Lối thoát cho cuộc khủng hoảng Covid-19 ngày càng rõ rệt

Khởi Vũ| 07/04/2021 03:00

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 6% trong năm 2021, vượt mức dự báo 5,5% đưa ra vào đầu năm. Riêng với Việt Nam, tăng trưởng nhiều khả năng đạt 6,5% trong năm 2021 và 7,2% vào năm sau.

Đây là lần thứ hai trong 3 tháng gần nhất, IMF nâng triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu, trong khi tiếp tục cảnh báo về sự gia tăng của tình trạng bất bình đẳng thu nhập cũng như sự phân hoá giữa các nền kinh tế đã phát triển và kém phát triển hơn.

"Tình trạng bất bình đẳng thu nhập tại các nước nhiều khả năng sẽ gia tăng, vì người lao động trẻ và người có tay nghề thấp vẫn còn chịu tác động nặng nề. Điều này không chỉ diễn ra ở các nền kinh tế đã phát triển, mà còn ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi", Chuyên gia kinh tế trưởng IMF Gita Gopinath nhận xét.

Đồng thời, bà cho biết thêm, tỷ lệ tuyển dụng nữ lao động thấp hơn sẽ ngày càng khuếch đại tình trạng bất bình đẳng. Dù vậy, báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất của IMF vẫn mang đến điểm sáng là sự phục hồi mạnh mẽ hơn trong năm nay của nền kinh tế toàn cầu.

Tăng trưởng trong năm 2021 được dự báo sẽ ở mức cao nhất kể từ năm 1980

Mức tăng trưởng trong năm 2021 của nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ cao nhất kể từ năm 1980, Ảnh: IMF

Cụ thể, tổ chức này dự báo, nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 6% trong năm 2021, vượt con số đưa ra trước đó vào tháng 1/2021 là 5,5%. Nhìn xa hơn, GDP toàn cầu vào năm 2020 được kỳ vọng tăng 4,4%, cao hơn ước tính trước đó là 4,2%. Đây sẽ là số liệu cao nhất trong 4 thập niên qua, đến sau mức giảm 3,3% vào năm ngoái - mức suy giảm tồi tệ nhất trong thời bình kể từ cuộc Đại suy thoái.

Theo IMF, tăng trưởng của các nền kinh tế đã phát triển sẽ vào khoảng 5,1% trong năm 2021, với Mỹ tăng trưởng 6,4%. Trong khi đó, dự báo dành cho các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển là 6,7% cho năm 2021, với Ấn Độ được dự báo tăng trưởng tới 12,5%.

"Trong số các nền kinh tế đã phát triển, Mỹ dự kiến sẽ vượt qua mức GDP ở thời điểm trước Covid-19 vào năm nay, trong khi nhiều nước khác thuộc cùng nhóm sẽ chỉ trở lại mức trước khi Covid-19 bùng phát vào năm 2022", bà Gopinath nói, và cho biết động lực lớn sau việc này đến từ gói kích thích 1.900 tỷ USD của chính quyền tổng thống Biden.

Riêng với Việt Nam, tăng trưởng nhiều khả năng đạt 6,5% trong năm 2021 và 7,2% vào năm sau.

"Dù thế giới vẫn chưa chắc chắn về đại dịch Covid-19, nhưng lối thoát cho cuộc khủng hoảng kinh tế và sức khoẻ này đang ngày càng rõ rệt", bà Gopinath cho biết.

Nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 6% trong năm 2021. Ảnh: IMF

Nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 6% trong năm 2021. Ảnh: IMF

"Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều thách thức, khó khăn do sự khác biệt trong tốc độ phục hồi ở các quốc gia, cũng như thiệt hại kinh tế tiềm ẩn và lâu dài từ đại dịch Covid-19”, vị nữ chuyên gia kinh tế nói thêm.

Minh chứng cho điều này, IMF cho biết, nhiều nền kinh tế đã phát triển sẽ không thể trở lại mức sản lượng trước đại dịch cho đến năm 2022, và các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển nhiều khả năng phải đến năm 2023 mới có thể phục hồi mức sản lượng đó. Ngoài ra, nền kinh tế thế giới vào năm 2024 cũng sẽ nhỏ hơn khoảng 3% so với dự báo trước khi Covid-19 bùng phát.

Do đó, IMF cho rằng, chính phủ các nước nên tiếp tục tập trung vào "việc thoát khỏi khủng hoảng Covid-19" bằng cách cung cấp hỗ trợ tài chính, kể cả đối với hệ thống y tế. Ở giai đoạn tiếp theo, các nhà hoạch định chính sách sẽ cần phải hạn chế các thiệt hại kinh tế dài hạn từ cuộc khủng hoảng và gia tăng đầu tư công.

Bên cạnh đó, IMF cũng cảnh báo rủi ro về các biến chủng của Covid-19, và khẳng định rằng, nếu virus biến thể nhanh hơn tiến trình tiêm vaccine, Covid-19 có thể trở thành một đại dịch với sức tàn phá khổng lồ và khó lường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lối thoát cho cuộc khủng hoảng Covid-19 ngày càng rõ rệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO