuyên bố không tham gia RCEP, chỉ ngay sau đó một ngày, Chính phủ Ấn Độ cho biết đang nghiên cứu một thỏa thuận thương mại với Mỹ. Theo lời Bộ trưởng Công Thương Ấn Độ Piyush Goyal cho biết, hiện tại Ấn Độ đang thăm dò các thỏa thuận thương mại với Mỹ và Liên minh châu  u, nơi ngành công nghiệp và dịch vụ Ấn Độ sẽ có tính cạnh tranh và hưởng lợi từ việc tiếp cận các thị trường phát triển lớn.

Với tình trạng thặng dư thương mại khá lớn với Mỹ và dường như cũng đang nằm trong tầm ngắm chiến tranh thương mại của ông Trump, khi cách đây vài tháng Tổng thống Trump cũng đã bóng gió về mối quan hệ thương mại với Ấn Độ, thì có vẻ như việc sớm tìm kiếm một hiệp định thương mại với Mỹ là điều cần thiết để ngăn chặn bất kỳ đòn trừng phạt thương mại nào mà Nhà Trắng dự định áp lên hàng hóa Ấn Độ.

Trong bối cảnh Mỹ luôn tìm cách hạ thấp tầm quan trọng của RCEP vì lo ngại sự thống trị của Trung Quốc, thì việc Ấn Độ bất ngờ rút khỏi RCEP vào phút chót để sau đó tìm kiếm một hiệp định thương mại với Mỹ cũng khiến nhiều người đặt ra những nghi ngờ. Đặc biệt là khi một hiệp định thương mại nếu được ký kết với Mỹ có thể giúp hàng hóa Ấn Độ rộng đường hơn tiến vào thị trường Mỹ để khai thác khoảng trống mà Trung Quốc bỏ lại.

Dù vậy, theo giới quan sát, với hành động vừa qua, Ấn Độ đã mất uy tín với ASEAN, khi khối Đông Nam Á đã kiên nhẫn chờ đợi và cho cơ hội để Ấn Độ tham gia vì họ không muốn một khu vực thương mại mới bị Trung Quốc thống trị. Tuy nhiên, theo thông cáo chung sau cuộc họp thượng đỉnh lần thứ ba tại Bangkok vừa qua, các nước tham gia RCEP vẫn thống nhất sẽ ký hiệp định vào năm 2020, kể cả khi Ấn Độ rút lui.

Về phần mình, Trung Quốc cũng liên tục tìm cách đẩy nhanh thỏa thuận khi nước này phải đối mặt với tăng trưởng chậm lại từ cuộc chiến thương mại với Mỹ. RCEP sẽ giúp hợp nhất các nền kinh tế châu Á với Trung Quốc, trong khi chính quyền Trump thì kêu gọi các quốc gia châu Á tránh xa các khoản vay cơ sở hạ tầng của Trung Quốc và công nghệ 5G. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phía sau câu chuyện Ấn Độ rút khỏi RCEP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO